Don’t Breathe - Kịch tính và đầy trăn trở

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 27/08/2016 11:02 AM

Sau bản remake thành công của Evil Dead, đạo diễn Fede Alvarez tiếp tục khiến khán giả sợ hãi với "Don’t Breathe".

2016 có thể là một năm đầy thất vọng của những bom tấn, nhưng trên địa hạt phim kinh dị thì dường như đây chính là năm ăn nên làm ra đối với các tác phẩm có kinh phí thấp. Không sử dụng những chiêu trò hù dọa "jump scare" vốn đã bão hòa, Don’t Breathe của đạo diễn Fede Alvarez nổi bật với các cảnh quay "nắn gân" khán giả và một nội dung không thể đoán trước, phần nào gợi nhớ đến phong cách làm phim của Wes Craven những năm 70.

Cửa khóa và phòng tối - Khi nạn nhân là kẻ xấu

Với một số lượng nhân vật và không gian hạn chế, Don’t Breathe đặt ra câu hỏi lớn cho khán giả: "Ai thực sự mới là nạn nhân của câu chuyện?"

Cốt truyện xoay quanh 3 thanh niên trẻ sinh sống tại Detroit, những kẻ vô công rồi nghề mà vẫn mong được hưởng thụ. Chúng nghĩ ra cách đi ăn trộm từ những nhà giàu, theo cách khá bài bản và thông minh. Tuy nhiên, phi vụ cuối cùng tưởng như ngon ăn khi cả ba quyết định xông phi vào nhà một cựu quân nhân giàu có, mù lòa và cô độc đã không theo đúng kế hoạch. Không có ai được coi là phản diện cũng như chẳng ai hoàn toàn vô tội (trừ chú chó), ai cũng có thể ăn đạn bất cứ lúc nào.

Nội dung của Don’t Breathe không đi theo hướng trừ tà diệt quỷ hay nhóm bạn trẻ bị ma nhập. Quyết định của đạo diễn Fede Alvarez đưa Jane Levy trở lại sau thành công của Evil Dead là một lựa chọn sáng suốt khi sự mạnh mẽ, cuốn hút của nữ diễn viên đã bứt Rocky ra khỏi tuýp nhân vật "bình bông" tóc vàng hoe chỉ biết cắm đầu chạy trong các phim kinh dị thông thường. Với một hoàn cảnh đáng thương (mẹ nát rượu, bố bỏ đi, bố dượng tệ bạc), em gái đòi đi lướt sóng, Rocky có động lực lớn lao để đi ăn trộm.

Đồng hành với Rocky là Money, anh người tình bặm trợn và Alex, thanh niên dính lời nguyền friendzone vĩnh viễn. Cựu diễn viên teen Dylan Minnette, người vào vai Alex tỏ ra không thua kém bạn diễn khi xuất sắc trong những phân cảnh kịch tính, đòi hỏi sự tập trung cao độ để diễn tả hết sự hoang mang của nhân vật.

Làm sao không sợ cho được khi các thanh niên trẻ trâu phải đối mặt với Stephen Lang, người từng chỉ huy chiến dịch tiêu diệt người ngoài hành tinh trong Avatar. Chỉ riêng cơ bắp của diễn viên 64 tuổi này cũng đủ để đóng một vai quan trọng trong phim rồi. Trong khi ba tên trộm được mô tả như những kẻ chẳng may sa cơ lỡ vận rơi vào vòng trộm cướp, chứ bản tính thì vẫn lương thiện (day dứt lắm mới chịu đi cướp người mù); thì vai cựu quân nhân của Stephen Lang được mô tả như một người đàn ông tàn nhẫn và đau khổ.

Càng dấn sâu vào cuộc truy đuổi trong căn nhà tối tăm, người ta càng biết thêm về con người bí ẩn này. Từ vị trí một nạn nhân (nhà bị cướp, chó bị cho ăn bả), cựu binh "tàn mà không phế" này đã "củ hành" tất cả những đứa trộm cắp bằng màn truy sát đáng sợ. Đồng thời, việc hé lộ những bí mật của ông ta đã khiến người xem phải đặt ra những câu hỏi đạo đức mà kết thúc bằng việc không biết nên thương ai trong phim mới phải.

Không có nhiều "jump scare" nhưng vẫn hấp dẫn

Bạn có nhớ từng xem đâu đó một cảnh là nữ chính lò dò trong hành lang tối mù (đèn điện trùng hợp sao tắt hết), nhạc rùng rợn nổi hết cả lên, thế rồi nhạc tắt cái bụp và một con ma hay xác chết gì đó bay thẳng vào mặt nữ chính, nghĩa là vào mặt bạn. Jump scare được coi là đặc sản của một loạt phim kinh dị ăn khách hiện nay. Don’t Breathe không phải là không có jump scare, nhưng tác phẩm hoàn toàn không dựa vào nó mà vẫn khiến người xem nổi da gà.

Đó là nỗi sợ tạo nên bởi bóng tối, hung khí và kẻ sát nhân. Từ những cảnh chạm mặt trực diện với kẻ thù, rất lâu và rất cân não tới các pha súng chĩa thẳng, chó dữ chỉ chực táp lấy nửa khuôn mặt của bạn... Rất thực tế và ám ảnh, không khiến khán giả phải bật dậy khỏi ghế nhưng khiến bạn co rúm trong cuộc trốn chạy tưởng như không có hồi kết xung quanh những căn phòng cũ nát và tối tăm. Máy quay chạy từ phòng này sang phòng khác, bắt lấy chuyển động của từng nhân vật, lúc âm thầm lúc hoảng loạn. Thiết kế sản xuất Naaman Marshall đã biến ngôi nhà trở thành một mê cung kinh dị chốt lấy số phận của các nạn nhân với những hốc tủ tăm tối, cửa sổ chấn song, lỗ thông gió… tưởng chừng quá quen thuộc với mọi công dân Mỹ.

Trong khi đó, góc máy của Pedro Luque với phông nền u tối nhưng sắc nét khiến từng chi tiết như nói lên cái đáng sợ của cả bộ phim. Ngôi nhà rùng mình trong tiếng thở của nhân vật, nguy hiểm rình rập ở mọi nơi, từ tiếng lạo xạo của mảnh kính vỡ tới âm thanh chói tai của tiếng súng. Con quái vật đến từ một người đàn ông cao lớn, thân hình vạm vỡ chắc nịch và những cử động có tính toán. Không khí ngột ngạt mà Alvarez tạo ra trong phim khiến bất kì cảnh quay nào mà nhân vật chui được ra khỏi căn nhà đều khiến khán giả phải thở phào nhẹ nhõm.

Thời lượng trong phim không cho phép Don’t Breathe xoáy sâu vào những câu hỏi mang tính đạo đức đã đặt ra, cũng không thể dừng lại để miêu tả kĩ hơn từng nhân vật. Điều khiến nhiều người nuối tiếc đó là đạo diễn Fede Alvarez không thể (hoặc không muốn) cho người xem thấu hiểu nhân vật cựu quân nhân. Có hai ông bố trong phim và cả hai đều bị bỏ qua một cách đáng tiếc.

Nếu như tác phẩm có thể tạo ra thứ dằn vặt cho khán giả như việc không biết nên cảm thông với ai trong nghịch lý về đạo đức, có lẽ Don’t Breathe sẽ còn thành công hơn nữa. Đồng thời, nhân vật Rocky chưa có được động lực xứng đáng để đi cướp số tiền lớn như thế. Cuối cùng thì, mọi nữ chính trong phim kinh dị đều sống sót (sống tốt là đằng khác), còn các anh friendzone lẫn boyfriendzone đều sẽ trở thành vật tế thần kiêm bia đỡ đạn cho các chị. Dù gì đi nữa, với kinh phí bỏ ra vỏn vẹn 10 triệu đô la và quay trong một cái nhà xập xệ, thì Don’t Breathe vẫn xứng đáng là một tác phẩm kinh dị độc lập không thể bỏ qua trong mùa hè năm nay.