Surface và những vấn đề của Microsoft

PV  | 29/07/2012 0:00 AM

Có rất nhiều vấn đề mà công ty của Bill Gates cần phải giải quyết.

Di động đang chứng minh mình là xu thế của thời đại khi mà lần lượt các ông lớn lần lượt nhảy vào sân chơi này nhằm tìm kiếm cho riêng mình một chỗ đứng. Microsoft cũng không nằm ngoài ngoại lệ này, đánh hơi được xu thế của thời đại, gã khổng lồ ngành phần mềm thế giới đang dần dần thiết lập vị thế của mình ngày một rõ hơn trong chiến trường khốc liệt này. Lần lượt Windows Phone 8, Windows 8 cho đến chiếc máy tính bảng Surface do chính tay công ty của Bill Gates tạo ra là những minh chứng rõ nét nhất cho tham vọng của ông lớn này: Nỗ lực đầu tiên của công ty để thiết lập một không gian cho phần cứng chất lượng và hệ sinh thái Windows 8. Với sự tham gia của Surface và mới đây là Nexus 7, thị trường tablet đang hứa hẹn sẽ có những bước chuyển mình, mạnh mẽ hơn và khốc liệt hơn.

surface-va-nhung-van-de-cua-microsoft
 
Tất nhiên, máy tính bảng không phải là sân chơi dễ dàng cho bất cứ ai, do vậy mà Microsoft sẽ phải đối mặt với khá nhiểu rủi ro khi tung ra Surface. Trước đây, Microsoft vốn không hề tham gia vào công đoạn sản xuất phần cứng trong hệ sinh thái Windows vì lo sợ sẽ làm hỏng mối quan hệ với các đối tác sản xuất thiết bị lâu năm của mình mà ông chủ của Windows đơn thuần chỉ phân phối hệ điều hành tới các đối tác và phó mặc việc sản xuất cho họ. Động thái tự sản xuất máy tính bảng của mình đang đánh dấu những thay đổi lớn trong chiến lược của công ty này và liệu rằng ảnh hưởng của nó sẽ ra sao?
 
1. Quá lâu
 
Có thể nói rằng Microsoft đã mất quá nhiều thời gian để đem tablet sử dụng Windows 8 của mình đến với người dùng công nghệ, phải đến chiếc iPad thế hệ thứ 3 chào đời thì người dùng mới biết được mặt mũi của tablet chạy Windows 8 như thế nào. Mất quá nhiều thời gian để ra mắt thiết bị tablet mới, Microsoft đã vô tình tự làm khó chính mình khi mà Surface giờ đây khá lép vế so với thiết bị máy tính bảng của "nhà Táo". Thêm nữa, do đã tiết lộ rất nhiều về thiết bị trước khi ra mắt chính thức nhiều tháng, người dùng đang có xu hướng quên đi hay mệt mỏi chờ đợi và rồi trở lên thất vọng nếu như sản phẩm đó không được như những gì mà họ muốn.
 
surface-va-nhung-van-de-cua-microsoft
 
2. Đồng minh biến thành ...kẻ thù
 
Với chiến lược không đụng tới sản xuất phần cứng trong quá khứ, Microsoft đã giành được nhiều cái lợi không nhỏ qua đó cụ thể hóa được bằng vị thế tối cao trong ngành công nghiệp PC. Chỉ thiết kế hệ điều hành sau đó phân phối tới các nhả sản xuất, cha đẻ của Windows có thể loại bỏ được những chi phí về sản xuất phần cứng khá tốn kém, điều này đồng nghĩa với việc hạn chế được mối rủi ro lớn nếu "chẳng may" sản phẩm của mình không được thị trường chào đón và thất bại bởi số tiền bỏ ra để sản xuất các thiết bị phần cứng thường cao hơn hơn rất nhiều so với việc sản xuất ứng dụng và phần mềm. Không mạo hiểm tự sản xuất thiết bị, Windows của Microsoft đã có những bước tiến chậm mà chắc trong những năm qua.

surface-va-nhung-van-de-cua-microsoft
 
Mặt khác chỉ tập trung vào công đoạn gia công hệ điều hành cũng khiến cho nguồn lực của Microsoft được tập trung hơn. Ngoài ra, việc liên kết với các nhà sản xuất thiết bị cũng khiến cho các sản phẩm sử dụng Windows được đa dạng hơn cũng như có độ dàn trải thị trường lớn hơn. Từ đó người dùng sẽ có thể tiếp cận với các sản phẩm của Microsoft dễ dàng hơn từ chủng loại cho đến mức giá. Kết quả là Windows của Microsoft đã và đang chiếm vị thế độc tôn trong ngành công nghiệp PC với hơn 90% thị phần ở cả quá khứ và hiện tại.
 
Giờ đây, khi cho ra mắt một thiết bị phần cứng riêng, Microsoft đang tự biến mình trở thành đối thủ cạnh tranh với chính những đồng minh của mình. Chẳng nói đâu xa, vụ việc Google mua lại Motorola Mobility cũng đã từng khiến cho gã khổng lồ ngành tìm kiếm phải khốn đốn đến nhường nào khi mà các đối tác của hãng quay ra bắt tay nhau đòi Google phải bán lại Motorola Mobility do lo sợ tình trạng độc quyền. Và Trung Quốc, thị trường cuối cùng chấp nhận thương vụ mua bán này cũng đã phải kèm theo điều kiện Google phải miễn phí Android trong vòng 5 năm cũng không ngoài lý do lo sợ Google sẽ biến Android thành của riêng mình.
 
surface-va-nhung-van-de-cua-microsoft
 
Dẫu rằng Microsoft đã lên tiếng trấn an dư luận bằng việc mình bị buộc phải sản xuất tablet Surface để làm điển hình cho ngành công nghiệp máy tính bảng Windows. Nhưng với những gì  đã đối xử với Nokia rất khó để khiến dư luận có thể tin vào lời nói này và hiện tại, công ty của Bill Gate cũng đã chính thức thừa nhận khó khăn này.
 
3. Khi hình mẫu sụp đổ
 
Bên cạnh những lo ngại của các nhà sản xuất khi Microsoft bắt đầu động tay động chân vào công đoạn sản xuất thiết bị, thì cha đẻ của Windows đang phải đối mặt với nguy cơ bị thất bại khi tự cho ra mắt sản phẩm di động của chính mình. Việc hình mẫu bị thất bại thì ảnh hưởng khá lớn tới những thiết bị chạy Windows 8 bởi các hãng sản xuất khác sẽ không có nhiều lý do để cho ra những thiết bị khác sử dụng nền tảng của Micrsoft. 

Bởi Microsoft là người tạo ra Windows 8 chính vì thế họ phải là người hiểu rõ phiên bản này nhất và phần cứng do chính họ tạo ra sẽ phải tương thích hoàn toàn với hệ điều hành này. Mặt khác, ngoài Surface, trên thị trường vẫn chưa thấy nhiều thông tin về các tablet khác chạy Windows 8 là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy rằng các hãng sản xuất khác vẫn đang "ém hàng" chờ đợi xem tablet của Microsoft sẽ làm ăn ra sao trước sự lớn mạnh của iPad cùng đà thắng thế của Nexus 7 đến từ Google. 
 
surface-va-nhung-van-de-cua-microsoft
 
Đó là suy nghĩ của các nhà sản xuất, suy nghĩ của người dùng cũng có chung quan điểm. Việc sản phẩm do chính tay Microsoft phát triển chẳng may không thể chiếm được chỗ đứng vô hình trung tạo ra suy nghĩ rằng tablet chạy Windows 8 vẫn ẩn chứa khá nhiều khuyết điểm và thay vì chọn Surface họ sẽ chuyển sang mua iPad hay Nexus 7. Một cái dớp rất khó dành cho tablet chạy Windows 8...
 
4. Đối đầu với Apple
 
Trong quá khứ suốt 3 thập kỷ qua, Apple và Microsoft luôn tìm cách chẹn họng lẫn nhau. Điểm sáng nhất trong mối quan hệ của 2 kẻ thù truyền kiếp này chính là việc họ đột ngột lại bắt tay nhau tìm cách đẩy Google ra khỏi thương vụ mua lại 6000 bằng sáng chế của Nortel với mực đích chỉ là để "dìm hàng" Google. Giờ đây, dấn thân sâu hơn vào sản xuất phần cứng cho Windows, Microsoft đã đặt mình vào vị thế đối đầu mạnh hơn với Apple. Theo truyền thống, Apple không bao giờ vui mừng chào đón một đối thủ mới tham gia và luôn cố gắng để hạ gục đối thủ đó càng sớm càng tốt.
 
surface-va-nhung-van-de-cua-microsoft
 
Bên cạnh chướng ngại vật mang tên Apple, với Surface, Microsoft cũng đang tự dẫn mình vào một thế giới cạnh tranh rất khốc liệt trong đó đáng nói nhất là những tranh chấp về bằng sáng chế. Hiện đang có vô số các công ty là mục tiêu trong các vụ kiện liên quan đến bằng sáng chế và Microsoft cũng đang thực hiện nhiều vụ kiện nhằm các nhà sản xuất Android. Nhưng với việc cho ra mắt phần cứng của mình, công ty này đang trở thành một mục tiêu mới từ những đại gia công nghệ khác.
 
5. Giá
 
Với tất cả các thiết bị ở mọi thị trường, giá cả vẫn luôn là một vấn đề khiến người dùng quan tâm. Do vậy, sẽ thật là thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua mức giá dành cho tablet của Microsoft. Hiện vẫn chưa có những xác nhận chính thức từ phía Microsoft về mức giá của Surface nhưng theo một số thông tin bị rò rỉ thì mức giá dành cho Surface có thể lên tới 1000 USD. Nếu mức giá này là sự thật thì có thể nói rằng Surface là quá đắt, đắt gần gấp đôi so với một chiếc iPad và ở mức giá như thế này đối thủ của Surface không còn chỉ là iPad nữa mà đã được mở rộng thêm với những sản phẩm Ultrabook. Vì người dùng sẽ có xu hướng chọn mua sản phẩm này và chấp nhận mang vác nặng hơn một chút để phục vụ hiệu quả hơn cho công việc. Nếu Microsoft không có những động thái làm giảm giá bán dành cho máy tính bảng của mình thì thất bại sẽ là một điều khó có thể tránh khỏi.
   
surface-va-nhung-van-de-cua-microsoft
 
Kết
 
Trên đây mới chỉ là một số khó khăn ban đầu dành cho Surface của Microsoft, vẫn còn đâu đó những trở ngại khi hãng này tiến hành phân phối tablet của mình như lỗi sản phẩm, không được người dùng chào đón... Từ nay cho tới ngày đặc biệt đó thì thời gian vẫn còn đủ để cho công ty của Bill Gates có thể giảm thiểu được những sai sót cũng như khắc phục được khó khăn và chúng ta hãy cùng chờ... một "iPad killer".