RIM Blackberry - Cái chết bởi nỗ lực "bảo vệ giá trị cốt lõi"

PV  | 18/03/2012 0:00 AM

Đôi khi, ranh giới giữa việc bảo vệ giá trị cốt lõi và bảo thủ thật mong manh.

Nhắc đến RIM có thể có người không biết nhưng nhắc đến thương hiệu nổi tiếng nhất của hãng, BlackBerry chắc chắn bất cứ ai trong chúng ta ít nhất cũng đã từng nghe qua. Những chiếc điện thoại BlackBerry cho đến tận ngày nay, vẫn là lựa chọn hàng đầu của một số không ít người. Tuy nhiên, RIM, hãng làm ra những sản phẩm này dường như đang đi đến đường cùng. Cách đây vài tháng, giá trị thị trường của RIM thậm chí đã xuống thấp hơn cả giá trị tài sản - điều này đồng nghĩa trong con mắt các nhà đầu tư, tương lai phát triển của RIM còn tệ hơn con số 0. Trong 2 năm vừa qua, cổ phiếu RIM giảm giá tới hơn 5 lần. Hay nhìn xa hơn, giữa năm 2008, mỗi cổ phiếu của RIM tương đương 150 USD, gấp 10 lần hiện nay.
 

 
Vậy điều gì đã biến một nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới, từng một thời là ngôi sao của thế giới công nghệ lao dốc nhanh đến như vậy? Chất lượng sản phẩm, đối thủ, chính sách... đâu là thủ phạm? 
 
Blackberry - Từ ngôi sao công nghệ cho đến bờ vực phá sản
 
Cách đây 3 4 năm, nhắc đến Blackberry là người ta nhắc đến những tiến bộ, những sự tiện dụng mà Blackberry mang lại, đặc biệt cho giới doanh nhân: lên lịch công việc, mail... Ngoài ra, với thiết kế đẹp, chắc chắn, bàn phím tốt... Blackberry có khả năng chinh phục bất cứ một khách hàng khó tính nào. Có lúc, Blackberry đã chiếm đến hơn 20% thị phần thị trường điện thoại thế giới, chỉ đứng sau Symbian. Một điểm "hơn người" nữa của Blackberry là mức độ trung thành và hài lòng của khách hàng luôn luôn rất cao. Vào thời điểm đó, không nhiều người dám nghi ngờ vào tương lai sáng lạn của RIM.
 
 
 
Thế nhưng, chỉ vài năm sau, khi các bạn đang đọc những dòng này, cổ phiếu của RIM có lúc giảm xuống chỉ còn 14.38 USD tương đương giá trị thị trường 6.7 tỷ USD, thấp hơn cả giá trị tổng tài sản 7.2 tỷ USD của hãng vào cuối năm tài chính vừa rồi. Thị phần của RIM, giảm xuống còn 15.2%. Máy tính bảng của hãng, thất bại thê thảm phải giảm giá 3 lần để "tống khứ" hàng tồn kho. Blackberry mất dần chỗ đứng trên thị trường, 2 CEO lâu năm của hãng buộc phải từ chức... Hàng loạt tin xấu đến cùng lúc khiến cho bức tranh tương lai RIM càng thêm mù mịt.
 
Tại sao?
 
Xét một cách công bằng, những sản phẩm của Blackberry không hề tệ nếu không muốn nói luôn có chất lượng rất tốt. Vẫn phong cách thiết kế máy chắc chắn, vẫn là bàn phím QWERTY tuyệt vời, vẫn là những dịch vụ tốt dành cho giới doanh nhân... Vậy thì nguyên nhân thất bại ở đâu?
 
Khi lợi thế cạnh tranh không còn
 
Thứ nhất, những điểm mạnh, sự vượt trội và lợi thế cạnh tranh  của Blackberry, cho đến thời điểm này đã không còn, ít nhất là không còn mạnh mẽ như trước đây. Push mail, hầu như bất cứ chiếc smartphone nào cũng đã có. Có thể, vẫn chưa hãng nào cung cấp những gói dịch vụ giống hệt RIM nhưng với sự phát triển của công nghệ hiện tại, khi sóng GPRS có mặt ở khắp nơi, tính năng push mail có mặt ở hầu như mọi smartphone, người ta đâu còn cần đến BIS để phải trả một khoản phí không hề nhỏ mỗi tháng?
 
Còn BES, giải pháp dành cho doanh nghiệp. Thật ra, BES là một ý tưởng rất hay và hữu ích. Tuy nhiên, BES chỉ có thể phát huy tối đa sức mạnh của mình khi mà toàn bộ nhân viên của doanh nghiệp phải sử dụng sản phẩm của Blackberry - một điều không hề dễ dàng nếu muốn nói là gần như không thể có. Thật ra, những dịch vụ/ gói dịch vụ tương tự khác của Google, Microsoft với đặc điểm đa nền hoàn toàn có thể đáp ứng dễ dàng điều này.
 
 
Còn bộ ứng dụng văn phòng, một trong những niềm tự hào của BBer trong quá khứ? Giờ thì, chúng liệu có thể "đọ" được với những đàn em nhiều tính năng hơn, đẹp hơn, nhanh hơn đang làm mưa làm gió trên iOS và Android hay không? Những ứng dụng giúp sắp xếp lịch công việc liệu có còn chỗ đứng khi mà Apple và Google liên tục đưa ra những phiên bản tốt hơn, đầy đủ tính năng, dễ dùng hơn? Câu trả lời xin dành lại cho độc giả.
 
Tiếp theo nữa ưu điểm về thiết kế chắc chắn và bền của BB cũng đã không còn hơn các đối thủ cạnh tranh. Thực ra, câu chuyện của Blackberry khá giống câu chuyện của IBM trong thị trường laptop. Cách đây vài năm, với những hạn chế của công nghệ, những chiếc điện thoại thông minh thường khá èo uột (một phần nữa cũng do chi phí), những smartphone của BB (giống như những laptop trước đây của IBM) nổi lên với sự "nồi đồng cối đá" của mình. Vài năm sau, khi mà độ bền sản phẩm không còn là vấn đề, những chiếc điện thoại, laptop đều có thể sử dụng thoải mái mà không cần "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa", người dùng sẽ hạ bậc ưu tiên của đặc điểm này.
 
Điểm cuối cùng tôi muốn nhắc đến trong luận điểm này, là về bàn phím. Bàn phím QWERTY của BB có thể nói vẫn là tốt nhất thị trường hiện nay. Vấn đề, đối thủ của BB ở lĩnh vực này không còn là bàn phím QWERTY, chúng là những bàn phím cảm ứng có khả năng thay đổi đa dạng phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng. Nếu so sánh về độ tiện lợi, rõ ràng, bàn phím cảm ứng ảo có lợi hơn rất nhiều.
 
 
Vậy tại sao trước đây BB vẫn có lợi thế dù thời đó bàn phím ảo đã xuất hiện? Câu trả lời rất đơn giản. Trong thời của màn hình cảm ứng điện trở, việc ấn phím tương đối chậm và khó khăn. Rõ ràng, khi đó, bàn phím QWERTY là một lợi thế lớn giúp người dùng tăng tốc độ gõ. Sự ra đời của màn hình cảm ứng điện dung đã cải thiện triệt để điều này và khiếm cho bàn phím QWERTY mất đi khá nhiều lợi thế cạnh tranh.
 
Sự cạnh tranh?
 
Thứ hai, sự cạnh tranh và lớn mạnh quá nhanh của các đối thủ, cụ thể là Android và iOS. Sự thật, không phải chỉ một mình RIM chịu nỗi đau từ hai đối thủ này. Ngay cả ông hoàng của thế giới di động, Nokia và Symbian cũng bị đánh bại hoàn toàn. Hãy nhớ, Nokia thậm chí có thời đã chiếm hơn 1/2 thị phần thị trường điện thoại di động. Hai đối thủ này, với những thiết bị màn hình cảm ứng, đã đánh bại hoàn toàn những "người cũ" đưa thế giới công nghệ vào thời kỳ mới: thời của cảm ứng điện dung.
 
Bảo thủ?
 
Cuối cùng, lý do quan trọng nhất khiến RIM thất bại toàn diện chính là do tư tưởng bảo thủ, không chịu thay đổi của BLĐ công ty. Sự bảo thủ này, thực chất bắt nguồn sự thành công quá lớn của Blackberry và việc nó chinh phục hoàn toàn đối tượng khách hàng trong giai đoạn đỉnh cao. Mà trên đỉnh cao, người ta thường có suy nghĩ bảo vệ và không muốn đổi mới. Điều này, như chúng ta đã bàn trong trường hợp của Apple và New iPad , sự thỏa mãn với thành công sẽ là cách nhanh nhất để giết chết một công ty công nghệ.
 
Hãy nhìn RIM, ở vị thế của một công ty công nghệ hàng đầu thế giới mà mãi đến năm ngoái, họ mới tung ra sản phẩm đầu sử dụng màn hình cảm ứng. Trường hợp của RIM, khá giống với Kodak, họ nắm trong tay đầy đủ nguồn lực để có thể bắt đầu cuộc đua màn hình cảm ứng trước và mạnh mẽ nhưng họ đã không chọn cách đó. Có lẽ, BLĐ của RIM tin rằng màn hình cảm ứng chỉ là một xu thế nhỏ và tạm thời của thế giới công nghệ, nhưng họ đã sai. Những chiếc smartphone mang thương hiệu BB không hấp dẫn bằng iPhone hay các thành viên của binh đoàn Android. Bàn phím QWERTY và bánh xe trượt không đủ sức chống lại màn hình cảm ứng điện dung với nhưng thao tác trực quan và dễ dàng hơn.
 
Một điểm nữa, cho thấy sự bảo thủ của RIM là hãng vẫn không chịu cung cấp tính năng tắt chế độ ngắt sóng khi điện thoại gần hết pin. Thật ra, RIM cũng có cái lý khi áp dụng tính năng này: khi máy hết sạch pin, sẽ rất hại cho cả pin và máy. Tuy nhiên, phải với rằng với một số người, nhất là với đối tượng khách hàng là doanh nhân của RIM, đôi khi, một cuộc điện thoại trị giá hơn một chiếc điện thoại rất nhiều.
 
 
Sự thất bại của Playbook cũng cho thấy rõ điều này. Thay vì làm ra một máy tính bảng hoàn thiện, RIM lại cho ra mắt 1 sản phẩm "tích hợp đầy đủ" công nghệ hãng tự hào và không thể chạy đầy đủ tính năng nếu không sử dụng các dịch vụ/ điện thoại BB. Và như các bạn đã biết, Playbook đã khiến RIM thất vọng hoàn toàn.
 
Kết
 
Ai cũng có thời của mình, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, không ai có thể mãi mãi thành công. Thị trường công nghệ, lớn, đầy tiềm năng nhưng chỉ là sân chơi cho những người biết thay đổi, biết nắm bắt cơ hội và xu hướng. Bước chân vào thị trường công nghệ, cũng giống như chèo thuyền ngược dòng, khi không tiến, có nghĩa là ta đang lùi.