Intel có nên mua lại Nokia?

Vân Korea  | 05/08/2012 05:00 PM

Hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Nokia đang gặp rất nhiều khó khăn, báo cáo tài chính quý II của công ty lại tiếp tục thua lỗ hơn 1 tỷ USD và phải nhường vị trí nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới vào tay Samsung. Đã có rất nhiều lời đồn đoán cho rằng Nokia sẽ được mua lại. Trong đó cái tên mới đây nhất sẽ đứng ra thâu tóm hãng sản xuất điện thoại Phần Lan được cho là Lenovo. Nhưng cuối cùng, Lenovo đã bác bỏ những tin đồn trên và coi nó chỉ là trò đùa của một số người. Giới chuyên môn nhận định công ty tiềm năng nhất để mua lại Nokia chính là tập đoàn sản xuất chip máy tính hàng đầu thế giới Intel.
 
intel-co-nen-mua-lai-nokia
Nokia và Intel sẽ cùng nhau phát triển?
 
Mặc dù, cả 2 bên Nokia và Intel vẫn chưa có bất kỳ một động tĩnh gì nhưng nếu phân tích kỹ hơn về tình hình thị trường di động đang phát triển như hiện nay thì không thể phủ nhận 1 liên minh giữa 2 tập đoàn lớn này sẽ mang rất nhiều ý nghĩa. Trước hết, Intel muốn xâm nhập vào thị trường smartphone với tư cách là nhà cung cấp chip điện thoại, tham vọng này thể hiện ở việc hãng đã giới thiệu thiết bị di động đầu tiên của mình sử dụng bộ vi xử lý Intel Atom Z2460 (trước đây có tên mã Medfield).
 
Nhận thức rõ thị trường máy tính cá nhân và laptop đang dần trở nên bão hòa và tốc độ tang trưởng không còn nhanh như trước, trong khi thị trường di động đang có bước phát triển mạnh mẽ nên Intel cũng muốn có phần trong miếng bánh béo bở này. Cho đến nay, để tăng cường sự hiện diện của mình trong ngành công nghiệp sản xuất smartphone, Intel đang cố gắng xây dựng hình ảnh là một nhà cung cấp linh kiện chip điện tử hàng đầu và được công nhận như là một lựa chọn nghiêm túc của các hãng sản xuất điện thoại trên toàn thế giới.
 
Đôi bên cùng có lợi

Hầu hết các nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu hiện nay như HTC, Samsung hay Apple thường sử dụng các nền tảng và công nghệ quen thuộc trong quá khứ mà chưa muốn ứng dụng các nền tảng mới vì còn nghi ngờ tính khả thi của nó. Kiến trúc ARM đang rất phổ biến trong các dòng smartphone hiện nay trong khi các chip x86 của Intel được sử dụng cho máy tính cá nhân nhiều hơn.
 
intel-co-nen-mua-lai-nokia
 
Tuy nhiên, mặc dù Nokia đang sử dụng CPU Qualcomm dựa trên kiến trúc ARM, song các thiết bị của Nokia chưa được nâng cấp lên bộ vi xử lý lõi kép hay lõi tứ đang rất thịnh hành hiện nay. Do đó, nếu nhận được sự hậu thuẫn của Intel bằng việc sử dụng CPU của nhà sản xuất chip máy tính hàng đầu thế giới, Nokia thậm chí có thể vượt mặt các đối thủ hiện tại về cấu hình phần cứng.

Lịch sử ủng hộ
 
Một yếu tố khác ủng hộ liên minh hợp tác của Nokia và Intel đó là việc 2 nhà khổng lồ này đã từng bắt tay làm ăn trong quá khứ. Mặc dù đó không phải là sự thành công vang dội, song nhờ sự hợp tác này mà các điện thoại MeeGo dựa trên nền tảng hệ điều hành Linux đã ra đời. Hơn nữa, Intel có một mối quan hệ lâu dài với Microsoft, điều này sẽ đem đến nhiều thuận lợi khi Nokia và công ty của Bill Gates đang hợp tác để sản xuất smartphone chạy hệ điều hành Windows Phone 8 trong tương lai gần.
 
intel-co-nen-mua-lai-nokia
 
Thực tế rằng Intel hiện đang ưu tiên cho hệ điều hành Android với bằng chứng là chiếc điện thoại Orange Santa Clara chạy hệ điều hành Android đã được Intel giới thiệu cách đây không lâu. Hãng cũng không có ý tưởng sẽ sử dụng Windows Phone 8 trong tương lai gần. Nhưng do các chip Intel được thiết kế dựa trên nền tảng x86, nên bộ vi xử lý Atom của nhà sản xuất này sẽ không thể chạy tốt tất cả các ứng dụng trên Google Play được. Vì vậy, nếu Intel quay sang hỗ trợ hệ điều hành Windows Phone cũng là một giả thuyết có căn cứ.
 
intel-co-nen-mua-lai-nokia
 
Bằng cách sát cánh cùng với Nokia, Intel cũng có thể tránh trường hợp đặt tất cả trứng vào một giỏ, nghĩa là có thể tự quyết định cục diện của mình, ngả theo Google hay Microsoft là có lợi nhất. Ngoài ra, với sự hậu thuẫn rất lớn từ Nokia, Intel có thể khởi động các dự án tự sản xuất smartphone của riêng mình một cách tự chủ.

Các dòng chip sử dụng kiến trúc ARM đang thống trị thị trường smartphone (chiếm khoảng 95% điện thoại thông minh được bán trên toàn thế giới), Intel sẽ cần phải làm một điều gì đó để xoay chuyển được cục diện này. Mua Nokia có thể là nước cờ nhanh nhất để Intel bước một chân vào ngành công nghiệp sản xuất smartphone.
 
Smartphone Orange Santa Clara sử dụng nền tảng phần cứng của Intel.
 
Tham khảo: Zdnet