Chiến thắng của Apple là dấu mốc lớn của ngành di động

H.A  | 26/08/2012 0:00 AM

Apple đang đi vào lối mòn của Ashton-Tate.

Chiến thắng của Apple trước Samsung sẽ gây nên nhiều tranh cãi về sau. Vụ kiện sẽ vẫn tiếp tục vào giữa tháng 9 tới đây. Nhưng rõ ràng, cuộc chiến bằng sáng chế là một dấu mốc lớn của ngành công nghiệp di động.
 
chien-thang-cua-apple-la-dau-moc-lon-cua-nganh-di-dong
 
Ashton-Tate, vết xe đổ mà Apple có thể gặp phải 

Chắc hẳn chúng ta sẽ cảm thấy rất lạ lẫm khi nhắc đến cái tên Ashton-Tate. Vào đầu thập niên 1980, Ashton-Tate sở hữu ngôn ngữ lập trình cơ sở dữ liệu phổ biến nhất cho PC mang tên dBase II. Ngôn ngữ này được nghiên cứu trên toàn thế giới và sử dụng để xây dựng hàng ngàn chương trình cho đủ loại ứng dụng. 

Ban đầu dBase II hoạt động như một hệ điều hành máy tính cá nhân. Khi MS-DOS được phát hành bởi Microsoft, dBase II cũng tiếp tục chạy tốt trên nền tảng mới này. Nhưng cuối cùng, sau khi trải qua hàng loạt các vụ kiện sở hữu trí tuệ, công ty này được bán lại cho Borland vào năm 1991. Khi đó Borland có một sản phẩm cạnh tranh mang tên Paradox, nhưng các nhà phát triển ban đầu đã rời bỏ Ashton-Tate.
 
Có thể nói Ashton-Tate đã từng là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới trong những ngày đầu của cuộc cách mạng máy tính vào giữa những năm 1980. Thậm chí tầm vóc của nó còn lớn hơn người khổng lồ Microsoft và sức ảnh hưởng cũng vượt qua cả Lotus.
 
chien-thang-cua-apple-la-dau-moc-lon-cua-nganh-di-dong
 
Xét trên một số khía cạnh, Ashton-Tate có nhiều điểm chung với Apple. Ashton-Tate khởi đầu bằng rất nhiều ý tưởng sáng tạo mang tính đột phá và nó nhanh chóng giúp công ty thành công. Hãng tung ra không nhiều sản phẩm, bao gồm một sản phẩm chính và một số sản phẩm liên quan. Cuối cùng, Ashton-Tate ngừng đổi mới và thay vào đó bắt đầu phụ thuộc vào công nghệ được phát triển bởi những công ty khác. Tuy nhiên, Ashton-Tate đã mắc sai lầm khi sẵn sàng thuê luật sư để kiện những công ty có ý tưởng gần giống với những sản phẩm hãng nghiên cứu. 
 
Apple cũng đang dấn thân vào hàng loạt các vụ kiện bản quyền bằng sáng chế như Ashton-Tate. Giống như Ashton-Tate, Apple rất tích cực và bỏ ra nhiều nỗ lực để bảo vệ sản phẩm của mình. Thậm chí một số công nghệ không thực sự do Apple sở hữu hoàn toàn cũng bị nhà táo “đặt một mốc ranh giới cấm xâm phạm”. Hiện nay Apple vẫn đang cố gắng đổi mới các sản phẩm công nghệ của mình nhưng dường như ý tưởng thiết kế hay các tính năng không còn mới mẻ và ấn tượng như xưa.
 
Có thể nói Apple đã thành công không phải bằng việc phát minh ra công nghệ hoàn toàn mới mà bằng cách sử dụng công nghệ có sẵn và đóng gói chúng theo cách có ích nhất cho người dùng. Apple thành công là do biết sử dụng công nghệ để đem lại những trải nghiệm mới cho người dùng. Ví dụ như chỉ sau khi iPod ra đời người dùng mới biết có thể tải và nghe nhạc dễ dàng đến thế, hay đến khi sử dụng iPhone thì người ta mới thấy được lướt web trên điện thoại tuyệt đến mức nào. Mặc dù các công nghệ web trên điện thoại di động không phải do Apple tạo ra, cũng phải phải đến lúc iPhone ra đời mới có.
 
Apple cho rằng khi tiến hành các vụ kiện là một hành động thực thi công lý. Nhưng khi công lý nghiêng về phía Apple thì người được lợi là ai? Rõ ràng, nhà táo chỉ đang muốn bảo vệ quyền lợi của chính mình. Họ không cho phép ai được làm tổn hại điều này và sẵn sàng đáp trả bằng mọi biện pháp dù là "tàn nhẫn" nhất. Như chúng ta biết, Samsung từng là đối tác linh kiện quan trọng của Apple, nhưng giờ đây, 2 bên lại đứng giữa ranh giới của trận chiến "một mất một còn".  
 
chien-thang-cua-apple-la-dau-moc-lon-cua-nganh-di-dong
 
Trở thành tầm ngắm cần loại bỏ của nhiều đối thủ
 
Trong vụ kiện bằng sáng chế giữa Apple và Samsung, rất nhiều tài liệu và bằng chứng đã được đưa ra. Điều này làm cho bồi thẩm đoàn gặp nhiều khó khăn khi phải xử lý số lượng giấy tờ lên tới hàng ngàn trang. Nhưng rõ ràng một số bằng sáng chế mà Apple sử dụng tại tòa như bằng chứng chống lại Samsung là không thật sự thuyết phục hay thích hợp khi đặt trong hoàn cảnh vụ kiện này.
 
Gác lại những điểm trên, Apple đã cáo buộc Samsung sử dụng thiết kế của iPhone với khuôn mẫu hình chữ nhật, có các góc bo tròn, hay các biểu tượng trên màn hình cảm ứng cũng bị sao chép lại. 
 
chien-thang-cua-apple-la-dau-moc-lon-cua-nganh-di-dong
 
Apple đang cố gắng tìm mọi điểm nhỏ để “bắt lỗi” đối thủ. Apple không còn dè dặt mà đã lộ rõ tham vọng tuyên chiến với toàn bộ các nhà sản xuất điện thoại Androd. Thậm chí, có thể Nokia cũng sẽ bị đưa vào tầm ngắm.
 
Ngoài ra, "nhà táo" cũng vừa giành chiến thắng sơ bộ trong vụ kiện với Motorola Mobility, bây giờ thuộc sở hữu của Google. Theo đó, Motorola đã kiện Apple vi phạm một số bằng sáng chế cơ bản liên quan đến các thiết bị di động, một số trong đó đã được nộp trước khi Apple bán iPhone thế hệ đầu. Motorola yêu cầu tòa án đưa ra các quyết định cấm nhập khẩu sản phẩm iPhone và iPad của Apple.
 
Đồng thời, Motorola cũng gửi đơn đề nghị lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ. Nhưng rất may mắn cho Apple, lợi thế lớn đang nằm trong tay của hãng và "nhà táo" gần như sẽ giành phần thắng trong vụ kiện tụng này. Thực tế rằng Apple chính là “kẻ khơi mào” trong cuộc chiến bản quyền với đối thủ Android. Dù thế nào đi chăng nữa, giờ đây Apple đang nằm trong tầm ngắm của rất nhiều công ty, họ chắc chắn sẽ tận dụng mọi sơ hở về giấy phép bằng sáng chế của Apple để phản công lại.
 
Sự bành trướng có phần quá đáng của Apple cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chính bản thân người tiêu dùng. Nếu một lệnh cấm bán sản phẩm Android nào đó được ban hành sẽ khiến người dân khó tiếp cận hơn với các sản phẩm công nghệ mới. Đồng thời, nếu muốn sở hữu một sản phẩm yêu thích, người tiêu dùng sẽ phải chi trả thêm những khoản tiền không nhỏ do phí mua bản quyền bằng sáng chế đắt đỏ. 

Dẫu biết rằng các thiết bị của nhà táo có chất lượng tốt nhưng điều này đã làm dấy lên nhiều làn sóng phản đối trong cộng đồng công nghệ. Không ít người đã cảm thấy "ngán ngẩm" cách hành xử của Apple và tuyên bố không còn mặn mà với các sản phẩm mà Táo khuyết tung ra trong thời gian tới. Một bộ phận người tiêu dùng cũng đã quay lưng với Apple.
 
chien-thang-cua-apple-la-dau-moc-lon-cua-nganh-di-dong

Người chịu thiệt ở đây vẫn là người dùng, một khi các sản phẩm của Samsung bị cấm bán, họ sẽ ít có cơ hội sở hữu những sản phẩm chất lượng tốt và ngay cả khi họ có thể mua được thì mức giá cũng sẽ bị đội lên nhiều do phí bản quyền mà các hãng công nghệ phải trả cho nhau.  

Tiềm ẩn nhiều rủi ro
 
Nhưng cũng như Ashton-Tate, Apple vẫn có nguy cơ gặp phải những rủi ro lớn. Điều này không bắt nguồn từ chi phí tài chính của các vụ kiện, kể cả khi Apple thua kiện. Là một nhà khổng lồ trong lĩnh vực di động, Apple có đủ nguồn lực dồi dào để theo đến cùng trong mọi cuộc tranh chấp. 

Thay vào đó, rủi ro của Apple còn trở nên lớn hơn thế. Khi Apple mua một bản quyền công nghệ từ một công ty khác. Rõ ràng, giờ đây các đối thủ cạnh tranh chắc chắn sẽ đặt ra một câu hỏi: “Apple mua công nghệ đó với mục đích gì”? Phục vụ cho những tính năng mới hay đây là một công cụ để chống lại các đối thủ cạnh tranh khác.
 
Điều này hoàn toàn dễ hiểu, nếu một công ty đưa vào sản phẩm của mình một tính năng giống như công nghệ mà Apple đã mua lại. Ngay lập tức, Apple sẵn sàng đưa công ty đó ra “hầu tòa”. Không ai muốn gặp phải tình cảnh của Samsung hiện nay. Do đó, mỗi khi Apple có ý định mua hay sản xuất một công nghệ mới, các đối thủ sẽ dành một sự quan tâm vô cùng sát sao. Thậm chí họ sẵn sàng chi tiền để tranh quyền mua bản quyền sở hữu trí tuệ công nghệ với Apple. Nó góp phần đẩy cái giá phải trả lên rất cao.
 
chien-thang-cua-apple-la-dau-moc-lon-cua-nganh-di-dong
 
Rủi ro thứ hai, một lần nữa chúng ta sẽ nhắc lại thất bại của Ashton-Tate khi tự đánh mất tài sản trí tuệ của mình. Ashton Tate đã tiến hành một loạt các vụ kiện tai hại nhằm chống lại người dân và các công ty cố gắng dùng ngôn ngữ lập trình mà dBase II đang sử dụng. Sau đó hãng này thực hiện các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn nạn sao chép lậu.
 
Cuối cùng quá trình điều tra đã phát hiện ra một thực tế rằng ngôn ngữ và cấu trúc tập tin cơ sở dữ liệu ban đầu được phát triển tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion ở Pasadena và kết quả là nó thuộc sở hữu của chính phủ. Sự việc bị phanh phui và công ty buộc phải ngừng hoạt động vào năm 1991.
 
Điều tương tự có thể xảy ra cho Apple? Câu trả lời là có và đó là bài học mà Apple nên cân nhắc. Con đường vươn lên ngôi vị số một nhờ các vụ kiện nhằm loại bỏ đối thủ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và không bền vững. Nhất là khi hãng chỉ tung ra một sản phẩm smartphone duy nhất mỗi năm. 

Thử đặt trường hợp Apple thua kiện và iPhone bị cấm bán tại nhiều thị trường trên thế giới. Điều gì sẽ xảy ra sau đó, một tương lai đen tối thực sự hiện hữu trước mắt. Chiến thắng hiện nay của Apple là chính đáng nhưng nếu tiếp tục dùng biện pháp “thiếu thân thiện” như vậy thì Apple cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong tương lai.
 
chien-thang-cua-apple-la-dau-moc-lon-cua-nganh-di-dong
 
Dù vậy, rủi ro lớn nhất vẫn còn tồn tại. Công nghệ mang tính đột phá có thể đến từ những nơi rất bất ngờ. Nói cách khác, cũng giống như RIM và Palm không nhìn thấy mối họa từ Apple, Apple cũng có thể sẽ mải mê với chiến thắng mà không nhìn thấy mối họa từ đối thủ khác.

Hơn thế nữa, nếu Apple phải tốn thêm nhiều thời gian để làm hài lòng các nhà chức rách, điều đó chỉ khiến Apple tốn thêm thời gian công sức, không thể tập trung vào hoạt động đổi mới cốt lõi, điều thực sự làm nên những sản phẩm di động đã thành công. 

Thời gian gần đây, chúng ta đã thấy được lối mòn trong các sản phẩm của Táo từ iPhone 4S cho đến new iPad và có thể là ngay cả iPhone 5, không có quá nhiều bất ngờ như thời gian trước. Quá mải mê "chinh chiến" để loại bỏ các đối thủ lớn, biết đâu nhà táo sẽ phải "ngã ngựa" vào một ngày nào đó vì chính những sản phẩm của mình đang nhàm chán trong mắt người dùng.
 
Tham khảo: Eweek