Đến Counter-Strike cũng có "hỗ trợ" chẳng khác gì LMHT, bạn có tin nổi không?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 29/12/2016 05:23 PM

Cũng giống như mọi MOBA hiện tại, support trong Counter-Strike cũng là một vị trí cực kỳ khó chơi và phải vô cùng khôn ngoan mới có thể làm được

Thông thường trong các trận đấu CS:GO, chúng ta thường chỉ để ý đến chiến thuật, đến kỹ năng của các player. Bạn có thể trầm trồ thán phục một fragger làm liền một lúc 2 3 mạng để giành lấy phần thắng cho đội của họ, hay những pha ninja defuse khiến tất cả chỉ còn biết mắt chữ O mồm chữ A. Thực tế thì một điều sai lầm mà rất nhiều người trong chúng ta mắc phải, đó là quá trọng kỹ năng cá nhân của một game thủ, mà quên đi mất một điều rằng, CS:GO là một game đồng đội, 5 vs 5.

Đúng như vậy, nó chẳng khác gì LMHT hay DOTA 2 đâu. Để giành được chiến thắng, một team cần có được sự đồng tâm hiệp lực ở mức độ cao nhất, chứ không thể chờ đợi vào kỹ năng của một game thủ gánh team. Đó cũng là lý do, bất kỳ team CS:GO chuyên nghiệp nào trên thế giới cũng có được một game thủ chơi ở vị trí "hỗ trợ" đúng nghĩa đen, nhằm mục đích tạo ra không gian thi đấu lý tưởng nhất cho những đồng đội, những người có kỹ năng cá nhân tốt hơn và có cơ hội tạo ra nhiều đột biến trong trận đấu hơn.

Nhưng cũng chính vì việc người ta đã quá ấn tượng trước những pha thi đấu 1vs3 hay 1vs5 của những "tay to" kể trên, mà bản thân vị trí support trong CS:GO cũng bị lu mờ rất nhiều. Không phải ai cũng nhận ra vai trò của họ, thậm chí một số người còn lên tiếng chê bai vì họ không có được thành tích thi đấu tốt như những người đồng đội.

Trong số đó phải kể tới NBK của EnVyUs, Xyp9x của Astralis, hay Krimz đang thi đấu cho Fnatic, họ là những gương mặt support điển hình của thế giới CS:GO hiện đại. Đến đây bạn sẽ đưa ra câu hỏi, trong một game mà cả 5 nhân vật đều cân bằng, đều có khả năng y hệt nhau lấy điều kiện có cùng trang bị, thì support sẽ phải làm gì?

Câu trả lời khá bất ngờ. Nếu như trong MOBA, support thường có máu giấy, chủ yếu cắm mắt và buff skill hỗ trợ, thì trong CS:GO, vai trò của những người chơi hỗ trợ có nét tương đồng đến đáng ngạc nhiên. Thay cho gà và mắt thì họ mua flash và smoke. Họ ném flash để tạo điều kiện cho fragger, họ nade "cấu máu" đối thủ để đồng đội có lợi thế, họ smoke chắn một vị trí trọng yếu để đồng đội có thể an toàn di chuyển. Tất cả đều giống y hệt như DOTA 2 hay LMHT.

Thêm nữa, cũng giống như mọi MOBA hiện tại, support trong Counter-Strike cũng là một vị trí cực kỳ khó chơi và phải vô cùng khôn ngoan mới có thể làm được. Bạn sẽ không muốn ném một quả smoke trượt, biến lợi thế của mình trở thành của đối thủ, hay việc ném một quả flash "trời ơi đất hỡi", mù đồng đội để địch "làm cỏ" đâu.

Thế nhưng không giống như MOBA, trong CS:GO, vì bản chất cả 5 nhân vật là cân bằng, cũng 100 máu 100 giáp, cũng sử dụng cùng vũ khí và sát thương y hệt, nên việc ai trở thành support lại là một lựa chọn tự do hơn nhiều so với DOTA 2. Trong một round đấu, một hoặc hai game thủ hoàn toàn có thể trở thành support khi boost đồng đội lên vị trí cao hơn, decoy ở một bombsite để đồng đội tấn công site còn lại, cùng nhiều chiến thuật độc đáo khác nữa.

Bản thân hai phe CT và T cũng có nhiều khác biệt trong vai trò support. Lấy ví dụ, bên CT, khi một game thủ rotate về site còn lại để phòng thủ, vẫn sẽ có 1 người đứng lại trong site để đề phòng lurker hoặc decoy. Điều này đôi khi có lợi thế rất lớn khi đối thủ lầm tưởng CT đã về hết một site, từ đó bất cẩn hơn trong việc push vào vị trí đặt bom. Lấy ví dụ hai vị trí Pit ở map Inferno, hay vị trí Quad ở map Cache:

Cần nhớ một điều, CS:GO là một tựa game đòi hỏi bạn có được sự sáng tạo cao, vì thế không cứ phải ngồi lỳ trong Pit hoặc Quad mới có thể phòng thủ. Chỉ cần một quả molotov của đối thủ, bạn đã phải chui ra khỏi vị trí đó rồi.

Về phần T, hầu hết thời gian support chỉ đóng vai trò buff flash cho Entry Fragger làm tốt công việc của họ. Hoặc cũng có thể họ là người thứ 2 hoặc thứ 3 bước vào bombsite để "đổi mạng" nếu đồng đội đi trước bất cẩn hoặc không kịp phản xạ. Cùng với đó, họ cũng phải ném smoke để che các góc retake bombsite của CT, giúp đồng đội hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Như vậy thì, vai trò và mục đích của những support trong CS:GO thậm chí còn nặng nề hơn nhiều so với các fragger, khi họ gần như không được phép sai lầm. Thế nhưng cũng vì bản thân tựa game này đôi lúc tạo ra cảm giác kỹ năng cá nhân là trên hết, nên họ cũng không có được sự quan tâm cần có.