Dead Space 2 - Tựa game kinh dị tưởng tuyệt hay nhưng vẫn là "nỗi thất vọng" trong mắt cha đẻ của nó

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 20/10/2017 03:52 PM

Những vấn đề trong chính sách phân phối game, và sự cạnh tranh giữa các ông lớn đã góp phần giết chết một siêu phẩm như Dead Space 2

Vào ngày hôm qua., Electronic Arts đã công bố quyết định đóng cửa studio Visceral Games, hãng game đã quá nổi tiếng với ba phiên bản game kinh dị Dead Space, cùng những tựa game cực kỳ ấn tượng khác như Dante's Inferno, Army of Two: The Devil's Cartel hay Battlefield Hardline. Hóa ra, những vấn đề của Visceral Games đã tồn tại từ năm 2011, khi Dead Space 2 không có doanh số như dự kiến, bất chấp việc nó là một bom tấn được toàn làng game đánh giá rất cao, không 9 thì cũng 10/10.

Zack Winson, một trong những người từng làm việc tại Visceral đã đăng tải một vài đoạn Tweet, qua đó mô tả sự yếu kém trong công tác quản lý và sử dụng kinh phí làm game của đội ngũ ban lãnh đạo EA thời bấy giờ: "Dead Space 2 tốn 60 triệu USD để phát triển, và EA khi ấy chỉ thích chơi tất tay, tiêu tiền như nước. Kết quả là game chỉ bán được có 4 triệu bản, và rõ ràng như thế là không đủ rồi."

Hãy làm một phép toán. Bốn triệu bản, nếu bán ở mức giá 60 USD thường lệ, sẽ là khoảng 240 triệu USD. Tuy nhiên EA và Visceral không được nhận toàn bộ số tiền này. Chính sự cố với Dead Space 2 đã khiến EA thúc đẩy và cho ra mắt Origin để không phải dựa vào Steam, nền tảng phân phối game nhiều người sử dụng nhưng mỗi khi bán được game lại lấy đi của nhà phát triển một khoản tiền khổng lồ.

Ấy là chưa kể, khi ấy, EA vẫn ở trong top những nhà phát hành game bị ghét bỏ nhất, chỉ quan tâm đến doanh thu và tạo ra những tựa game "an toàn", không sáng tạo nhưng yên tâm là game thủ "tắt não" chơi được. Sai lầm nọ nối tiếp sai lầm kia, và chính kỳ vọng quá cao của EA đã góp phần giết chết cả studio Visceral cũng như tựa game Dead Space, một trong những series game kinh dị phương tây được yêu thích nhất từ trước tới nay.

Những màn hình lóe sáng đột ngột hay các tiếng động bất thình lình sẽ khiến các game thủ phải giật nảy mình vì sợ. Chi tiết này thật sự là điểm đáng giá nhất trong lần trở lại này của Dead Space. Ngoài ra, nỗ lực của game trong việc đẩy mạnh các yếu tố hành động và tăng chiều sâu cho cốt truyện cũng rất đáng ghi nhận.

Chỉ có điều, Dead Space 2 lại bị điểm trừ về hình ảnh. Mô hình các con quái vật Necromorph hay các xác người ghê rợn trông rất đáng sợ. Thế nhưng ở những chi tiết yêu cầu sự mượt mà như gương mặt nhân vật thì lại rất nhiều răng cưa và gượng gạo. Phần âm thanh của game cũng rất ổn nhưng chưa đến mức tạo được cảm giác sợ hãi mò mẫm trong không gian của phần đầu.

Ngoài ra, gameplay của Dead Space 2 cũng là trở ngại đối với những người lần đầu tiếp xúc với series này. Game không hỗ trợ radar và có quá nhiều cảnh tối. Chính vì thế mà nhiều pha hành động tỏ ra rất khó chịu. Bạn không thể xác định được khoảng cách an toàn giữa mình với đối phương và rất khó chọn được vị trí thuận lợi để không bị đánh từ phía sau.