Đây là những gì game thủ chúng ta có được vào năm 2007, bạn đã cảm thấy già chưa!?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 16/01/2017 0:00 AM

Rất nhiều người trong số các game thủ chúng ta sẽ giật mình nhận ra, 2007 là 10 năm về trước rồi!

Có thể bạn chưa nhận ra, thế nhưng 2007 là tròn 1 thập kỷ trước. Thời gian trôi quả thật quá nhanh. Nhanh đến mức 10 năm về trước mà chúng ta vẫn cứ ngỡ là ngày hôm qua. Giờ đây đã là 2017. Những tiến bộ công nghệ, kỹ thuật và internet đã len lỏi vào từng ngôi nhà ngõ ngách ở đất nước ta. Nhưng có bao giờ bạn nhìn lại và tự hỏi, 10 năm trước chúng ta đã có gì, đã từng đam mê những điều gì hay không?

Và trong bài viết này, mời các bạn cùng quay trở về với quá khứ tròn 1 thập kỷ trước nơi internet mới du nhập vào Việt Nam nhưng đã kịp tạo ra những trào lưu vô cùng mạnh mẽ trong cộng đồng game thủ nói riêng và giới trẻ nói chung.

Quán net

Hồi ấy thì chưa có cyber xịn như bây giờ. Những điểm đến cho anh em game thủ thường chỉ là những quán cafe internet, gọi là vậy cho giống nước ngoài chứ vào ngồi cày game hay chat Yahoo chỉ toàn gọi trà đá với Coca mà thôi. Khi ấy cũng chưa có những phòng máy cấm hút thuốc. Đi chơi về để bố mẹ ngửi thấy quần áo là biết ngay con mình vừa đi đâu về chứ không phải đi đá bóng hay học thêm như chúng ta từng nói. Cứ vào phòng máy chơi game là mùi khét lẹt bốc lên từ những cái gạt tàn hay tệ hơn là những khe nhỏ trên chiếc bàn phím Mitsumi cháy góc vì những điếu thuốc lá cháy dở.

Điều kỳ quặc là, không một ai than phiền cả!

Ấy là về không gian quán game, còn về máy móc, giờ đây khi nhìn vào những cỗ máy tính Pentium, card đồ họa 512MB đủ chạy game online ở thiết lập trung bình và những cái màn hình CRT to đùng nhưng chỉ rộng có 17 inch, cùng chiếc ghế y như quán cafe với lưng là một thanh sắt uốn cong để đặt lưng cho đỡ mỏi, có thể rất nhiều người trong số chúng ta sẽ phải thốt lên, làm thế nào mà ngày xưa mình giỏi thế, ngồi như thế mà vẫn chơi game được. Đúng là, khi tình yêu game lên tiếng, thì mọi khó khăn khoảng cách cũng đều chẳng là gì.

Game online

Hồi đó Võ Lâm Truyền Kỳ đã ra mắt được tròn 2 năm. Khi ấy lượng người chơi vẫn rất đông và server vẫn có chuyện... hack rương đồ đoạt Kim Nguyên Bảo. Thế nhưng thời điểm năm 2007 là lúc rất nhiều game online tuyệt hay đọng lại trong tâm khảm nhiều thế hệ game thủ ra mắt. Người chơi game Việt nếu như những năm trước đó chỉ có một đến vài game online để lựa chọn thì trong năm 2007 lại trở nên “bội thực”, bởi chỉ tính sơ sơ hiện nay trên thị trường Việt Nam đã có trên dưới 25 game online được các nhà phát hành đưa tới tận tay.

Asiasoft chính là ngôi sao sáng trong năm 2007. Những tưởng sau khi Gunbound đóng cửa, Hiệp Khách Giang Hồ không thu hút lắm, Asiasoft sẽ buông xuôi về game. Thế nhưng việc cho ra mắt Tiểu Bá Vương, Ghost và Cabal trong một thời gian ngắn cho thấy đây là một đối thủ cạnh tranh khá nặng ký. Sự thành công nhất phải nói là việc đưa Cabal vào thị trường Việt Nam, một game đẳng cấp quốc tế, mang phong cách hiện đại đưa lại cho người chơi cảm hứng mới và tạo nên một bước tiến dài mang đầy tính thách thức và cạnh tranh trong làng game online.

Ấy là chưa kể đến VTC. Sau thành công của Audition, thì đến năm 2006, đến lượt Cao Bồi Không Gian, mà sau này đổi tên thành Phi Đội làm mưa làm gió khắp các phòng máy vì sự mới lạ của nó. Mang trong mình lối chơi bắn súng góc nhìn thứ 3 kèm theo những chi tiết đậm chất game nhập vai như nâng cấp vũ khí hoặc cho cả con tàu không gian, Cao Bồi Không Gian trở thành một cái tên rất hot trong làng game vào thời bấy giờ.

PlayStation 2 vẫn là ông vua

Hẳn bạn vẫn còn nhớ thời kỳ nhà nhà bóng đá Nhật, người người đi chơi PES ngoài quán PS2. Dù rằng năm 2007, PS3 đã ra mắt, nhưng khi ấy rất ít nơi dám nhập chiếc máy đình đám này về phục vụ game thủ. Khi ấy để chơi PS3, bạn sẽ phải bỏ 20 nghìn Đồng, nhưng PS2 chỉ dao động từ 3 đến 4 nghìn mà thôi, thậm chí có chỗ chỉ có... 2 nghìn Đồng nếu bạn không tin!

Từ những năm 2000, PlayStation 2 đổ bộ làng game Việt. Còn nhớ những ngày đầu tiên chiếc máy vuông vức đen nhám thay thế cho cỗ máy xám nhạt ở những quán game, trong lòng anh em chúng tôi, vốn hồi đó mới chỉ học cấp 2 dâng trào một cảm xúc khó tả. Hình ảnh 3D mượt mà đẹp mắt thời những năm 2002, 2003 thôi thúc những con người say mê game ngồi ngay vào ghế, cầm chiếc controller đen lên và khám phá.

Chỉ trong vòng 1 - 2 năm ngắn ngủi, hai cỗ máy PlayStation 1 và 2 đã cùng nhau tồn tại cho tới khi cộng đồng game thủ không còn mặn mà với chiếc máy "ấn nút há mồm nhận đĩa" nữa. Cũng phải thôi. Khi vòng đời của chiếc máy kết thúc, Sony và các hãng cũng ngừng phát triển game mới để tập trung cho đứa con cưng mới hơn, mạnh hơn, có tiềm năng hơn.

Người Việt thì chơi mãi những trò cũ cũng chóng chán. Vậy là PS1 được chuyển về những miền quê cũ để tiếp tục vòng đời khai thác và phục vụ những cô cậu nhóc mê game, còn PS2 được đầu tư mạnh mẽ hơn tại các thành phố lớn.

Rồi thời kỳ điện thoại di động và máy chơi game cầm tay cũng đến. Lác đác vài ông bạn cùng lớp nhà có điều kiện được bố mẹ mua cho những chú dế thời thượng, và đương nhiên có cả game trong đó. Vẫn nhớ những ngày những cô bé học cùng lớp xếp điện thoại thành bông hoa và chụp từng chiếc dế xinh xinh và tải lên Yahoo 360, công cụ kết bạn thời bấy giờ, khi Facebook chưa lên ngôi vào những năm 2008, 2009.

Rồi cả PSP, chiếc máy nhỏ bé nhưng vô cùng cuốn hút nhờ vào màn hình lớn so với những thiết bị ở thời bấy giờ. Những tựa game dù giờ đây chẳng muốn đụng vào vì game trên iPhone và Android quá chất, quá đẹp, nhưng lại là thứ bao nhiêu người cùng thèm thuồng và thưởng thức miệt mài.

Thời ấy, tạp chí game là nhất!

Xuất hiện từ cuối tháng 11/2003, Thế Giới Game trở thành tạp chí trò chơi điện tử bài bản đầu tiên của người Việt. Gần như ngay lập tức nó nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ phía game thủ (thực ra trước đó Game đã là một chuyên mục trong PCWorld nhưng chưa phong phú và tách biệt). Bất chấp giá cả không phải là rẻ so với lúc bấy giờ (7.000 VNĐ) nhưng cứ đến ngày 25 hàng tháng là cư dân mạng lại tấp nập tới sạp báo "săn hàng".

Những ngày đầu tiên khi Võ Lâm Truyền Kỳ về Việt Nam, chính loạt bài giới thiệu trên Thế Giới Game đã góp một phần lớn khiến lượng CCU đăng nhập vô cùng khủng khiếp (năm 2004 chưa có mấy báo mạng nên báo giấy là cách duy nhất để gamer nghe ngóng về game mới). Sau này trong hồi ký của mình, ông Lê Hồng Minh - Tổng GĐ VNG - cũng phải thừa nhận điều này và gửi lời tri ân những người bạn thân thiết tại tòa soạn Bút Trẻ.

Tới năm 2006, tạp chí Việt Game ra đời và trở thành đối thủ trực tiếp của Thế Giới Game. Từ phong cách viết bài cho tới phong cách trình bày khiến nó có được lượng fan hâm mộ có phần còn đông đảo hơn đàn anh đi trước. Khi đó giá một số Việt Game cao hơn nhiều (15.000 VNĐ) nhưng lại dày hơn, nhiều thông tin hơn.