Đánh giá Watch Dogs 2: Đập tan hoài nghi, gây dựng thương hiệu

Nga0Du  - Theo Trí Thức Trẻ | 17/11/2016 12:21 PM

Trước khi Watch Dogs 2 được ra mắt, sự hoài nghi là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên rất may là những gì mà Watch Dogs 2 đang thể hiện lại khá thuyết phục và ấn tượng.

Ra mắt từ năm 2014, mặc dù vấp phải rất nhiều chỉ trích từ cộng đồng game thủ, tuy nhiên thế giới mở hack-a-thon của Watch Dogs vẫn nhận được nhiều ý kiến tích cực của giới phê bình. Điểm số 80 trên Metacritic đã nói lên tất cả. Tựa game này không hề tệ như những gì chúng ta vẫn nghĩ.

Mặc dù không được như mong đợi nhưng tôi thực sự ấn tượng với phiên bản đầu tiên của Watch Dogs. Trò chơi này có nhiều thứ để nói, từ phần cốt truyện cho đến gameplay. Dù nó đã lép vế với đối thủ trực tiếp GTA nhưng tôi chưa bao thôi kỳ vọng vào seri game này. Với những gì Ubisoft đã làm với Assassin Creed, tôi tin họ sẽ thành công với Watch Dogs. Và giờ, niềm tin đấy đã phần nào được khẳng định qua Watch Dogs 2, tựa game bom tấn của năm 2016.

Hai năm kể từ khi Watch Dogs 1 ra mắt, phần hai của nó đã được Ubisoft Montreal công bố vào ngày 15/11 vừa qua. Lấy bối cảnh về thành phố San Francisco đầy rẫy tội phạm, Watch Dogs 2 là câu truyện xung quanh nhân vật Marcus Holloway, tin tặc làm việc trong một nhóm hacker bí ẩn.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi trải nghiệm Watch Dogs 2 là giờ đây trò chơi sở hữu một tông điệu khác hẳn so với phiên bản tiền nhiệm: âm hưởng sắc bén, nổi loạn, có một chút điên rồ và cũng không kém phần tràn đầy năng lượng. Những yếu tố này khác hẳn với không khí tối tăm và nặng nề của phần một.

Ngôi sao chính của Watch Dogs 2, Marcus Holloway là một hacker trẻ tài năng. Một nhân vật mạnh mẽ, cuốn hút, một chút điên rồ pha chút vui nhộn; có thể nói, anh ta đã có mọi thứ mà Aiden Pearce (nhân vật chính của Watch Dogs) không có được.

Yếu tố con người hẳn vẫn là điều quan trọng nhất trong việc tạo nên bầu không khí mới mẻ của Watch Dogs 2. Những hàng người rảo bước trên các con phố đầy bận rộn, một anh chàng nhìn ngó xung quanh qua chiếc kính VR, những chiếc drone trở thành “đồ chơi cá nhân”, mọi người hò reo, đánh đàn, nhảy múa, selfie… nó không vẽ lên một bức tranh u ám về thành phố bị “cai trị” và đời sống cá nhân con người bị xâm phạm như phần đầu, Watch Dogs 2 mang đến một âm hưởng phải nói là khá đời thường, nhưng vẫn phảng phất tính nổi loạn được khắc trong chủ đề của trò chơi. Nó không thiếu nghiêm túc và ngả màu châm biếm nhiều như Grand Theft Auto, mà cũng không sở hữu cái sự “trầm trọng hóa vấn đề” như Watch Dogs, mà nằm đâu đó ở giữa cả hai thái cực này.

Vũ khí chính của Marcus Holloway là chiếc điện thoại đa năng, song anh chàng cũng không thiếu những món “đồ chơi” phụ. Nổi bật nhất ắt hẳn là chiếc drone điều khiển từ xa, người chơi có thể dùng nó để do thám, đánh dấu kẻ thù và hack vào đồ điện tử mà không bắt buộc người chơi ở gần đó. Nó hoạt động tương tự với các camera được đặt cố định ở khắp mọi nơi trong phần đầu, chỉ khác là nó sẵn sàng hoạt động mọi lúc mọi nơi và có thể thâm nhập vào bất cứ đâu.

Duy trì và cải tiến những gì mà Watch Dogs đã làm, Ubisoft Montreal đã đẩy yếu tố hack trong Watch Dogs 2 trở nên đa dạng hơn, mềm dẻo hơn để người chơi tận dụng hết mức những gì mà môi trường trong game sở hữu, mở rộng hơn so với việc “nhấn Q để hack… nhiều thứ hơn”.

Bạn có thể hack vào một hộp điện, vô hiệu hóa nó và bất kỳ thứ gì nối vào nó, cho nó nổ tung để thu hút sự chú ý của lính canh, hay biến nó thành một quả mìn. Bạn có thể hack một chiếc xe và điều khiển từ xa nó, có thể là tự lái nó, đặt nó vào vị trí thích hợp cho bạn luồn lách qua các chỗ nấp, hoặc cho nó tăng tốc và tông thẳng về một hướng ngẫu nhiên nào đó. Dĩ nhiên điều này hay ho và mở ra nhiều cơ hội trong lúc rượt đuổi hơn là nhấn Q để đổi đèn giao thông rồi.

Bạn cũng hoàn toàn có thể dùng kĩ năng hack của mình để nghịch ngợm - điều mà chắc chắn rất nhiều game thủ sẽ làm khi chơi Watch Dogs 2. Đang lái xe trên đường và bị NPC đâm phải? Hãy tạo một bản báo cáo giả trong hệ thống của cảnh sát và ngồi xem hắn khốn đốn vì bị truy nã sau đó. Chỉ bằng vài nút bấm đơn giản, thành phố San Francisco có thể trở nên hỗn loạn rất nhanh chóng.

Những yếu tố trên phần nào sẽ khiến bạn cảm thấy WD 2 giống với GTA V. Đúng! Nó rất giống nhau. Tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất giữa GTA và WD 2 chính là cốt truyện của WD 2 chặt chẽ hơn GTA. Hệ thống nhiệm vụ đa dạng và phức tạp mà Ubisoft tạo ra cho WD 2 đòi hỏi người chơi phải phối hợp nhiều kỹ năng khác nhau mới có thể vượt qua.

Thêm một điểm đặc biệt của WD 2 so với các sản phẩm khác của Ubisoft đó là game thủ không cần phải leo lên những nơi cực cao để mở rộng tầm nhìn bản đồ. Game sẽ không có những tòa cao ốc dùng để mở bản đồ, và người chơi chỉ cần tập trung khám phá thế giới của game mà thôi.

Đổi lại, Watch Dogs 2 mang đến một cơ chế khám phá khác là buộc người chơi phải thu hút nhiều hơn các “đàn em” tại khu vực đó, để mở khóa các dữ liệu trong khu vực. Những thông tin thu thập được sẽ giúp người chơi làm chủ khu vực, mở ra các nhiệm vụ phụ, các nhiệm vụ co-op… Cơ chế này cũng giúp thay đổi lối dẫn truyện của game, bằng cách thu hút nhiều đàn em hơn, các sự kiện trong cốt truyện chính cũng được kích hoạt, và mỗi sự kiện này đóng vai trò như một cột mốc trong tiến trình hoàn thành nhiệm vụ chính.

Trước khi Watch Dogs 2 được ra mắt, sự hoài nghi là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên rất may là những gì mà Watch Dogs 2 đang thể hiện lại khá thuyết phục và ấn tượng. Với những gì đã trình diễn, con đường để Watch Dogs 2 trở thành một “Assassin’s Creed II” thứ hai của Ubisoft là vô cùng rộng mở.