Đánh giá phim Assassin’s Creed – Liệu có “ngon bổ” được như game?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 27/12/2016 02:47 AM

Assassin’s Creed, dù nhiều sạn, nhưng là một món ăn tinh thần đáng thưởng thức dịp cuối năm, bộ phim bom tấn cuối cùng trình chiếu tại Việt Nam

Trước khi bắt đầu bài viết đánh giá, tôi cần phải khẳng định lại, xét toàn cảnh cả gameplay lẫn cốt truyện chính tuyến chi phối mỗi phiên bản, thì Assassin’s Creed là một series chỉ dừng lại ở mức khá. Ngoại trừ Ezio Auditore trilogy với ba phiên bản AC II, Brotherhood và Revelations ra, tất cả đều chỉ dừng ở mức chấp nhận được, khi bạn sẽ phải cực kỳ nhiều kinh nghiệm để ra tay trong game “chất” như những gì trailer mô tả. Điều này, tiếc thay, lại là thứ khiến nhiều game thủ cảm thấy nản.

Thế nhưng nếu xét riêng về phần cốt truyện và setting phía sau mỗi phần game độc lập, thì phải khẳng định rằng Ubisoft nói chung và tác giả Corey May, người chắp bút thực hiện 6 phiên bản Assassin’s Creed đầu tiên đã làm quá xuất sắc công việc của mình. Đó chính là cái hay lôi cuốn rất nhiều game thủ Việt chúng ta đến với nó.

Họ phác họa ra một thế giới chưa từng có một tựa game hay series nào dám đụng tới vì nó quá khó nhằn: Chính trị, tôn giáo, xung đột, chiến tranh và cả cuộc đối đầu không hồi kết giữa hai thế lực, tổ chức Sát thủ và hội Hiệp sỹ dòng Đền xoay quanh thánh vật đầy linh thiêng: Trái cấm vườn địa đàng. Từ đây xin phép được sử dụng cái tên trong game của hai phe, Assassin và Templar.

Với khung xương sống nền như vậy, bản thân Assassin’s Creed xứng đáng trở thành một thương hiệu media dàn trải từ sách đến game và thậm chí cả phim ảnh. Từ năm 2011, Sony đã muốn thực hiện một bộ phim Assassin’s Creed với Ubisoft, sau khi Prince of Persia: The Sands of Time tuy bị chê bai kịch liệt nhưng lại đạt được thành công lớn ở phòng vé.

Giờ đây, trong vai Callum Lynch, một nhân vật mới toanh, chẳng khác gì Alice của series Resident Evil, Micheal Fassbender đã đưa hình ảnh những sát thủ khiến biết bao con tim game thủ Việt thổn thức lên màn ảnh rộng. Câu hỏi duy nhất là, liệu nó có rơi vào “dớp” phim ăn theo game vốn rất ít khi thành công vì quá kén người xem này hay không.

Mới lạ mà đầy quen thuộc

Phim không rào đón dông dài, mà ngay lập tức đưa người xem đến với cảnh gã sát thủ người Tây Ban Nha Aguilar de Nerha trong cuộc chiến giành lấy thánh vật “The Apple” giữa thế kỷ XV. Khi ấy, dưới danh nghĩa truy quét những kẻ “vô đạo”, quân Tây Ban Nha dưới sự chỉ huy của các Templar đã bao vây thành Granada, nơi vị Sultan Muhammad XII cai trị. Cần nhớ, đây là một trang sử có thật.

Quay lại với thực tại, Callum Lynch là hậu duệ trực tiếp của de Nerha. Anh bị bắt cóc về Abstergo, một tổ chức bí ẩn với cỗ máy Animus với khả năng “lọc” và đồng bộ ký ức được chôn giấu vô cùng sâu trong chính bộ ADN của con người, với mục đích đưa Callum trở về thế kỷ XV với mục tiêu tối cao: Tìm ra tung tích của “The Apple”. Đối với những game thủ đã quá quen với series, họ sẽ ồ lên thán phục. Phim vừa mới lạ, lại vừa có nét quen thuộc mà chỉ những người đã từng thưởng thức game mới hiểu. Còn đối với người mới toanh, họ lại bị cuốn vào thứ cốt truyện mà bộ phim vẽ nên.

Chính việc lồng ghép thật và ảo đã biến Assassin’s Creed trở thành một series vô cùng ăn khách, từ Ezio của thời kỳ phục hưng, cho tới Connor Kenway của cuộc nội chiến đẫm máu thế kỷ XVIII, và cả bộ đôi nhà Frye giữa thời kỳ cách mạng công nghiệp nước Anh. Cùng với sự hiện diện của những nhân vật có thật trong lịch sử nhưng được hư cấu hóa, Assassin’s Creed trở thành một dòng game dã sử đầy lôi cuốn với sự sáng tạo không gì đong đếm được từ ngòi bút của các nhà biên kịch.

May mắn thay, Assassin’s Creed phiên bản điện ảnh, trong mắt tôi hội tụ đủ những yếu tố đó. Bạn sẽ phải há hốc mồm khi thấy gã CEO của Abstergo, Alan Rikkin được diễn viên dạn dày kinh nghiệm Jeremy Irons thủ vai, hay những gương mặt “hậu duệ” của các nhân vật chính trong vô số phiên bản AC qua từng thời kỳ xuất hiện trước mắt khi Callum bước vào phòng ăn tối của “nhà tù” được Templar dựng nên này.

Cốt truyện của phim, tiếc thay, lại rất dễ đoán trước nếu bạn đã từng chơi game. Thậm chí bản thân phim cũng là một minh chứng hoàn hảo cho thể loại “phim hành động tắt não” không đòi hỏi người xem phải suy ngẫm, thứ khiến nhiều bom tấn trong năm vừa qua lại trở thành đáng thất vọng trong mắt nhiều khán giả đam mê bộ môn nghệ thuật thứ 7.

Diễn xuất bù đắp

Để bù đắp cho khiếm khuyết về kịch bản, vốn rất khó để thực hiện một cách vẹn toàn vì nó dựa theo game, Assassin’s Creed đem tới một trải nghiệm hoàn toàn khác cho người xem, thứ mà ít game thủ nào để ý trong những bản game ra mắt những năm gần đây. Với dàn cast hùng hậu, từ “trai đẹp” Fassbender cho tới ái nữ Marion Cotillard, bộ phim không chỉ theo sát câu chuyện cuộc truy tìm trái cấm trong huyền thoại, mà còn mô tả luôn cả quá trình học hỏi qua tiền bối để trở thành một sát thủ của Callum.

Vẫn có những câu thoại hài hước, một số thì hay, số còn lại thì có cảm giác hơi “vô duyên” hoặc “quá drama” giữa mạch phim đang cố gắng nghiêm túc trước người xem. Thế nhưng xét về tổng thể, bộ đôi Fassbender và Cotillard vẫn diễn tròn vai. Một kẻ bị ép buộc tìm về quá khứ, người còn lại thì mù quáng tin vào những điều Templar, tổ chức cha cô phụng sự chỉ dặn.

Một điều đáng tiếc nữa mà Assassin’s Creed bước vào vết xe đổ của Warcraft chính là việc nó quá thiếu cá tính riêng. Như đã đề cập, những game thủ chúng ta có thể đoán ngay ra cốt truyện sau 30 phút phim bắt đầu. Nó mô phỏng một cách máy móc toàn bộ âm mưu tối thượng của Templar, truy tìm trái cấm, điều khiển cả thế giới theo ý họ.

Lỗi lầm là một chuyện, nhưng cũng phải nhận xét một cách khách quan, làm phim ăn theo game thực sự quá khó, làm khác game thì bị chê, làm quá giống cũng khó thành công vì đi theo lối mòn. Assassin’s Creed, tiếc thay, lại đi vào lối thứ hai giữa ngã ba đường không có lựa chọn nào khác. Cũng vì thời lượng phim có hạn, mà bản thân những lỗ hổng trong cốt truyện cũng chẳng hề được giải đáp một cách cặn kẽ cho người mới nhập môn, từ đó tạo ra những cảnh quay kỳ quặc, thứ mà chỉ có những game thủ mới hiểu rõ ngọn nguồn.

Hành động mãn nhãn

Bản thân tôi chỉ thích xem trailer của các bản Assassin’s Creed mà thôi. Lý do là cinematic quá ấn tượng, thân thủ của những sát thủ vừa hoa lệ, thanh thoát, tinh tế nhưng cũng không kém phần sức mạnh khi cần thiết. May thay, đây là điểm sáng của game. Bộ đôi đạo diễn Justin Kurzel và quay phim Adam Arkapaw, vốn nổi danh thông qua tuyệt phẩm cổ điển được làm lại năm 2015, Mac Beth, đã trở lại để giúp Fassbender có những màn hành động gay cấn nhất.

Kết quả là, những cảnh hay nhất phim đều là lúc Callum bước vào cỗ máy Animus. Những pha hành động, những bước chạy hay leo trèo của hai sát thủ thế kỷ XV khiến khán giả gật gù vì mãn nhãn. Nó đúng chất sát thủ hơn bất kỳ đoạn gameplay trong bất kỳ phiên bản AC nào. Thực sự rất khó tìm ra điểm chê về mặt hình ảnh của phim. Nếu có thì cũng chỉ biết trách phục trang làm bộ cánh cho các sát thủ hơi tệ, không toát lên được khí độ ngạo thiên ai nhìn cũng phải chùn bước của các nhân vật trong game.

Một Warcraft thứ hai, nhưng theo khía cạnh đối lập

Thay vì tạo ra một cái mới lạ hoàn toàn, hoặc tái hiện một thứ gì đó y xì đúc với cốt truyện có sẵn của game, Ubisoft quyết định hướng đi giống với series Resident Evil hay Prince of Persia năm 2010, phối hợp cả những điều quen thuộc trong game với nhân vật mới toanh để tạo ra một trải nghiệm điện ảnh khác biệt, vừa chiều lòng fan hâm mộ, lại vừa mời gọi khán giả mới.

Tiếc thay, việc triển khai ý tưởng hơi sa đà quá vào việc chiều chuộng fan gộc của dòng game, dẫn đến những tình huống khó xử cho những người tìm đến Assassin’s Creed như một bộ phim giải trí đơn thuần. Phía sau nó là cả một cốt truyện tuyệt vời mà nếu khai thác tốt, Ubisoft sẽ có được một dòng phim tuyệt tác, đơn giản vì chưa có một ai tiền nhiệm tạo ra được setting gần như hoàn hảo như vậy cả.

Bằng chứng là, người bạn đi cùng xem phim với tôi, sau khi nghe giải thích về những plot hole của game, đã bất ngờ cảm thấy bị cuốn hút và ngay lập tức về nhà mở Wiki đọc về series game này. Điều đó cho thấy, nếu thực sự kiên nhẫn, bạn sẽ thấy Assassin’s Creed giống như một viên ngọc thô cần được mài giũa bằng chính kiến thức nền của bản thân.

Sở dĩ tôi so sánh AC với Warcraft, vì chúng có quá nhiều điểm tương đồng. Cốt truyện rất sát với game, nhưng đòi hỏi người xem mới phải cực kỳ kiên nhẫn, bằng không chúng sẽ chỉ là những bộ phim phục vụ riêng game thủ không hơn không kém. Mà khán giả của điện ảnh lại rộng hơn như thế rất nhiều. Đó cũng chính là khó khăn của mọi bộ phim ăn theo game hiện tại. Bản thân người xem cũng thích bộ phim này, trái ngược hoàn toàn với những đánh giá của các chuyên gia điện ảnh.

Theo những thông tin mới nhất, bộ phim này đã bắt đầu rục rịch cho hai phần tiếp theo. Thế nhưng liệu nó có được doanh thu đủ tốt để khởi động phần kế tiếp hay không, điều đó lại phụ thuộc ở việc khán giả “rộng vòng tay” đón nhận nó.

Tổng kết lại, Assassin’s Creed, dù ẩn chứa nhiều "sạn", vẫn là một món ăn tinh thần đáng thưởng thức dịp cuối năm, bộ phim bom tấn cuối cùng trình chiếu tại Việt Nam. Nó xứng đáng để bạn bỏ ra 1 tiếng rưỡi đồng hồ theo dõi, chứ không chỉ là một bản sao thiếu tính thẩm mỹ từ game bom tấn. Bản thân kết thúc mở đầy mời gọi của phim cũng là một điểm nhấn thôi thúc những người xem quan tâm tìm hiểu cốt truyện xây dựng nên toàn bộ dòng game kinh điển này.