Đánh giá Paragon - Game bắn súng MOBA đã tay, nhanh và "sướng" chẳng thua gì LMHT

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 18/08/2016 05:21 PM

Paragon là một tựa game hay, dễ tiếp cận và có phần độc đáo lạ lẫm, hợp với những game thủ sau khi đã chán tryhard trong DOTA 2 hay LMHT

Như các bạn đã biết, vào ngày hôm qua 17/8, MOBA Paragon đã chính thức mở cửa rộng rãi đón game thủ trên toàn thế giới. Cần chú ý rằng đây là phiên bản Open Beta, mở cửa rộng rãi và người chơi có thể dễ dàng download bản cài đặt của về cũng như đăng ký tài khoản để trải nghiệm. Cụ thể hơn, các bạn chỉ cần đăng ký tài khoản là đã có thể tải game về một cách thoải mái tại địa chỉ trang chủ https://www.epicgames.com/paragon/

Và thông qua nguyên 1 đêm chỉ ngồi chiến game và nâng cấp nhân vật, có thể khẳng định Paragon sẽ phải làm rất nhiều điều để có thể cạnh tranh cũng như ganh đua với những siêu phẩm MOBA hiện tại như Liên Minh Huyền Thoại, DOTA 2 hay cả Overwatch. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng đây vẫn là một tựa game cực kỳ lôi cuốn, dễ bắt nhịp và có lối chơi quen thuộc, dù rằng có plot twist ở đây, Paragon là một game bắn súng skill based, chứ không phải một RPG MOBA như thông thường với góc nhìn từ trên xuống.

Về cơ bản, Epic Games thường chẳng quan tâm tới cốt truyện của game cho lắm. Chính vì lẽ đó, nguồn gốc những nhân vật trong Paragon, cũng như câu chuyện dẫn tới cuộc xung đột giữa hai phe trong game có vẻ cũng khá mờ nhạt vì chẳng tìm được ở bất kỳ trang web nào hay những trang chia sẻ lore trên internet. Như vậy là chúng ta chỉ còn phần gameplay để bàn tới trong bài viết đánh giá này.

Như chúng tôi đã đề cập, trong ngày mở cửa chính thức Open Beta, Paragon hoạt động tương đối ổn định khi đảm bảo đường truyền server ổn định. Quá trình trải nghiệm Paragon khá đơn giản khi người chơi không hề gặp phải tình trạng lag, giật. Dĩ nhiên vẫn có ping cao do đường truyền internet tại Việt Nam đang được sửa chữa, thế nhưng find game vẫn rất nhanh và trong game rất ít những lần giật lag, ngay cả khi trong những combat 5 vs 5 kết thúc trận đấu.

Một ấn tượng lớn khác của Paragon chính là hình ảnh. Tựa game đến từ studio tạo ra một trong những engine phát triển game nổi tiếng nhất thế giới, được nhiều nhà phát triển game sử dụng nhất mà lại xấu thì... phí nhỉ? Trái ngược hoàn toàn, Unreal Engine lại một lần nữa tỏa sáng, tạo ra một tựa game online miễn phí có đồ họa đẹp bậc nhất những ngày cuối năm 2016 này, nói không ngoa. Từ khung cảnh, hiệu ứng cho tới những rặng núi chia cắt 3 lane của map đấu, hay thậm chí là cả camp creep rừng cũng được thiết kế tỉ mẩn, chỉn chu.

Tuy nhiên, cơ chế điều khiển của Paragon lại khá "lạ" khi được xây dựng dưới góc nhìn thứ ba, và chúng ta hoàn toàn có thể so sánh MOBA này với Smite, khi 2 tựa game này gần như tương đồng với nhau về cách điều khiển, cũng như phong cách chơi.

Vẫn là những lớp nhân vật từ dam phép, tấn công tầm gần, tanker, ranged carry,... Thế nhưng Paragon khác biệt hoàn toàn so với LMHT hay DOTA 2 nhờ vào cách chơi phải ngắm bắn trong game. Vẫn là 3 lane với 3 trụ phòng thủ, với laning phase và cả những nhân vật đi farm rừng. Vẫn là những màn gank bất ngờ khi đối phương không kịp trở tay.

Vẫn có những skill AoE hay những nhân vật dam tay to tới mức bắn 3 phát là support đối phương phải ngã xuống, thế nhưng Paragon lại ấn tượng hơn bằng nhịp độ trận đấu cũng như cách nó triển khai một pha combat. Sẽ không có những skill gây choáng ngợp, mà bạn luôn có thể bao quát những gì xảy ra trước mặt mình, từ đồng đội, hướng di chuyển của đối thủ, cho tới những tính toán trong đầu như lao vào mở combat ra sao, rút lui như thế nào để không bị phản gank, v.v...

Bạn vẫn sẽ phải canh last hit, vì những vật phẩm trong game, được mô tả dưới dạng những thẻ bài đều phải mua thông qua Skill Point. Có những món đồ rẻ như Ward, hồi máu, hồi mana, nhưng về late game, những món đồ cao cấp hơn, có thể được nâng cấp để tăng máu, tăng damage cho nhân vật là thứ không thể bỏ qua. Nếu như hệ thống vật phẩm ở những game MOBA khác khá chú trọng vào gold, thì hướng đi mới này của Paragon lại tương đối khác biệt.

Lấy ví dụ nhân vật Gideon, một pháp sư dam rất to trong game. Ban đầu bạn chỉ cần tới những món đồ tăng mana, nhưng càng về cuối, khi đối phương máu trâu lên, thì việc giảm thời gian cast cũng như tăng dam phép là điều không thể tránh khỏi. Khi đó, combat và farm càng nhiều, Amber lên cao tương ứng với việc Skill Point đủ để mua và nâng cấp những vật phẩm phục vụ late game.

Chưa dừng lại ở đó, bạn còn có thể tự tạo ra một card deck theo ý mình cho mỗi nhân vật của game. Với hướng đi này mỗi nhân vật cũng sẽ có hướng phát triển riêng, so sánh giống như hai hướng lên Silencer carry và support của DOTA 2 vậy. Cùng với đó những lần lên level hoặc thắng trận sẽ giúp game thủ sở hữu thêm những lá bài tẩy cao cấp hơn và có sức mạnh khủng khiếp hơn.

Một điểm cộng khác của Paragon chính là hệ thống tướng. Bạn sẽ phải mua trang phục cho tướng, nhưng tất cả các nhân vật trong game sẽ được mở khóa ở một cấp độ nhất định. Tướng càng khó chơi, bạn càng cần level cao để unlock. Điều này khiến cho những game thủ chưa quen với game, cũng như cần thêm thời gian học hỏi kinh nghiệm sẽ không sờ được vào những nhân vật dễ "bóp đồng đội".

Chốt lại, câu hỏi là liệu Paragon có đủ sức cạnh tranh ngang bằng với những tựa game hiện tại hay không? Câu trả lời là không, với lý do lớn nhất là game yêu cầu cấu hình rất cao để chạy mượt mà, so với những MOBA hiện tại. Cũng không phàn nàn được vì hình ảnh trong game vô cùng ấn tượng. Thế nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi phủ nhận Paragon là một tựa game hay, dễ tiếp cận và có phần độc đáo lạ lẫm, hợp với những game thủ sau khi đã chán tryhard trong DOTA 2 hay LMHT.