Đánh giá card đồ họa Zotac GTX 1060 AMP! Edition - Chỉ 7,5 triệu Đồng, chơi tốt mọi game

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 22/08/2016 07:08 AM

GTX 1060 được xem là “lựa chọn vàng” của phân khúc tầm trung bởi mức giá phù hợp với số đông game thủ

Trong khi GTX 1070, 1080 thể hiện sức mạnh vượt trội ở phân khúc đồ họa cao cấp thì GTX 1060 như mẫu card của Zotac bên dưới được xem là “lựa chọn vàng” của phân khúc tầm trung bởi mức giá phù hợp với số đông game thủ mà vẫn đảm bảo hiệu năng đủ mạnh để chơi được tất cả game hiện nay ở độ phân giải QHD (2.560 x 1.440 pixel).

Không chỉ vậy, GTX 1060 còn được tích hợp một số công nghệ quan trọng của thế hệ card mới cũng như tối ưu cho công nghệ thực tế ảo như Simultaneous Multi-Projection (SMP) giải quyết hiện tượng méo hình khi hiển thị nội dung thực tế ảo. GPU Boost 3.0 tự điều chỉnh xung nhịp GPU theo yêu cầu hệ thống hoặc công nghệ Ansel có khả năng chụp màn hình với độ phân giải cực cao.

Trong bài viết, chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu kỹ hơn về sức mạnh của Zotac GTX 1060 AMP! Edition dựa trên các công cụ benchmark tiêu chuẩn cùng một số game hạng nặng để thấy được sự nhảy vọt về năng lực xử lý so với thế hệ card cũ. Sản phẩm có giá tham khảo 6,8 7,4 triệu đồng (mình nhầm giữa AMP! và bản thường) và được bảo hành 3 năm.

Ưu điểm

Tỷ suất hiệu năng/giá hấp dẫn.

Trang bị 6GB RAM GDDR5.

Chơi mượt game ở độ phân giải QHD.

Tản nhiệt chạy êm cả khi tải nặng.

Khuyết điểm

Thiết kế tản nhiệt chưa thật hiệu quả.

Thiết kế

Như đề cập trên, thiết kế mẫu card Zotac dựa trên nhân đồ họa GTX 1060, “tân binh” của dòng GPU Pascal và được ép xung nhẹ khi xuất xưởng. Cụ thể xung mặc định của GPU là 1.556 MHz so với mức tiêu chuẩn 1.506 MHz của GTX 1060 Founders Edition và có thể tăng tốc đạt 1.771 MHz khi chuyển sang chế độ ép xung. Như vậy, hiệu năng sản phẩm sẽ tốt hơn một chút, năng lực xử lý đồ họa và số khung hình trong game cũng cao hơn so với bản tiêu chuẩn của Nvidia.

Về kích cỡ, Zotac GTX 1060 chiếm hai khe gắn card mở rộng nhưng khá nhỏ gọn. Tính cả tản nhiệt chỉ dài bằng 2/3 so với dòng card “full size” nên khả năng tương thích với nhiều dạng thùng máy khác nhau, từ desktop cho đến mini ITX nhỏ gọn cho nhu cầu giải trí đa phương tiện trong gia đình. Đáng tiếc là GTX 1060 cũng không hỗ trợ SLI nên không thể ghép nối 2 card đồ họa khi người dùng cần nâng cấp về sau.

Bộ tản nhiệt IceStorm với 2 heat-pipe dẫn nhiệt lên các lá nhôm xếp ken dày bên trên cùng bộ đôi quạt làm mát loại 90mm mang lại hiệu năng tốt hơn nhưng vẫn giữ độ ồn ở mức thấp. Đây cũng là điểm nhấn giữa sản phẩm AMP! Edition và phiên bản thông thường của Zotac.

Về đường cấp nguồn, card chỉ cần một đầu cắm +12V PCIe 6 chân với công suất yêu cầu chỉ 120W và bộ nguồn 400W trở lên cho toàn hệ thống. Các ngõ xuất tín hiệu hình ảnh gồm DVI-D, HDMI 2.0 và có đến 3 ngõ DisplayPort 1.4. Lưu ý là thế hệ card mới của Nvidia không hỗ trợ xuất tín hiệu dạng analog nên không thể dùng với các màn hình VGA cũ. Tuy nhiên trên thực tế, điều này không ảnh hưởng đến việc sử dụng vì hầu hết nhà sản xuất đã loại bỏ cổng VGA và thay bằng HDMI.

Cấu hình thử nghiệm

Để đánh giá sức mạnh mẫu card Zotac GTX 1060 AMP! Edition, Tinhte xây dựng cấu hình thử nghiệm tương xứng dựa trên nền tảng Haswell-E với bo mạch chủ Asus X99 Deluxe, CPU Intel Core i7-6950X Extreme Edition, bộ nhớ DDR4 Adata XPG Z1 16GB, bus 2.400MHz, SSD Intel 730 480GB chạy ở RAID 0 và nguồn Cooler Master RS-C50 1250W.

Bên cạnh những công cụ quy chuẩn đánh giá tổng thể hiệu năng là 3DMark và Heaven Benchmark 4.0, Tinhte cũng kiểm thử khả năng chiến game ở độ phân giải QHD (2.560 x 1.440 pixel). Quá trình thử nghiệm, hệ thống chạy với thông số thiết lập mặc định của nhà sản xuất và kết quả các phép thử chỉ được ghi nhận sau ba lần test.

Cũng cần nói thêm việc chọn tựa game nào làm công cụ benchmark phải thể hiện được sự nhất quán, ổn định và kết quả nhận được đáng tin cậy, có thể dùng đối chiếu với những sản phẩm từng thử nghiệm trước đó.

Đánh giá hiệu năng

Xét tổng thể, sức mạnh Zotac GTX 1060 đủ để chinh phục tất cả phép thử theo kịch bản Tinhte xây dựng ở độ phân giải QHD mà vẫn đảm bảo số khung hình vượt con số 60 fps (khung hình mỗi giây), ngưỡng tối ưu mà game thủ hướng đến với chất lượng đồ họa được đẩy lên mức cao nhất.

Kết quả này đủ để game thủ có được trải nghiệm tốt với những cung đường bụi bặm, gai góc và không chút màu mè của DiRT 3, thành phố nổi Columbia trong Bioshock Infinite, thót tim khi chứng kiến Lara Croft rơi vào những tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc trong Tomb Raider hoặc có trải nghiệm ấn tượng hơn về trận chiến tại pháo đài Hornburg trong LOTR.

Riêng các tựa game sát phần cứng như Thief, GTA V hoặc The Witch 3, tuy số khung hình đồ họa giảm dưới mức 60 fps nhưng vẫn vượt xa mức cơ bản 30 fps nên ảnh hưởng không đáng kể đến quá trình trải nghiệm game theo thời gian thực.

Cụ thể Tomb Raider đạt đến 133,8 fps ở độ phân giải QHD (2.560 x 1.440 pixel) và giảm còn 71,3 fps khi tăng chất lượng đồ họa lên mức Ultimate. Alien vs. Predator, một tựa game thường dùng benchmark do có tính ổn định cao cũng đạt đến 133,5 fps và thấp nhất là 73,1 fps. Riêng Thief 4, một tượng đài trong thể loại stealth action, mẫu card Zotac vẫn chứng tỏ được sức mạnh khi đạt 57,5 fps ở chuẩn QHD, chất lượng đồ họa cao nhất nên không xảy ra hiện tượng giật hình trong suốt quá trình thử nghiệm.

Trong công cụ benchmark 3DMark Fire Strike, cấu hình thử nghiệm đạt 12.346 điểm tổng thể, trong đó CPU đạt 18.827 điểm và Graphic là 13.512 điểm. Với phép thử mới TimeSpy được thiết kế nhằm khai thác sức mạnh bộ thư viện DirectX 12, hệ thống đạt 4.447 điểm, trong đó chip Core i7-6950X đạt 8.979 điểm và đồ họa GTX 1060 là 4.084 điểm.

Xét riêng về điểm đồ họa thì Zotac GTX 1060 chỉ bằng khoảng 70% so với mẫu card Gigabyte GTX 1070 đồng thời cao hơn khoảng 10,7% so với mẫu Gainward Phantom GTX 970 mình từng thử nghiệm. Điều này cũng bình thường vì xét ở khía cạnh kỹ thuật, nhân đồ họa GP106 chỉ có 1.280 nhân CUDA được phân thành 2 cụm xử lý đồ họa (Graphics Processing Cluster - GPC) trong khi GTX 1070 có đến 1.920 nhân CUDA và 4 cụm xử lý đồ họa.

Với Heaven Benchmark, phép thử có nhiều nét tương đồng với 3DMark nhưng nhấn mạnh công nghệ Tessellation, Zotac GTX 1060 AMP! Edition đạt 1.612 điểm, khả năng dựng hình đạt 64 fps ở độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel, thiết lập đồ họa Extreme. Kết quả này vẫn cao hơn mẫu GTX 970 của Gainward mình từng dịp thử nghiệm trước đây khi đạt 1.336 điểm và 53,1 fps.

Nhiệt độ, công suất tiêu thụ​

Kiểm tra khả năng tản nhiệt card đồ họa và công suất tiêu thụ cấu hình thử nghiệm (không bao gồm màn hình) qua phép thử đồ họa 3DMark, nhiệt độ và công suất hệ thống được ghi nhận qua phần mềm GPU-z và Logger Lite trong môi trường khoảng 26 độ C.

Ở chế độ không tải, nhiệt độ GPU dao động ở mức 47 độ C, mức công suất tiêu thụ của cấu hình thử nghiệm là 150,1W, tính theo trị số trung bình cộng. Trong phép thử đồ họa 3DMark và chơi game, nhiệt độ GPU lên đến 79 độ C và mức công suất tiêu thụ là 324,3W. Nếu so với một số mẫu card Pascal khác thì nhiệt độ này được xem là cao; chẳng hạn Gigabyte GV-N1070G1 Gaming-8GD chỉ chạm ngưỡng 69 độ C khi GPU liên tục chạy ở mức tải tối đa.

Về kích thước, tính cả tản nhiệt thì Zotac GTX 1070 chỉ dài bằng 2/3 so với dòng card “full size”. Bên cạnh đó, yếu tố cạnh tranh về giá nên bộ tản nhiệt cũng không được chăm chút chất lượng như GTX 1070 nên và hiệu quả tản nhiệt cũng bị hạn chế phần nào.

Tổng quan sản phẩm

GTX 1060 được xem là “lựa chọn vàng” bởi mức giá phù hợp với số đông game thủ. Sản phẩm tạo được ấn tượng với sức mạnh tính toán cao hơn nhưng lại có giá rẻ hơn so với GTX 970 và hiện cũng là đối thủ nặng ký của AMD RX 480. Tất nhiên mức chênh lệch không đáng kể và cả hai đều là những lựa chọn phù hợp với số đông người dùng trong khi vẫn đảm bảo hiệu năng đủ mạnh để chơi được tất cả game hiện nay ở độ phân giải QHD.

Kết quả thử nghiệm trên cho thấy hiệu năng Zotac GTX 1060 đủ để chinh phục tất cả phép thử theo kịch bản Tinhte xây dựng ở chuẩn QHD cùng đồ họa chất lượng cao nhất. Thậm chí các game “hạng nặng” như Thief, GTA V hoặc The Witch 3 vẫn có thể chơi tốt dù số khung hình giảm xuống dưới ngưỡng 60 fps.

Zotac GTX 1060 hiện được bán với giá 7,4 triệu đồng và cũng có tính cạnh tranh cao trong phân khúc đồ họa tầm trung GTX 1060; giá từ tham khảo từ 6,7 – 8,9 triệu đồng tùy thương hiệu. Đây cũng là lựa chọn nâng cấp hiệu quả - đặc biệt là về bộ nhớ, cả với những bạn đang sở hữu GTX 960 trong trường hợp muốn nâng tầm trải nghiệm game ở độ phân giải 2K hoặc QHD.

(Theo Tinh Tế)