Đánh giá card đồ họa bình dân Sapphire Nitro RX460

HakieS  - Theo Trí Thức Trẻ | 30/09/2016 0:00 AM

Với một mức giá cực kỳ thấp, RX460 đang gần như “thống trị” ở phân khúc card đồ họa giá rẻ hiện nay, với mức giá chỉ dao động ở khoảng 3 triệu Đồng

Trong năm 2015, AMD tiếp cận thị trường card đồ họa máy tính với dòng sản phẩm Fury – một dòng sản phẩm với những chiếc card đồ họa có hiệu năng cực cao, nhưng so với Nvidia thì dòng Fury của AMD vẫn chưa là gì và gần như “đội đỏ” AMD đã thất bại hoàn toàn trước Nvidia. Và đến năm nay, AMD đã có một cách tiếp cận thị trường hợp lý hơn, chuẩn xác hơn với thị phần mà họ đã từng rất thành công ở các năm về trước, những chiếc card đồ họa giá rẻ.

Sản phẩm top của dòng RX mới nhất trong năm 2016 này là RX480 cũng chỉ có mức giá trên dưới 7 triệu Đồng, và được đảm bảo hiệu năng dành cho những sản phẩm VR cũng như hệ thống gaming sử dụng màn hình 1440p. Và sản phẩm của bài viết ngày hôm nay, RX460, được cộp mác “eSports gaming”, và với thiết kế hài hòa giữa hiệu năng và chi phí, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho đa số người dùng.

Và với một mức giá cực kỳ thấp, RX460 đang gần như “thống trị” ở phân khúc card đồ họa giá rẻ hiện nay, với mức giá chỉ dao động ở khoảng 3 triệu Đồng, sẽ khó có thể bỏ qua một sự lựa chọn mang tên RX460 này.

Và ở bài viết này, chúng tôi có trên tay sản phẩm Sapphire Nitro RX460, một phiên bản đã được ép xung và trang bị 4GB VRAM đến từ nhà sản xuất Sapphire.

Thiết kế

RX 460 cũng một trong những GPU đầu tiên của AMD được sản xuất theo quy trình 14nm, kiến trúc đồ họa Polaris và đặc biệt mức công suất tiêu thụ chỉ 75W, hứa hẹn hiệu suất cao hơn khoảng 1,3 lần nếu tính trên mỗi watt điện năng tiêu thụ so với Radeon R7 260X.

Điểm nhấn trong thiết kế kỹ thuật RX 460 là mức tiêu thụ điện năng chỉ 75W nên có thể lấy nguồn trực tiếp qua khe PCI Express x16 trên bo mạch chủ. Tuy nhiên trên thực tế, mẫu card của Sapphire đã được ép xung sẵn trước khi xuất xưởng nên có thêm đường nguồn +12V PCIe 6 chân. Vì vậy bạn không phải lo lắng công suất yêu cầu của card vượt quá khả năng cấp nguồn tối đa (75W, theo lý thuyết) của khe PCI Express như với mẫu card tham chiếu RX 480 của AMD vừa qua.

Về kích cỡ, card chỉ dài 22,1 cm tức khoảng 2/3 so với tiêu chuẩn nên phù hợp với nhiều cỡ thùng máy khác nhau, nhất là dạng thùng mini-ITX nhỏ gọn. Điều này sẽ mang lại không gian làm việc rộng rãi và gọn gàng hơn. Bộ tản nhiệt Dual-X kết hợp giữa 2 quạt làm mát cỡ 90 mm và 2 heatpipe giúp việc truyền dẫn nhiệt nhanh hơn lên các lá nhôm xếp ken dày bên trên, giữ nhiệt độ GPU luôn ở mức thấp khi hoạt động.

Nói thêm về tản nhiệt Dual-X thì Sapphire đã chuyển sang sử dụng dạng cấp nguồn tiếp điểm cho quạt tản nhiệt, giúp việc vệ sinh bụi bẩn và dễ dàng thay thế khi hỏng hóc. Cánh quạt được thiết kế nhằm tăng hiệu suất tải gió cùng bộ đệm bi có tính ổn định cao, chất lượng và thời gian sử dụng dài hơn khoảng 85% so với quạt dùng đệm trượt (sleeve bearing).

Các ngõ xuất tín hiệu hình ảnh gồm HDMI 2.0, DisplayPort 1.4 và DVI-D. Thông qua các kết nối tiêu chuẩn tiên tiến, RX 460 có khả năng xuất tín hiệu hình ảnh, âm thanh dạng nén lẫn không nén qua cổng HDMI với độ phân giải 4K, tần số quét 60Hz hoặc 4K HDR @120Hz qua DisplayPort.

Hiệu năng

Ở phiên bản RX460 Nitro này, nhà sản xuất Sapphire đã có một chút ép xung nhẹ ngay từ khâu xuất xưởng khi mức xung mặc định là 1,175MHz, còn mức xung boost sẽ là 1,250MHz. Còn về các tính năng như Eyefinity, FreeSync, Crossfire hay DirectX 12, RX460 cũng đều được trang bị giống y hệt những chiếc card đồ họa cấp cao hơn như RX470 hay RX480.

Để thử nghiệm chiếc card đồ họa này, chúng tôi sử dụng hệ thống Skylake-E với i7-6950X, 8GB RAM để đảm bảo rằng, chiếc card RX460 này sẽ không gặp bất kỳ rào cản nào và “bung hết sức” ở những bài test.

Nếu như nhìn vào bức ảnh đầu tiên, có lẽ các bạn sẽ thấy rằng “card thế hệ mới con khỉ gì mà yếu như sên thế?!”. Nhưng đây là một bài test có lẽ không công bằng lắm dành cho RX460, khi mà chiếc card giá rẻ này sinh ra để chơi những tựa game eSports, vậy thì hãy thử với CS:GO xem sao nhỉ?

Và RX460 hoàn toàn chạy mượt mà CS:GO với mức thiết lập cao nhất cũng như ở mức độ phân giải FullHD. Ngoài ra những tựa game như Fallout 4, Battlefield 4 đều đạt mức “chơi được” khi sử dụng chiếc card RX460 này.

Kết luận.

Với mức giá chỉ khoảng 3 – 3,5 triệu Đồng, có lẽ RX460 là một trong những chiếc card đồ họa giá rẻ có hiệu năng tốt gần nhất ở thời điểm hiện tại, với đầy đủ những tính năng mới nhất đến từ AMD, đây sẽ là một sự lựa chọn đáng cân nhắc dành cho những game thủ đang build máy có mức giá rẻ mà vẫn đem lại hiệu năng cao ở thời điểm này.

Xin cám ơn nhà phân phối Tân Doanh đã hỗ trợ sản phẩm để chúng tôi hoàn thành bài viết này.