Cuộc cách mạng mang tên Mandarin đã làm thay đổi cách MCU xây dựng hệ thống nhân vật phản diện như thế nào?

PHGH  - Theo Helino | 05/04/2019 03:00 PM

Điểm yếu lớn nhất của MCU chính là tuyến nhân vật phản diện nhưng gần đây mọi thứ đã dần thay đổi với sự xuất hiện ấn tượng tới từ Erik Killmonger (Michael B. Jordan) và Vulture (Michael Keaton).

Trải qua hơn 10 năm phát triển, Vũ trụ Điện ảnh Marvel đã trở thành một trong những thương hiệu thành công nhất lịch sử phòng vé thế giới. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng điểm yếu lớn nhất của MCU chính là tuyến nhân vật phản diện. 

Dù từng được đảm trách bởi hàng loạt diễn viên giàu thực lực như Christopher Eccleston (Malekith) hay Tim Roth (Abomination), các vai diễn "phe ác" vẫn bị cho là kém ý tưởng và ít đáng nhớ. Nhưng gần đây mọi thứ đã dần thay đổi với sự xuất hiện ấn tượng tới từ Erik Killmonger (Michael B. Jordan) và Vulture (Michael Keaton). Nhìn rộng ra, bước ngoặt này đã manh nha ngay ở "Iron Man 3" cách đây tận sáu năm bằng một ác nhân Mandarin rất thú vị.

Tại sao Mandarin từng gây rất nhiều tranh cãi?

Cuộc cách mạng mang tên Mandarin đã làm thay đổi cách MCU xây dựng hệ thống nhân vật phản diện như thế nào? - Ảnh 1.

Trong truyện tranh, Mandarin là một chuyên gia võ thuật, nhà khoa học, chiến lược gia tài ba, đồng thời cũng sở hữu mười chiếc nhẫn ma thuật cực kì mạnh mẽ. Dĩ nhiên nhờ danh tiếng như vậy nên khán giả từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào nhân vật này trước ngày "Iron Man 3" ra rạp. Cuối cùng thì kẻ thù lớn nhất của Tony Stark đã có dịp bước lên màn ảnh rộng.

Vậy nhưng cuối cùng tất cả đều phải chưng hửng khi tận mắt chứng kiến Mandarin (dưới sự diễn xuất tài tình của ngôi sao gạo cội Sir Ben Kingsley) hóa ra lại chỉ là một tên diễn viên nhếch nhác, nghiện ngập mang tên Trevor Slattery. Hắn được trả tiền để làm bình phong cho các hoạt động khủng bố phía sau hậu trường, được đạo diễn bởi phản diện chính Aldrich Killian (Guy Pearce).

Sự thật này nhanh chóng tạo nên làn sóng thất vọng và phẫn nộ tới từ những fan hâm mộ Marvel lâu năm. Họ phàn nàn rằng cái kết hoành tráng, đầy hứa hẹn của bộ ba phim lấy chủ đề Người Sắt đã sụp đổ bởi kịch bản phần cuối đi ngược lại comics. Sự tranh cãi kéo dài đến vài năm sau, nhưng bạn có nhận ra thay vì phá hỏng mọi thứ thì Mandarin đã mang đến một cuộc cách mạng mới cho Marvel?

Bất chấp phản ứng dữ dội, cú shock mang tên Mandarin đã thực sự mang tới hiệu ứng tích cực

Cuộc cách mạng mang tên Mandarin đã làm thay đổi cách MCU xây dựng hệ thống nhân vật phản diện như thế nào? - Ảnh 2.

Như đạo diễn Shane Black giải thích, nguồn gốc Mandarin đã được thay đổi để các nhà làm phim có thể đồng thời vượt qua và giải quyết những khía cạnh chủng tộc đầy rắc rối. Nó phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện đại khi phần nào đó thể hiện được sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Đông, đồng thời như một lời phê phán gay gắt mà Marvel gửi tới những căn cứ quân sự phi lý của Hoa Kỳ tại vùng đất giàu mỏ.

Mặt khác, một câu hỏi liên tục được đưa ra, liệu cách tiếp cận như vậy có thành công hay không, hay nó chỉ làm phung phí tiềm năng của bộ phim? Người hâm mộ liên tục tranh luận về câu hỏi trên trong nhiều năm, và đó là điều mà Marvel mong muốn. Bằng cách lấy Mandarin làm điểm thắt cho "Iron Man 3", các nhà làm phim đã đảm bảo chắc chắn cái tên này sẽ không bao giờ bị lãng quên, bởi cú shock mà gã đem lại thực sự quá đáng nhớ.

Gần như mọi bộ phim thuộc MCU kể từ đó đều sở hữu tuyến phản diện ấn tượng

Cuộc cách mạng mang tên Mandarin đã làm thay đổi cách MCU xây dựng hệ thống nhân vật phản diện như thế nào? - Ảnh 3.

Trước bộ phim solo cuối cùng của Tony Stark, MCU thực sự tỏ ra non nớt và có quá ít nhân vật phản diện ấn tượng so với thời gian sau này.

"Thor 2: The Dark World" kết thúc với cảnh Loki giả mạo Odin ngồi trên ngai vàng Asgard dù trước đó được cho là đã chết tại Svartlfheim. Tương tự như vậy, thật tuyệt vời khi được chứng kiến Bucky Barnes không những sống sót mà còn trở thành gã sát thủ máu lạnh dưới trướng Hydra (Captain America 2: The Winter Soldier).

Ở Giai đoạn 3 MCU, "Captain America 3: Civil War" cũng sở hữu cho riêng mình gã phản diện Zemo cực kỳ thông minh và xảo quyệt. Chỉ bằng bộ não chiến lược tài tình, hắn đã khiến Biệt đội Avengers, nơi quy tụ những cái tên xuất chúng nhất Trái Đất tan rã mà không phải đổ một giọt máu. Hệ thống nhân vật "vai ác" tiếp nối thành công sự thay đổi cách mạng bằng các nhân vật có chiều sâu tâm lý như Ego, Vulture, Hela và Killmonger.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến Thanos, gã Titan điên đã khiến một nửa vũ trụ "bay màu" mà vẫn lấy được rất nhiều tình cảm lẫn sự ủng hộ từ khán giả. Để rồi chúng ta không thể không tự hỏi, phải chăng Trevor Slattery chính là gạch nối đầu tiên trong hành trình xây dựng những phản diện tốt hơn của Marvel?

Nhưng Mandarin có thực sự là nguồn cảm hứng cho thế hệ nhân vật phản diện mới?

Cuộc cách mạng mang tên Mandarin đã làm thay đổi cách MCU xây dựng hệ thống nhân vật phản diện như thế nào? - Ảnh 4.

Một năm sau "Iron Man 3", Marvel đã phát hành bộ One Shot mang tên "All Hail The King", kể về một Trevor Slattery đang phải đối mặt với sự căm phẫn tới từ Mandarin và hội Ten Rings đích thực, những kẻ vẫn tồn tại hàng ngày hàng giờ ở nơi nào đó trên thế giới. Bản retcon này không khác gì lời xin lỗi mà Marvel dành tới người hâm mộ, đồng nghĩa với sự thừa nhận rằng màn thí nghiệm với cốt truyện mới dành cho Mandarin đã thất bại.

Một thực tế khác càng củng cố cho luận điểm "Iron Man 3" không phải nguồn cảm hứng cho thế hệ phản diện mới. Đó chính là dàn ác nhân trong không ít bom tấn về sau như "Avengers: Age of Ultron", "Doctor Strange", "Ant-Man" hay "Ant-Man and The Wasp" quá đỗi tầm thường và dễ dàng bị lãng quên. Thật khó để coi trọng mức độ ảnh hưởng mà nhân vật Trevor Slattery đối với các bộ phim riêng lẻ này.

Marvel Studios chủ yếu tạo nét ấn tượng cho các nhân vật phản diện bằng cách tăng thời lượng xuất hiện và đi sâu vào những câu chuyện về động lực của họ. Có thể việc gây shock và tạo những cứ "twist" đã dần trở thành thói quen của MCU, nhưng một khía cạnh khác trong quá trình xây dựng tuyến phản diện cũng đã dần hình thành. Bạn có nhận ra cách Marvel đả kích tội ác chế độ thực dân khi Hela kể về hành trình Asgard bành trướng vũ trụ; hay phơi bày sự phân biệt chủng tộc dành cho người da đen suốt hàng trăm năm bằng những tuyên bố mạnh mẽ từ Killmonger. Khai thác tuyến phản diện để bày tỏ những thực trạng đau buồn trong lịch sử và xã hội, Marvel quả không thể xem thường.

Hầu hết mọi bộ phim sắp tới thuộc MCU đều đang nằm trong vòng bí mật, nhưng nhờ có phát súng đầu tiên trong "Iron Man 3" chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng thế hệ phản diện tiếp theo sẽ ngày càng ấn tượng và để lại dấu ấn mãnh liệt hơn.