Cùng là live-action, vì sao thám tử Pikachu được khen ngợi, còn Sonic lại bị chê là thảm họa điện ảnh?

Tiến Zeus  - Theo Helino | 08/05/2019 09:32 AM

Kể từ khi công nghệ CGI trở thành một công cụ đắc lực cho các nhà làm phim, các dạng phim chuyển thể live-action cũng đã xuất hiện nhan nhản trên màn ảnh rộng

Kể từ khi công nghệ CGI trở thành một công cụ đắc lực cho các nhà làm phim, các dạng phim chuyển thể live-action cũng đã xuất hiện nhan nhản trên màn ảnh rộng. Đã từng có rất nhiều nhân vật từ trong phim hoạt hình, trò chơi điện tử đã xuất hiện trên màn ảnh dưới dạng live-action như: Cinderella, The Jungle Book, Dumbo,… Và sắp tới sẽ là Lion King, Detective Pikachu và Sonic.

Cùng là live-action, vì sao thám tử Pikachu được khen ngợi, còn Sonic lại bị chê là thảm họa điện ảnh? - Ảnh 1.

Quá khứ đã chứng minh rằng mặc dù đã có một hình ảnh đẹp và quen thuộc nhưng không phải bản live-action nào cũng sẽ thành công. Việc chuyển thể một nhân vật hoạt hình lên màn ảnh rộng có một lợi thế là nó đã có sẵn một lượng fan hâm mộ tuyệt vời. Dù vậy thì cũng có thể nói rằng chính điều này cũng đã tạo nên một áp lực không nhỏ cho các nhà làm phim. Chỉ cần sơ ý xây dựng hình ảnh một nhân vật theo cách quá lố và sai lệch quá nhiều so với bản gốc thì hãy cẩn thận vì chính lượng fan ấy sẽ trở thành những mũi dao chĩa thẳng vào bạn.

Cùng là live-action, vì sao thám tử Pikachu được khen ngợi, còn Sonic lại bị chê là thảm họa điện ảnh? - Ảnh 2.

Đôi khi việc chuyển thể nhân vật hoạt hình không được người hâm mộ đón nhận lắm. Cụ thể trường hợp đó chính là Sonic của Paramount. Ngay từ bản trailer đầu tiên, Sonic phiên bản lỗi này đã phải hứng chịu rất nhiều bình luận tiêu cực từ phía người hâm mộ. Nhà sản xuất phim đã bối rối đến nỗi xin dời lại lịch chiếu và kèm theo một lời hứa sẽ nỗ lực hết mình để chỉnh sửa lại hình ảnh của Sonic sao cho đúng với bản gốc nhất có thể.

Ở chiều ngược lại, Detective Pikachu đã được đón nhận một cách nồng hậu và cuồng nhiệt từ giới phê bình. John Mathieson, giám đốc hình ảnh của Detective Pikachu, tuyên bố rằng bộ phim của ông có ưu thế vượt trội hơn rất nhiều so với Sonic: The Hedgehog. Điểm thú vị là Mathieson đã từng được mời để quay phim cho Sonic, nhưng sau đó ông lại chọn Pikachu. Ông tiết lộ rằng điểm khác biệt giữa hai phim này chính là từ kỹ thuật số. Detetive Pikachu được quay bằng máy quay phim truyền thống (nhưng ngày càng hiếm), trong khi Sonic được quay bằng máy quay video kỹ thuật số.

Cùng là live-action, vì sao thám tử Pikachu được khen ngợi, còn Sonic lại bị chê là thảm họa điện ảnh? - Ảnh 3.

John Mathieson cho rằng việc quá lạm dụng vào công nghệ kỹ thuật số khiến cho nhân vật mất đi linh hồn vốn có của mình. Hơn nữa, nó còn làm cho những nhà làm phim có vẻ lười biếng hơn khi quá ỷ lại vào các thuật toán máy tính. Ông tiết lộ rằng khi làm phim bằng máy quay truyền thống, dường như khoảng cách giữa bạn và nhân vật sẽ gần hơn rất nhiều. Khoảng cách lúc đó có lẽ chỉ cách nhau bởi một ống kính. Có phải chính điều này đã tạo nên sự khác biệt giữa Pikachu và Sonic?

Mặc dù lợi thế của công nghệ kỹ thuật số là không thể phủ nhận, nhưng bạn phải biết cách sử dụng nó. Mathieson thừa nhận rằng khi được sử dụng đúng cách, kỹ thuật số vẫn có thể gây sốc. Hãy nhìn vào các tựa phim của Marvel và học hỏi điều đó. Và cho dù các hãng phim có thích hay không, người hâm mộ sẽ chú ý ngay lập tức khi một nhân vật có sức hút như Sonic không được sở hữu một ngoại hình ưng ý vào ngày ra mắt.

Cùng là live-action, vì sao thám tử Pikachu được khen ngợi, còn Sonic lại bị chê là thảm họa điện ảnh? - Ảnh 4.

Còn về Pikachu, có lẽ mọi thứ đã quá tuyệt vời. Đặc biệt với sự tham gia của Ryan Reynold thì khán giả lại có lý do để chờ đợi một phiên bản cực kỳ sáng tạo của chú chuột điện này. Với vẻ ngoài đáng yêu nhưng tính cách bên trong lại là một gã lắm mồm lầy lội, Pikachu bản điện ảnh lần này có lẽ sẽ đặc biệt thú vị đối với những fan hâm mộ franchise Pokemon nổi tiếng. Chưa dừng lại ở đó, trong Detetive Pikachu chúng ta cũng sẽ được chiêm ngưỡng những cái tên một thời làm mất ăn mất ngủ bao thế hệ thanh niên như: Bullbasaur, Charmander, Squirtle, Mew-two,… Thật đáng để chờ đợi đúng không?

Pokémon: Detective Pikachu (Thám Tử Pikachu) sẽ bắt đầu khởi chiếu trên các rạp toàn quốc từ ngày 10/5/2019.