Cứ tưởng NPH ghét các game thủ "kẹt sỉ" không bỏ tiền cho game, hóa ra chúng ta đã nhầm to

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 08/07/2017 0:00 AM

Trái ngược hoàn toàn, càng đông game thủ "kẹt sỉ" tham gia game, NPH càng vui sướng vì tỷ lệ game thủ trả tiền chắc chắn sẽ cao hơn

Trong cộng đồng game online Việt Nam, ngay từ những ngày đầu game miễn phí có cashshop hiện diện, cộng đồng game thủ đã bị phân hóa thành ba dạng. Đầu tiên cần phải kể tới những đại gia vung tiền không tiếc tay để trở thành "bá đạo thiên hạ", dù chỉ là trong thế giới ảo. Kế đến là những game thủ vẫn bỏ tiền vào game, nhưng có chừng mực và chỉ dùng tiền thật để giải quyết một số nhu cầu cấp thiết cho nhân vật trong game online.

Trong khi đó, những game thủ thuộc "loại thứ ba" hóa ra lại đông đảo nhất. Họ được ví von như những người "keo kiệt" của làng game Việt, chỉ chơi game và dùng tiền ảo họ kiếm được trong game để trang trải cho những nhu cầu của nhân vật ảo.

Vì sao lại gọi họ "keo kiệt"? Ở thời điểm tuyệt đại đa số những game online đang được các NPH hoạt động tại làng game Việt đều là game miễn phí, thì cửa hàng vật phẩm ảo nhưng trả bằng tiền thật trong game, mà giới chuyên môn thường gọi là In-App Purchase là nguồn thu gần như duy nhất của các NPH. Nếu game thủ không bỏ tiền vào game, chắc chắn doanh thu của các NPH game Việt Nam sẽ bị thiếu hụt. Và đó cũng chính là lý do các NPH luôn luôn chăm sóc một cách cực kỳ kỹ càng những game thủ bỏ tiền thật vào game online của họ, cho dù theo thống kê, chỉ có khoảng 0,15% số game thủ bỏ tiền vào game, chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của một MMO.

Trong khi đó, toàn bộ doanh thu của một game online chỉ đến từ 2% tổng số game thủ tham gia game. Một con số khó lòng tưởng tượng nổi khi tuyệt đại đa số những game thủ còn lại đều chỉ chơi game "chay", không bỏ tiền cho nhà phát hành.

Thành phần "kiệt sỉ"

Chúng ta đã từng bàn rất nhiều về câu chuyện game miễn phí và những mánh hút máu game thủ của một số nhà phát hành game online Việt Nam.

Một khi đã bước chân vào thị trường game online Việt Nam , thì bên cạnh đam mê, các nhà phát hành luôn luôn cần phải có tầm nhìn chiến lược để mỗi sản phẩm, mỗi “lá bài” họ tung ra thị trường đều cần có lợi nhuận nhất định. Để làm được điều này, trong cuộc chơi của những game online miễn phí, việc “hút máu” chung quy lại đơn giản chỉ là kiếm tiền từ cộng đồng game thủ như thế nào.

Phàm đã là một game thủ, mong muốn đầu tiên của bất kỳ ai chơi game online cũng đều muốn nhân vật trong game của họ phải thật mạnh mẽ, “solo” trăm trận trăm thắng, đi kèm với đó là những bộ trang bị và vũ khí “khủng”, khiến cho bất kỳ ai nhìn vào cũng phải thầm thán phục và ghen tị. Để đạt được điều này, chẳng game thủ nào có thể chỉ chơi game miễn phí mà có được cả.

Thế nhưng, nhà phát hành mặc dù có thể sống khỏe với 2% game thủ trả tiền, nhưng họ lại không có cách nào để chỉ từ con số nhỏ nhoi này mà xây dựng được một cộng đồng game thủ và một tựa game online lớn mạnh cả. Con số 98% đến lúc này mới chứng minh được số lượng đôi khi luôn đánh bại chất lượng, nhất là tại một thị trường như Việt Nam.

Cộng đồng định hình chất lượng game

Hãy làm một phép thử nho nhỏ. Bạn đang lựa chọn một game online để thưởng thức trong kỳ nghỉ hè. Bạn sẽ lựa chọn game nào? Một game online lay lắt chưa biết ngày đóng cửa nhưng vẫn có doanh thu từ số lượng người chơi ít ỏi, hay một game với người chơi đông đảo, event, offline diễn ra quanh năm với rất nhiều người tham gia? Câu trả lời có lẽ đã rõ ràng.

Điều đầu tiên cần phải đề cập về những game thủ không bao giờ bỏ tiền cho game, họ chính là những người định hình nên chất lượng cộng đồng của một game online. Những game thủ như thế này chính là những "nhà phê bình" công tâm nhất đối với bất kỳ nhà phát hành nào. Bất kỳ thay đổi nào trong game, từ hệ thống vật phẩm, những sự kiện được NPH tổ chức cho tới cả trải nghiệm game sẽ được phản hồi một cách chính xác và công bằng từ "98% còn lại" này. Nếu game online hút máu, "pay-to-win", đây sẽ chính là những người đầu tiên vạch trần điều đó.

Thứ hai, "con én nhỏ không làm nên mùa xuân". Điều này luôn đúng đắn, ngay cả với cộng đồng game thủ. Một tựa game với khoảng 25.000 CCU, tức là số lượng người tham gia vào game, thì hóa ra chỉ có khoảng 500 người bỏ tiền vào game. Thử hỏi một tựa game chỉ có 500 người chơi sẽ tạo ra những sự kiện hội ngộ game thủ ra sao, xây dựng cộng đồng vững mạnh, đoàn kết như thế nào? Ấy là chưa kể rất nhiều game online có tiếng tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại thậm chí còn chưa đạt được con số 25.000 CCU kể trên.

Thứ ba, dĩ nhiên một game thủ có thể không bỏ tiền vào game, nhưng một nhà phát hành game online vẫn có thể thông qua họ để có được doanh thu. Giờ là năm 2015, chứ không phải 2005 nữa. Công nghệ phát triển, những cách marketing thông qua các thiết bị di động đã trở nên cực kỳ đa dạng và dễ dàng. Lấy ví dụ, đối với những game thủ chơi game mobile miễn phí, họ hoàn toàn có thể mở khóa một món đồ lẽ ra chỉ có thể mua bằng tiền thật nhờ vào việc xem những đoạn video hoặc banner quảng cáo trong một khoảng thời gian nhất định.

Cuối cùng, chính bản thân những người chơi không bỏ tiền mặt hóa ra lại chính là động lực để ngày càng nhiều game thủ bỏ tiền "cho nhân vật khỏe". Tôi quen rất nhiều game thủ không bỏ đồng nào vào game online nhưng nhân vật của họ vẫn đứng những vị trí đáng nể trong top các server, nhờ vào sự chăm chỉ cày cuốc của họ.

Với tâm lý hiếu thắng của phần đông game thủ Việt, luôn muốn hơn người khác, chính bản thân những nhà phát hành cũng cần trân trọng những game thủ "keo kiệt" như trên đây. Bởi lẽ, chính họ mới quyết định sự tồn vong của một tựa game online, cũng như doanh thu của những sản phẩm mà họ phát hành.