Con đại bàng "phá gia chi tử": mất tích suốt 1 tháng trời, vừa xuất hiện thì nhắn tin "báo nhà" sạch cả quỹ khoa học Nga

DINK  TRÍ THỨC TRẺ | 30/10/2019 09:27 PM

Nhưng mà không định vị cái thứ đại bàng ham chơi này cũng không được, chúng nó đi lạc rồi tuyệt chủng mất thì sao?

Nếu bạn thường xuyên bay đi nước ngoài và vẫn muốn giữ liên lạc thường xuyên, bạn sẽ tìm tới dịch vụ chuyển vùng quốc tế đắt đỏ - roaming. Nhưng nếu bạn là sinh vật bay lượn suốt ngày, rồi lại có người khác trả tiền roaming hộ thì tội gì không tiêu "tẹt ga"? Nói vậy chứ cũng thấy tội người phải trả tiền, họ cũng giàu có gì đâu.

Để tiến hành theo dõi đường bay di cư của 13 con đại bàng thảo nguyên đang trong diện nguy hiểm, nhóm các nhà điểu học Nga cài vào những con vật oai vệ này máy truyền tín hiệu định vị và báo tin bằng SMS.

Trớ trêu thay, có một con đại bàng thảo nguyên có tên Min, thuộc Lớp Chim, Bộ Ưng, Họ Ưng, Chi Aquila, giống "phá gia chi tử" đã tiêu hết tiền quỹ nhắn tin của cả đoàn nghiên cứu. Theo lời kể của họ, một loạt tin nhắn "báo nhà" xuất hiện khi Min bay từ Kazakhstan - nơi có cước roaming rẻ tới Iran - nơi có giá cước đắt hơn nhiều. Cước thì ngay lập tức bị trừ thẳng vào tài khoản của nhóm các nhà nghiên cứu, thế có buồn không.

Con đại bàng phá gia chi tử: mất tích suốt 1 tháng trời, vừa xuất hiện thì nhắn tin báo nhà sạch cả quỹ khoa học Nga - Ảnh 1.

MegaFon, nhà mạng đứng sau những thiết bị này, sẽ tính cước với mỗi tin nhắn được gửi về. Khi biết tần suất gửi tin là … 4 lần/ngày, ta cũng có đôi chút cảm thông với gia cảnh nhà có đứa con giỏi phá. Nhưng mà không bỏ tiền ra theo dõi chúng không được ấy chứ, vì đây chính là hành động quan tâm bảo vệ đại bàng của các nhà điểu học Nga, đang công tác tại Mạng lưới Bảo tồn R.R.R.: họ lo sợ lũ chim này có thể bị vướng dây điện cao thế, bẫy độc hoặc ăn nhầm chất độc. Tổ chức nghiên cứu đã thực hiện công việc cao cả này suốt từ 2015 tới nay.

Theo lời kể của cô Elena Shnayder, nhóm nghiên cứu đã mất liên lạc với con đại bàng Min từ mùa hè năm nay. Nhưng khi nó tái xuất ở Iran hồi đầu tháng Mười, các nhà khoa học vừa mừng rỡ vừa… xót ruột: Min mang về một đống dữ liệu định vị và một hóa đơn tiền điện thoại cao vút trời. Hàng trăm tin nhắn đổ về cùng lúc, mỗi tin nhắn trị giá 49 rúp (tương đương 17.800 VNĐ), gấp 5 lần số tiền dự tính, thế là tiền quỹ bay sạch.

"Nó biến mất 5 tháng trời, rồi đột nhiên xuất hiện, cầm theo cái hóa đơn tiền điện thoại cao ngất ngưởng", cô Shnayder nói. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi Min từ 2018, đây là lần đầu tiên nó "mất tích". Có vẻ như nó đã bay trên vùng trời Kazakhstan suốt nhiều tháng trời, và khi bay qua Iran, kết nối được với nhà mạng địa phương, một loạt tin nhắn định vị sử dụng dữ liệu roaming tới tấp bay về điện thoại của các nhà nghiên cứu.

Theo lời kể lể của cô Shnayder, Min tiêu quá cả tiền quỹ, vốn đã bị 12 con đại bàng còn lại dùng hết khi đi du hí tại Iran, Tajikistan và Turkmenistan.

Nhóm bảo tồn đã kêu gọi gây quỹ để bù lại số tiền những con đại bàng thảo nguyên đã tiêu hết. Tính tới tối thứ Sáu tuần vừa rồi, họ đã gây được 5.000 USD tiền từ những người hảo tâm. Theo như lời nhóm nghiên cứu kể trên mạng xã hội VK của Nga, số tiền trên sẽ giúp họ duy trì hoạt động được tới 2020.

Con đại bàng phá gia chi tử: mất tích suốt 1 tháng trời, vừa xuất hiện thì nhắn tin báo nhà sạch cả quỹ khoa học Nga - Ảnh 2.

MegaFon cũng chung tay giúp đỡ loài đại bàng thảo nguyên đang trong diện nguy hiểm bằng cách rất riêng. Họ tuyên bố sẽ trả lại vài tháng tiền cước mạng, của Min và của 12 con đại bàng khác nữa, cùng lúc đó sẽ tính cước rẻ hơn cho dự án nghiên cứu này.

Những hành động có ý nghĩ lớn từ nhiều bên là nỗ lực bảo vệ số lượng đại bàng thảo nguyên còn lại quá ít. Dữ liệu cho thấy thời điểm năm 2013 tại Nga, số lượng cá thể đại bàng thảo nguyên đã ít hơn 10.000 con. Vào mùa di cư hàng năm, những con đại bàng này sẽ tiến hành sinh sản ở miền Nam nước Nga và Kazakhstan, có khi chúng bay xa tới tận Ấn Độ, các nước Trung Đông và Châu Phi.

Năm 2015, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế liệt đại bàng thảo nguyên vào danh sách động vật đang trong diện nguy hiểm. Số lượng cá thể toàn cầu của loài đại bàng đường bệ, với sải cánh có thể dài tới 2 mét, chỉ còn khoảng 50.000 tới 70.000, và đang giảm trong thời gian gần đây. Theo lời Shnayder, nhóm nghiên cứu sẽ gắn thêm thiết bị định vị mới cho nhiều con đại bàng nữa trong năm 2020. Những thiết bị mới sẽ được gắn SIM miễn phí.

"Cũng hơi buồn cười, bởi hồi dự án mới bắt đầu, chúng tôi đã hỏi xin giảm giá cước nhưng rất nhiều nhà mạng đã từ chối", Shnayder nói khi thấy nhiều nhà mạng đồng ý với dự án mới.

Trong lúc đó, bé Min vẫn sải cái dải cánh dài cả mét của mình đi chơi kháp chốn. Vào thời điểm nó đốt tiền nhóm nghiên cứu, Min đang ở Iran, thế mà đã bay qua A-rập Xê-út rồi tới Yemen hôm chiều thứ Bảy, để rồi đang lượn quanh Kazakhstan ở thời điểm bài viết này xuất hiện.

Đến lúc bạn đọc những dòng chữ này, có khi Min đã lại vui chơi ở chỗ khác rồi cũng nên. Nếu quan tâm, bạn có thể theo dõi cậu Min hay bất kể con đại bàng thảo nguyên nào được gắn thiết bị định vị bằng trang web này.