Choáng váng với tựa game giải đố bắt game thủ phải học... tích phân mới chơi nổi

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 19/08/2017 04:04 PM

Tựa game giải đố bắt buộc bạn sử dụng kiến thức tích phân để mở cửa hoặc giải những câu đố đặt trong các màn chơi.

Toán học, bộ môn được không ít game thủ cho là ác mộng trên lớp, giờ đây lại xuất hiện trong thế giới game. Nhưng không, bạn đừng tưởng tượng vội, tựa game có tên Variant: Limits không chỉ dạy cho người chơi tính toán cộng trừ nhân chia bình thường đơn giản đâu, mà nó còn muốn biến... tích phân, một trong những đỉnh cao của bộ môn toán học trở nên dễ nhớ, dễ sử dụng và lấy chính môn này để giải những câu đố được đặt ra trong game. Nghe qua thì có vẻ khó thở, nhưng hãy cứ đọc tiếp đi, biết đâu bạn sẽ thấy tựa game này hấp dẫn hơn những bài học ở trên lớp đấy.

Trong Variant: Limits, bạn sẽ vào vai Equa, một cô nàng không có chút trí nhớ nào kể từ khi bắt đầu game. Cô bị kẹt trên một hành tinh đang có nguy cơ bị phá hủy bởi một cơn bão mặt trời. Dân cư đã được đi sơ tán hết, nhưng với sự trợ giúp của một ai đó, bạn có cơ hội cứu lấy hành tinh này. Những câu đố, những cánh cửa và hệ thống teleport đều đã hỏng, nhưng bạn vẫn có thể mang những tinh thạch đến từng vị trí và sử dụng kiến thức tích phân để mở cửa hoặc giải những câu đố đặt trong các màn chơi.

Đương nhiên, càng về sau, những câu đố càng khó nhằn. Nhưng may mắn thay game không trừ điểm bạn vì thử sai và làm đi làm lại một câu đố cho đến khi đạt được kết quả như mong muốn. Nó không khó khăn như khi học trên lớp, khi một bài kiểm tra sai có thể đem lại cho bạn điểm 1 đâu. Cốt truyện của game cũng khá tốt, có chiều sâu. Những đoạn audio log mô tả cuộc sống trên hành tinh này trước khi thảm họa xảy ra sẽ khiến bạn phần nào quên đi việc đang học mà chơi, chơi mà học cho tới khi mắc kẹt ở một câu đố đầy khó khăn trong màn 4 hoặc màn 5.

Rõ ràng, không phải tựa game nào cũng chỉ đơn thuần mang tính giải trí. Biết đâu sau khi phá đảo tựa game giải đố này, bạn lại mang được trong mình cả một bề dày kiến thức tích phân thì sao?