Cháy rừng lớn nhất ở Siberia trong vòng 10.000 năm, nhìn từ vệ tinh của NASA

Nguyễn Tuấn Tài  - Theo Trí Thức Trẻ | 30/06/2017 05:44 PM

Mất đi những khu rừng hấp thụ carbon đi kèm với phát thải carbon sẽ tạo ra một chu kỳ tiêu cực dẫn đến sự ấm lên toàn cầu.

Hàng năm, Siberia bị tấn công bởi những trận cháy rừng, làm phá huỷ một lượng lớn những khu rừng ở phương Bắc. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, do biến đổi khí hậu, những vụ cháy rừng ở Siberia diễn ra ngày càng nhiều hơn.

Những khu rừng phương Bắc ở Siberia đang bị thiêu rụi với tốc độ kinh hoàng, điều này chưa từng xảy ra trong ít nhất là 10.000 trở lại đây, và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng là lời dự báo sớm cho nhiều vụ cháy rừng nữa.

Những vụ cháy rừng hiện nay, bắt đầu từ cuối tháng Sáu, đã thiêu cháy khoảng 538 km2 rừng ở Siberia.


Ảnh vệ tinh của NASA cho thấy mức độ dày đặc của những vụ cháy rừng ở Siberia

Ảnh vệ tinh của NASA cho thấy mức độ dày đặc của những vụ cháy rừng ở Siberia

Biến đổi khí hậu đã và đang làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu, nhưng những khu vực vùng cực Bắc, như Siberia, đang phải chịu đựng tốc độ tăng nhiệt cao gấp đôi bình thường. Kể từ tháng 11 năm ngoái, nhiệt độ ở miền Nam Siberia đã tăng trung bình 4 độ C. Hệ quả là thời tiết cũng chuyển khô và nóng hơn, những cánh rừng trong khu vực cũng ngày càng dễ cháy hơn.

Những vụ cháy rừng là mối đe doạ trực tiếp đến vai trò của các cánh rừng Siberia trong việc hấp thụ lượng khí thải carbon. Mỗi năm, những cánh rừng ở Nga sẽ hấp thụ 500 triệu tấn carbon từ khí quyển.

Thứ Sáu tuần trước, hai vệ tinh của NASA đã ghi lại được những tác động trên diện rộng và sức tàn phá của những vụ cháy rừng trong khu vực. Những hình ảnh từ vệ tinh Aqua đã tiết lộ một loạt những điểm cháy và những cột khói khổng lồ, nằm rải rác khắp phía Nam Siberia.


Những cột khói khổng lồ được nhìn thấy dễ dàng qua ảnh vệ tinh

Những cột khói khổng lồ được nhìn thấy dễ dàng qua ảnh vệ tinh

Vệ tinh thứ hai, Soumi NPP, đã đo chất lượng không khí trong khu vực và thấy rằng chỉ số aerosol đã vượt ngưỡng 19, chứng tỏ lượng khói bụi ở đây rất dày đặc.

Theo Đài quan sát Trái Đất của NASA, các nhà khoa học cũng đang điều tra ba đám mây có thể hình thành do cháy rừng, những đám mây này có thể sẽ làm thay đổi khí hậu của cả khu vực bằng cách bao phủ không khí tại đây bởi khói bụi và các hạt siêu nhỏ.

Nhưng tác hại lớn nhất của những vụ cháy rừng này thì không thể nhìn thấy trên ảnh vệ tinh. Những cánh rừng ở Siberia đóng một vai trò quan trọng trong chu kỳ carbon, nơi đây chiếm đến 10% diện tích đất liền của hành tinh và là nơi chứa đến 30% lượng carbon của Trái Đất.

Điều này có nghĩa là khi những cánh rừng bị thiêu rụi, chúng thải ra một lượng lớn carbon vào khí quyển. Mất đi những khu rừng hấp thụ carbon đi kèm với phát thải carbon sẽ tạo ra một chu kỳ tiêu cực dẫn đến sự ấm lên toàn cầu.

Đó là con chưa tính đến việc những vụ cháy rừng có thể đẩy nhanh tốc độ tan băng ở Bắc Cực, vốn đang biến mất ở tốc độ đáng báo động. Điều này xảy ra khi tàn muội của những đám cháy phủ lên bề mặt và làm đen băng tuyết, khiến chúng dễ hấp thụ ánh sáng mặt trời hơn.

Tham khảo Sciencealert