Chẳng có gì là sai khi chúng ta thích làm kẻ xấu trong game

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 03/12/2016 03:39 PM

Giờ đây trong game liệu việc làm người tốt hoặc kẻ xấu có còn thực sự quan trọng và dễ phân biệt nữa hay không?

Việc game khắc họa những nhân vật mà bạn điều khiển giống như những kẻ cứu rỗi cả nhân loại, những người thay đổi cả lịch sử, những hình mẫu khiến bao nhiêu người tôn thờ đã chẳng còn là điều gì quá xa lạ nữa. Tâm lý chung, ai cũng muốn trở thành nhân vật chính diện trong câu chuyện của chính bản thân họ. Các nhà làm game cũng vô cùng tỉnh táo và khôn ngoan khi tạo ra những cốt truyện nơi họ đặt người chơi vào góc nhìn của những nhân vật "tốt", để chúng ta có được ấn tượng của một nhân vật được người người ngưỡng mộ, dù chỉ là trong phạm vi những NPC của một tựa game.

Lại một lần nữa, tôi đổ lỗi cho phim Mỹ vì khiến góc nhìn của nhiều người quá thiên lệch. Tư duy chung của nhiều người bỗng nhiên trở thành thứ ảo tưởng sức mạnh, cứ nghĩ trong game nào họ cũng là nhân vật chính diện. Nhưng không...

Trong tuyệt đại đa số những tác phẩm game, điện ảnh, văn học của loài người, nhân vật phản diện luôn tồn tại ở đó, để làm đối trọng cân bằng với nhân vật chính diện. Ở thời điểm hiện tại, có quá nhiều cái tên phản diện được nhiều người yêu mến vì hoặc họ quá cool ngầu, hoặc cách nhìn vào cuộc sống và khát vọng đạt một mục tiêu nào đó của họ quá rõ ràng, đến mức chính người xem cũng bị lôi cuốn vào chính cách suy nghĩ của họ.


Nếu đã có dịp xem Watchmen, bạn phải đồng ý rằng phản diện như Ozymandias là quá bá đạo!

Nếu đã có dịp xem Watchmen, bạn phải đồng ý rằng "phản diện" như Ozymandias là quá bá đạo!

Ví dụ gần như hoàn hảo của một vai phản diện như thế này chính là Ozymandias trong Watchmen. Bộ truyện tranh lấy bối cảnh lịch sử hư cấu này được rất nhiều người yêu thích không chỉ nhờ vào nhóm "siêu anh hùng" được khắc họa gần gũi với đầy những tổn thương tâm lý (thực ra thì chỉ có mỗi Doctor Manhattan mới có sức mạnh thật sự) mà còn nhờ vào sự ấn tượng của chính nhân vật phản diện tưởng chừng là bạn của nhóm người này.

Hắn sẵn sàng tạo ra một vụ nổ giết hại một nửa dân số New York, đổ lỗi cho Doctor Manhattan chỉ để vài tỷ người còn lại ở hai bờ chiến tuyến bắt tay nhau chống lại "kẻ thù chung". Chính tư duy ở tầm vóc này đã khiến Ozymandias trở thành một trong những nhân vật khiến khán giả khiếp sợ vì sự tàn nhẫn nhưng lại nể phục vì tầm nhìn của hắn.

Trong khi đó, hầu hết những siêu anh hùng của chúng ta đều chỉ có một mục tiêu duy nhất, đó chính là ngăn chặn mục đích của những kẻ địch trong truyện tranh hay phim ảnh một cách mù quáng. Đó cũng chính là lý do nhiều bộ phim siêu anh hùng chẳng thể nào có được sức hút cần có mà thay vào đó chỉ là một màn đánh đấm đuổi bắt vô cùng trẻ con, từ đó trở thành những quả bom xịt đúng nghĩa.

Nhắc tới tầm vóc của một bộ phim siêu anh hùng, cũng phải kể đến The Dark Knight. Christopher Nolan đã làm một điều quá tuyệt vời khi tạo ra một cuộc chiến không khoan nhượng giữa Joker và Batman. Câu chuyện không đơn thuần chỉ là Joker muốn biến Gotham trở thành một thành phố nơi ai ai cũng làm loạn vì họ biết không còn ai có đủ khả năng giữ an toàn cho họ, rồi Batman chạy theo ngăn bước gã hề đã đi vào lịch sử truyện tranh này.


Cảnh phim gây ấn tượng mạnh mẽ nhất The Dark Knight

Cảnh phim gây ấn tượng mạnh mẽ nhất The Dark Knight

Bản thân cảnh hai con tàu, một chở toàn cư dân Gotham, một chứa toàn những kẻ đầu trộm đuôi cướp ở nhà tù cùng hai chiếc công tắc cho phép con tàu còn lại nổ tung chính là hình ảnh tượng trưng hoàn hảo nhất cho cuộc chiến giữa thám tử vĩ đại và gã hề điên loạn. Họ chiến đấu với nhau để giành lấy linh hồn của Gotham, bản thân chính những tù nhân và cư dân của thành phố này cũng phải chiến đấu với chính con quái vật trong bản thân mình, để chứng minh họ còn phần "người" chứ không chỉ đơn độc mỗi phần "con".

Đó cũng chính là lý do rất nhiều bộ phim sau này của DC không giữ được hình ảnh và ấn tượng như The Dark Knight Trilogy, và cũng dám khẳng định sau Heath Ledger, khó có được một ai sắm vài Joker tàn nhẫn và mưu mô một cách đầy tài năng như anh.

Quay trở lại với thế giới game. Giống như phim ảnh và truyện tranh, game cũng có nhân vật chính diện và phản diện. Rất khó tìm ra những tựa game nơi ranh giới này bị lu mờ, nhưng nếu phải đề cập một ví dụ cụ thể, đó chắc chắn là Grand Theft Auto.

Không phiên bản GTA nào không có tai tiếng, không một sản phẩm nào đến từ lò game Rockstar North không bị các hội phụ huynh hay những người ghét game để yên, không lôi ra phê bình, chỉ trích. Lý do rất đơn giản là, game cho phép người chơi làm gì thì làm.

Bạn muốn có một chiếc phản lực bay cho vui? Muốn hóa cheat lấy một chiếc xe tăng dạo phố? Hay đơn giản hơn chỉ là kiếm khẩu 6 nòng nã vào đâu đó cho đỡ bực mình? GTA cung cấp cho bạn hết tất cả những công cụ đó. Làm điều đó ở đâu trong thế giới game, và làm như thế nào, phụ thuộc hoàn toàn vào bạn.

Những điều sai trái hoàn toàn nếu đặt vào thế giới thực mà bạn làm trong game rõ ràng định hình bạn là một nhân vật phản diện rồi chứ còn đâu? Một điều hoàn hảo mà Rockstar dạy cho người chơi chính là, đóng vai nhân vật ra sao là quyền của bạn. Chính bạn quyết định bản thân mình "chính diện" hay "phản diện". Đến cuối cùng, khi đã chán chơi, bạn quit game đi ngủ với tâm lý thoải mái sau khi được giải trí, mà chẳng phải lo lắng bất kỳ hậu quả nào xảy đến sau những hành động ác nhân bạn tiến hành trong game cả.

Nhưng đó, dĩ nhiên chỉ đáng được đề cập nếu bạn đã đủ tuổi thưởng thức series game hành động này mà thôi.

Suy rộng ra một chút, câu chuyện người tốt, kẻ xấu có thể đặt vào mọi tựa game. Hãy lấy ví dụ Call of Duty cho dễ hình dung nhé. Bạn có đếm được trong một màn chơi đơn, bạn hạ gục bao nhiêu tên địch không? Có bao giờ bạn tự đặt mình vào vị trí của một trong hàng trăm anh lính ở bên kia chiến tuyến hay không? Bạn có nghĩ tới gia đình của họ ở nhà trông ngóng tin tức của họ khi chồng, cha, con trai họ đi nghĩa vụ và bị hạ gục dưới làn đạn của bạn hay không?

Chắc chắn là không, vì lúc đó bạn còn bận xem cắt cảnh và thả những cung bậc cảm xúc của mình theo những trường đoạn đầy lôi cuốn, với cách nhìn tuyệt đối phiến diện nơi bạn cùng đồng đội luôn đúng, còn những kẻ khác chỉ là những tên địch không đáng quan tâm, ngoại trừ trùm cuối.

Giờ đây việc đánh giá bản thân mình trong game là tốt hay xấu cũng chẳng còn quan trọng nữa, vì đã có quá nhiều game cho phép chúng ta vào vai "kẻ xấu". Lấy ví dụ như Dead By Daylight nơi người chơi có thể vào vai những tên sát nhân hàng loạt, hay Evolve, tựa game yểu mệnh với cơ chế 4 vs 1 cực ấn tượng...


PK đã có từ lâu và thực tế người Việt rất thích game nào có PK thoải mái!

PK đã có từ lâu và thực tế người Việt rất thích game nào có PK thoải mái!

Thế nhưng nhiều người thậm chí còn lựa chọn làm kẻ xấu từ trước cả khi concept của những tựa game độc đáo này xuất hiện. Bạn chơi MMORPG, vào game PK lung tung để thể hiện độ khủng của trang bị, của level, đó tuyệt đối không thể là hành vi của một "người tốt" nếu chúng ta xét tới những giá trị đạo đức bình thường ngoài đời thực.

Nhưng game là nơi con người có thể phô diễn những bộ mặt khác biệt hoàn toàn. Miễn là chúng ta giữ những hành vi đó trong game, không phá game mà chơi một cách có ý thức, thì việc làm kẻ xấu tuyệt đối chẳng có ảnh hưởng chút nào cả!