Chân dung một bình luận viên game đất Việt

PV  - Theo Trí Thức Trẻ | 24/06/2016 02:38 PM

Câu chuyện của một chàng trai vứt bỏ tất cả để dám sống, dám thành công vì đam mê ngay trên mảnh đất quê hương.

Cơn mưa rào vội vàng đêm hôm trước dường như là một phép màu trước cuộc hẹn gặp của tôi với Khoa. Không phải lúc nào chúng tôi cũng có được cơ hội trò chuyện thoải mái, cởi mở như thế này giữa những ngược xuôi, tất bật của cuộc sống thường ngày. Bản thân tôi cũng thừa nhận một điều, giờ đây Khoa giống như một “người nổi tiếng” đúng nghĩa của làng game Việt Nam, khi hẹn rất lâu mới có được một cuộc gặp gỡ dù trước đó đã trò chuyện nhiều không đếm xuể trên mạng internet.

Trên Facebook, những cộng đồng game thủ nước nhà, hay các kênh chia sẻ video trực tuyến, Khoa được biết đến với nickname Pewpew, biệt hiệu mà Hoàng Văn Khoa tự đặt cho mình kể từ khi bắt đầu bước chân vào làng bình luận DOTA 2 chuyên nghiệp. Nhưng đối với tôi, kể từ khi quen, bắt chuyện và chat chit trên mạng, tôi vẫn quen gọi anh là Khoa.


Pewpew (bên phải) tại giải đấu 360Play Championship, tháng 12/2015.

Pewpew (bên phải) tại giải đấu 360Play Championship, tháng 12/2015.

Giờ đây, không cần cứ phải chơi DOTA 2 người ta mới biết đến danh tiếng của Pewpew. Tầm ảnh hưởng của anh đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một trò chơi nhất định, mà bất kỳ ai hay theo dõi tin tức và chuyển động của thị trường game lẫn thể thao điện tử cũng đều rất nhanh chóng nhận ra gương mặt của chàng trai sinh năm 1991 này.

Người ta biết tới bình luận viên trong những trận đấu bóng đá hay quần vợt trực tiếp. Khán giả luôn cần một người có kiến thức đủ sâu để đem tới cho người xem thông tin cụ thể, phân tích từng pha xử lý của các cầu thủ hay vận động viên. Ở bóng đá chúng ta đã quá quen với những cái tên như BLV Quang Huy, Long Vũ hay Đình Khải. Còn ở thế giới game, chúng ta có Pewpew.

Đến bây giờ khi nhắc lại câu chuyện chúng tôi vẫn tủm tỉm cười với nhau. Một điều mà nhiều người vẫn lầm tưởng đó là ở đất Úc xa xôi, Pewpew đã có được thành công và anh chỉ về nước để tiếp tục phát triển thành công ấy lên một tầm mới. Thực tế là, trước khi trở về Việt Nam, nghiệp bình luận viên DOTA 2 của Khoa là một con đường trắc trở và thật lắm chông gai…

PHẦN I: TRUÂN CHUYÊN NƠI ĐẤT KHÁCH

Kỷ niệm khó quên nhất những ngày khó khăn nơi xứ người xa xôi.

Một ngày bình thường như bao nhiêu ngày khác, nhưng lại là cái ngày định mệnh của cậu bé Khoa, lúc ấy còn đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp lớp 9. Lúc đó bất ngờ cha mẹ đề nghị việc đưa anh sang Australia để tiếp tục con đường học tập, tu nghiệp. Đối với một cậu bé còn đang ở độ tuổi ham chơi hơn ham học, việc được xuất ngoại chẳng khác gì một điều tuyệt vời. Không bị ai quản lý, chỉ việc học và chơi, hoặc làm thêm nếu thấy khoản tiền gia đình gửi sang không đủ sống.


Những hình ảnh của Khoa lúc còn nhỏ.

Những hình ảnh của Khoa lúc còn nhỏ.

Đứng trước cánh cổng ra máy bay tới một phương trời xa lạ, đương nhiên với một người con chưa bao giờ xa nhà, cha mẹ Khoa cố gắng dặn dò con trai những điều mà bất kỳ vị phụ huynh nào cũng muốn: Giữ gìn sức khỏe, cố gắng học tập. Trong mắt họ vừa là nỗi đượm buồn khi phải xa cậu con trai cả, nhưng vẫn ánh lên niềm hy vọng rằng Khoa sẽ trưởng thành hơn khi được tự lập rèn luyện trong môi trường giáo dục của nước ngoài.

Về phần Khoa, khi đó cậu vẫn chỉ có một ý nghĩ duy nhất, đó là đón nhận mọi thứ sẽ xảy tới với tâm thế khó lòng có thể bình thản hơn. Anh chỉ coi đây là một chuyến đi du học mà thôi, chuyện gì đến sẽ tự đến, và mọi việc cũng nhẹ tựa lông hồng. Nhưng chàng trai lúc ấy đâu có ngờ rằng, đấy sẽ là chuyến đi đầy bước ngoặt, thay đổi hoàn toàn con người Khoa.

Là một du học sinh, chẳng chóng thì chầy những khó khăn cũng sẽ đến. Nhưng với một chàng trai trẻ, đôi lúc khó khăn có hiểm nghèo tới đâu, con người, với sức trẻ cùng tư tưởng tích cực vẫn sẽ vượt được qua một cách dễ dàng.


Những hình ảnh khi Khoa còn ở bên đất Úc.

Những hình ảnh khi Khoa còn ở bên đất Úc.

“...Có những ngày cả nhà chỉ có một gói mỳ tôm, phải bẻ đôi trưa ăn một nửa, tối ăn nốt nửa còn lại...”

Nhắc lại quá khứ, giọng của Khoa có chút trầm. Cũng không trách anh được. Con người ta luôn phải trải qua một khoảng thời gian khốn khó để rồi nhìn lại chỉ biết lấy chính nỗ lực và nhiệt huyết tuổi trẻ làm lý do để vượt qua:

“Tôi tự biết mình là người sống tình cảm, nên cũng có những lúc buồn lắm chứ, thời gian đầu mới sang, đi làm cũng có vơi đi. Nhưng cũng có những lúc như Noel hay Tết Dương lịch, lúc đấy được nhân lương nên cũng đi làm chứ chẳng muốn đi chơi đâu cả. Nhưng cái lúc chuẩn bị bắn pháo hoa hay phát quà, đường phố rất vắng vẻ vì người ta bận đi chơi hay đến thăm hỏi họ hàng hết.

Lúc ấy tôi mới đi ra phía sau cửa hàng, rồi nhìn ra ngoài đường, mà buồn lắm. Nghe có vẻ hơi sến sẩm nhưng thực sự lúc đó mình nhìn lên bầu trời, tự hỏi lúc đó bố mẹ, em gái mình đang làm gì. Bạn bè mình thì lúc đó đang học đại học, vẫn update trên Facebook ảnh đi chơi với nhau, đi với người yêu, những khoảnh khắc rất hạnh phúc…”

Nhưng chính sự nỗ lực đã vực Khoa dậy khỏi những phút yếu lòng:

“Khi mình tự hỏi những câu hỏi đó, mình luôn có sẵn trong đầu câu trả lời đã ém từ trước, rằng rồi mọi thứ sẽ khác đi. Mình như thế này đã là hạnh phúc lắm rồi, không phải ai cũng có được điều kiện giống như mình. Họ còn khó khăn hơn mình, chán nản hơn mình, vì thế mình phải cố gắng.

Rồi mình lại quay vào với anh em làm cùng. Họ cũng chia sẻ những câu chuyện hồi họ mới sang đây, cũng là những khó khăn, vất vả, cho đến ngày họ có gia đình. Nhưng cũng chỉ bâng quơ được 15 20 phút tán gẫu hay gọi điện về cho gia đình vậy thôi, vì ngay sau đó là khách bắt đầu ồ ạt bước vào cửa hàng để ăn đêm sau khi đi chơi về muộn…

Nhưng nếu là một người mang nặng gốc gác văn hóa Việt, thì dù có đi đến đâu cũng sẽ nhớ đến gia đình, nhớ đến bạn bè của mình. Đấy là cái không thể tránh khỏi.”


Khó khăn muôn vàn.

Khó khăn muôn vàn.

Du học sinh thì luôn phải trông chờ vào tiền của bố mẹ chu cấp. Cho dù bạn có làm thêm chăm chỉ đến đâu thì đôi khi mức sinh hoạt phí quá lớn ở một quốc gia cũng sẽ khiến con người cảm thấy chán nản, khi đến “thực” còn không đủ thì lấy gì “vực đạo”. Thậm chí có cả những ngày đi học, đi làm thêm về, số tiền trong túi chỉ đủ mua một gói mỳ tôm, và Khoa đã phải sống qua ngày hôm ấy bằng cách bẻ đôi gói mỳ, bữa trưa một nửa, bữa tối ăn nốt nửa còn lại.

Nghe đến đây, chúng tôi chỉ biết cố nén tiếng thở dài xót xa. Cũng mừng một nỗi, đó đã là chuyện của quá khứ nhiều năm về trước. Anh trải qua nhiều công việc, từ làm ở cửa hàng đồ ăn nhanh, cho tới việc bưng bê, chuyển đồ, hay thậm chí là cả quét dọn…

Dù rằng đầy những khó khăn, đôi lúc là mệt mỏi chán nản, nhưng khi nhắc tới game, không khỏi nhận ra ánh mắt của Khoa bỗng sáng rực lên đầy nhiệt huyết. Câu chuyện của anh mãi đến lúc này mới bước sang một phần mới, sôi nổi hơn, nhưng không phải vì vậy mà bớt đi những chông gai.

PHẦN II: TÌNH YÊU GAME VƯỢT KHÓ KHĂN

Pewpew chia sẻ về giải đấu DOTA 2 mà anh tâm đắc nhất.


Nhí nhố khi chơi game cùng bạn bè.

Nhí nhố khi chơi game cùng bạn bè.

Không phải tự nhiên khi nhắc tới chủ đề game, câu chuyện mà Khoa chia sẻ cho chúng tôi có một phong thái khác hẳn. Anh chia sẻ cho chúng tôi những điều đến cả những người thân thiết nhất của anh trong studio do một tay anh gây dựng nên ngày hôm nay cũng ít khi được biết tới, mà đầu tiên chính là quá khứ những ngày đầu tiên được làm quen với game.

Hóa ra anh chàng bắt đầu với game chẳng khác gì bất kỳ cậu bé nào khác ở Việt Nam. Những cửa hàng game đã khiến những cậu bé từ 4 5 tuổi biết tới những nhân vật như Mario hay chàng lính trong Contra. Khoa cũng không phải ngoại lệ:

“Đấy cũng là một cái thú vị ở xóm mình. Mình vẫn nhớ cửa nhà đối diện, là bác Hiệp cho thuê truyện tranh. Mà thời đó cho thuê truyện cũng kiêm luôn cả trò chơi điện tử, mọi nơi đều vậy cả. Rồi mình để ý đến cuối đường còn những hai tiệm nữa. Mình cũng đi thử chơi xem sao. Tuổi thơ của những bạn 8x 9x ai cũng biết đến “nấm lùn” Mario, rồi Ninja cứu mẹ, rồi bóng đá... Mình thì lại đặc biệt một cái không đọc truyện tranh, mà nhảy luôn vào chơi game.

Rồi bắt đầu có PlayStation. Mà một cái thú vị nữa là cậu Hùng của mình thấy như vậy, mà chưa có vợ nên rất chiều mình, bèn đi mua một máy điện tử 4 nút rồi nói “thôi không cần phải đi thuê nữa”. Vậy là cứ cuối tuần cậu lại chở xuống nhà bà ngoại, hai cậu cháu ngồi chơi với nhau. Nói vậy thôi chứ cậu chỉ nhìn mình chơi, bố mẹ cũng yên tâm vì thấy con chỉ ở nhà chơi điện tử. Mà hồi đó mình chơi cũng máu lắm, sẵn sàng chơi từ sáng đến tối.

Đến hết cấp 1 thì cũng là thời kỳ Yahoo Messenger với những game online đầu đổ bộ Việt Nam. Hồi có MU mình cũng chơi, nhưng không máu cho tới khi mình biết đến Gunbound. Lúc đó mình cũng bộc lộ việc cứ những nhân vật nào người ta ít chơi thì mình lại thích.”

Và cũng chính từ câu chuyện tưởng chừng không hồi kết này, Khoa bắt đầu đến với DOTA 2, như một bước chuyển mà đến cả nhân vật chính cũng không thể ngờ tới, rằng một ngày nào đó sự thay đổi này đem đến cho anh thành công ít người có được.

“Hết lớp 9 mình đi nước ngoài, thời gian đầu buồn đến mức cài cả Audition bản Singapore để chơi với bạn, nhưng cũng không chịu được lâu. Kết cục là phải đi làm, để được nói chuyện. Tính mình thích giao tiếp với người khác lắm. Nhưng chủ yếu đi làm vẫn để kiếm tiền. Vẫn nhớ hồi đó bố mẹ chỉ cho mình được khoảng 100 Đô 1 tuần thôi. Ăn uống cũng rất khó khăn.

Cũng có những lúc dừng chơi điện tử vì không có bạn bè chơi cùng, chuyển sang những trò mini game trên web. Nhưng cũng thấy chán. Rồi mình cũng chuyển sang chơi nhiều game online khác, từ Phi Đội đến Granado Espada. Và rồi bỗng dưng VNG giới thiệu Kiếm Thế! Lúc bập vào Kiếm Thế thì vui lắm, rủ cả bạn gái chơi chung để bàn tán. Mình còn mang cả laptop lên chỗ làm. Rồi lại lên được top server, dù nạp ít lắm, chỉ vài trăm nghìn tiền Việt, ngang khoản tiền uống nước. KS được người, đi Tống Kim có tên trên bảng xếp hạng.

Thế là bắt đầu cay cú muốn có những món đồ xịn nhất server. Vậy là tôi bắt đầu nạp nhiều tiền hơn. Cũng đang có khoản tiền dôi dư vì đi làm mà, lúc đó cứ thích là nạp thôi.”

Nhưng rồi biến cố xảy đến khi Khoa “lỡ tay” nạp đến gần 20 triệu Đồng vào Kiếm Thế. Ngay sau đó bạn gái biết, và cả hai có xích mích. Bỗng dưng mọi thứ trở nên vô nghĩa. Tựa game ngày ngày anh theo đuổi cũng chẳng còn sức hút như trước. Bạn gái Khoa lo lắng cho anh, rồi anh bỏ hẳn Kiếm Thế. Nhưng tình yêu game lại đưa anh trở về với DotA.

Hero đầu tiên trong DotA mà Khoa chơi, bất ngờ thay, lại chính là Invoker. Rồi DOTA 2 xuất hiện với giải đấu The International với khoản tiền cả triệu USD. Khoa cũng tham gia vào cộng đồng DOTA tại Úc. Rồi nghiệp bình luận viên đến với anh như một biến cố không thể nào ngờ tới.


Trở về với DOTA 2 cùng team City Hunter.

Trở về với DOTA 2 cùng team City Hunter.


Những ngày đầu làm BLV.

Những ngày đầu làm BLV.

Anh có cơ hội gia nhập team City Hunter, một team không chuyên tại nơi Khoa sống. Cứ mỗi thứ 5 hàng tuần, quán net gần đó lại tổ chức một sự kiện DOTA Party, nơi mọi game thủ lân cận tới thi đấu với nhau, phần thưởng cũng chỉ là phần nước hay một số phần thưởng nho nhỏ. Trước khi team của Khoa bắt đầu đánh, họ lại cần tới một hoạt náo viên, và Khoa đã xung phong nhận vị trí đó.

Và anh cũng như mọi người chợt nhận ra, anh rất có thể trở thành một ‘Tobiwan’ phiên bản Việt (một bình luận viên nổi tiếng tại Úc lúc bấy giờ). Và Khoa xin vào Gamestah, một đơn vị chuyên cung cấp bình luận viên cho các giải đấu game, cũng là nơi Tobiwan đang làm việc lúc đó. Bất ngờ là Khoa được nhận vào cast game bằng tiếng Anh.

Sau 2 tuần làm việc, Khoa nhận ra mình khó lòng có thể bình luận tốt bằng tiếng Anh, và ý tưởng cast game bằng tiếng Việt nảy ra. Sau khi tiếp cận những group Facebook tụ họp đông đủ game thủ mê DOTA 2 tại Việt Nam, anh cũng tự mày mò tìm cách stream. Và sau nhiều biến cố, anh nhận ra muốn sống với nghề, anh cần phải làm việc một cách nghiêm túc. Kênh stream PewpewVN trên TalkTV ra đời.

Lúc ấy đến chính Khoa cũng không thể nghĩ rằng việc bình luận game ban đêm như vậy ảnh hưởng ra sao đến công việc của anh. Ban đêm cast liên tục, ban ngày phải cố gắng với công việc bán thời gian, và anh đi đến quyết định sẽ biến việc bình luận game từ một thú vui trở thành một sự nghiệp đúng với từng nghĩa của từ này.

PHẦN III: TRỞ VỀ

Những khó khăn lớn nhất khi quyết định trở về Việt Nam của Khoa.

Câu chuyện vẫn cứ sôi nổi, nhưng những khó khăn trong quá trình làm một bình luận viên cũng dần dần được bộc lộ. Không chỉ đơn giản là vấn đề thời gian, mà làm một bình luận viên phục vụ người Việt Nam cũng rất khổ cực khi khán giả của chúng ta khác hoàn toàn so với những nơi khác. Chúng ta vẫn sẵn sàng donate, gửi tiền để subscribe cho những bình luận viên và streamer hay, nhưng đi kèm với đó là những yêu cầu vô cùng khó nhằn và trái khoáy.

Lý do rất đơn giản, chẳng riêng gì cộng đồng game thủ, nhiều người trong chúng ta cũng đều mang nặng tự tưởng, một khi đã bỏ tiền ra là có quyền bắt người khác phục vụ theo ý mình. Tiếc thay điều này chỉ đúng khi bạn ngồi trong một quán ăn, còn những streamer, nghề nghiệp “làm dâu trăm họ” của họ không cho phép điều này,và chính những yêu cầu trái khoáy đã khiến Khoa cũng nhiều bình luận viên khác phải cảm thấy khổ sở.

Ấy là chưa kể đến những điều mà nhiều kẻ thích soi mói, chê bai lôi ra nhắm vào Khoa. Nhưng rồi một lần nữa, chính tình yêu từ cộng đồng game thủ đã níu anh lại với nghề. Khi ấy một khán giả đã từng nói: “Nếu trong 10 khán giả của ông, chỉ có 1 kẻ chê bai, còn 9 người ngợi khen, thì đừng vì 1 người đó mà từ bỏ. Hãy sống vì 9 người còn lại.”

“...mình quyết định về Việt Nam trong có 2 tuần, mua vé máy bay trở về làm việc cùng TalkTV.”


Pewpew tại giải đấu 360Play Championship, tháng 12/2015.

Pewpew tại giải đấu 360Play Championship, tháng 12/2015.

Máy móc cũng là một vấn đề. Để bắt đầu làm bình luận viên, Khoa tự mày mò mua một dàn máy “cà tàng”, chip core i3, chơi DOTA 2 còn chưa đầy 20 FPS! Mà cũng đừng nghĩ ở Úc là đường truyền internet sẽ mạnh. Cho dù bạn có nhiều tiền tới đâu, tại Úc nếu là hộ gia đình cũng chỉ mua được gói đường truyền ADSL. Thời đó upload cũng chỉ có 250 kb/s, xem stream chỉ thấy mờ mờ, mà vẫn còn rất nhiều người xem và cổ vũ cho Khoa. Họ xem bằng chính trái tim và đam mê cho DOTA 2.

Đến lúc đó Khoa cũng bắt đầu làm việc chuyên nghiệp hơn, cũng xin làm bình luận viên tiếng Việt chính thức cho nhiều giải đấu DOTA 2, cũng có những overlay mang bản sắc riêng của caster với logo nhà tài trợ, những thứ mà vào thời đó nhiều bình luận viên Việt Nam khác chưa coi trọng. Giờ đây các studio cũng làm được những điều này, sau khi nhận ra lợi ích của chúng.

Cũng trong khoảng thời gian này, Khoa tổ chức được một giải đấu mà đến bây giờ khi nhắc lại vẫn là một mốc son hết sức đáng tự hào của anh: Vietnam Champions League lần thứ nhất. Khi ấy bán vé xem bình luận trong game, thông qua Valve, Khoa vẫn nhớ khoản tiền bán vé lên tới 40 triệu Đồng, một con số mà đến bây giờ nhìn lại vẫn thấy đáng ngạc nhiên. Nhưng chỉ có một phần tư số tiền đó được trả về để Khoa làm giải, do chính sách của Valve từ trước tới nay.

Nhưng chỉ được một thời gian trước khi một khó khăn nữa ập tới. Đến tháng 10/2014, Khoa… hết tiền. Anh dành hầu hết thời gian vào việc bình luận game chứ khó lòng có thể tập trung cho công việc bán thời gian khi ấy như lau chùi dọn dẹp.


Góc casting đơn sơ những ngày đầu Pewpew Studio chính thức đi vào hoạt động.

Góc casting đơn sơ những ngày đầu Pewpew Studio chính thức đi vào hoạt động.

Nhưng trong khó khăn lúc nào cũng có cơ hội. Cùng khoảng thời gian đó, Twitch, nền tảng stream game khổng lồ đang tuyển dụng một vị trí đại diện tại Đông Nam Á, và Khoa nói chuyện với anh Long, quản lý dự án TalkTV, dịch vụ stream của Việt Nam mà Khoa đang sử dụng:

“Lúc ấy cũng không biết là đùa hay thật nhưng anh Long bảo “em về đi, làm cùng với anh”. Twitch cũng đang có lời mời mình. Nhưng mình lại nghĩ nếu về thì phải làm sản phẩm Việt Nam, sản phẩm của người Việt cũng như bao nhiêu nước chứ. Vậy là mình quyết định trong có 2 tuần, mua vé máy bay trở về làm việc cùng TalkTV.”

Đương nhiên quyết định của anh gây ảnh hưởng tới những mối quan hệ, với cả phụ huynh cũng như cô bạn gái nữa. Lúc bố mẹ Khoa biết con trai mình làm bình luận viên game, thậm chí anh bỏ hết những gì ở nước Úc để trở về lập nghiệp, hai bác vừa giận, lại vừa mông lung khi đến chính họ cũng chưa hình dung ra con trai họ đang làm công việc gì:

“Cảm giác lúc đó cứ như mất một đứa con vậy. Bố mẹ mình mà, lại còn là bố mẹ miền Bắc nữa, liên tục đưa ra những câu hỏi như: Tại sao con lại như vậy? Con làm vậy bao lâu rồi? Con làm như thế có nghĩ đến bố mẹ không, có nghĩ đến tương lai không?”

Những câu hỏi rất đỗi bình thường của những bậc cha mẹ đang giận con, nghĩ rằng con cái họ đã làm những điều hết sức nặng nề. Nhưng bố mẹ anh vẫn muốn Khoa về Việt Nam. Khoa hiểu những việc anh đang làm rất mới, đừng nói đến các bậc phụ huynh, đến cả bạn bè cũng chưa biết chắc Khoa đang làm gì. May mắn thay, hai bác tìm thấy kênh YouTube của Khoa, theo dõi những đoạn video do anh thực hiện, và bắt đầu chấp nhận công việc của anh, thay vì cấm đoán như nhiều bậc làm cha làm mẹ khác.

Sau khi trở về, Khoa tập hợp lại các anh em đã từng làm việc cùng mình khi anh còn đang làm việc tại Úc, và mở ra Pewpew Studio trong thành phố Hồ Chí Minh. Ban đầu cũng có những tạm bợ, những khó khăn khi thiếu vốn. Nhưng rồi những Mạnh Thường Quân quan tâm tới nền eSports nước nhà đã tới và giúp đỡ nhiệt tình cho Khoa cùng những người đồng nghiệp.


Trở về gây dựng Pewpew Studio cùng những người bạn.

Trở về gây dựng Pewpew Studio cùng những người bạn.

Mãi đến lúc này, sau biết bao nhiêu trắc trở, công sức vun đắp gieo trồng cũng đến ngày hái được quả ngọt. Những thành công bước đầu đã đến. Giờ đây người ta biết tới không chỉ Khoa mà còn cả Pewpew Studio, đội ngũ với nhiều bình luận viên với những phong cách khác nhau.

Suốt một năm kể từ đầu năm 2014, PewPew Studio đã đem đến cho người hâm mộ thể thao điện tử eSports nói chung và cộng đồng DOTA 2 trong nước nói riêng những trận đấu đẹp, Pewpew Studio cũng thường xuyên được mời làm kênh stream chính thức các giải đấu lớn cả trong nước và ngoài nước như The International 4, StarLadder Series, Dota Pit, DreamHack, MSI Beat it, Sina Cup, DAC 2015, MPGL, The Summit, We play, i-League, G-League, D2CL, WEC, ESL One, Dream League…Nhờ đó, số lượng người xem kênh PewPew luôn đạt một con số ổn với hơn 25 triệu lượt xem cho cả 3 kênh chính thức trên hệ thống TalkTV…


Góc nhìn toàn cảnh Pewpew Studio.

Góc nhìn toàn cảnh Pewpew Studio.

Rồi không chỉ dừng lại ở đó, anh cùng đồng nghiệp còn tổ chức những sự kiện “pubstomp”, cho phép game thủ đến ngồi theo dõi game cùng nhau ở những giải đấu lớn, thay vì phải ngồi một mình ở nhà xem game. Mới đây nhất vào tháng 06, Nvidia đã chọn Khoa làm đại diện thương hiệu card đồ họa đình đám này tại Việt Nam, một dấu mốc lớn khác trong sự nghiệp của chàng trai 26 tuổi.

Những người trong ngành nói gì về PewPew.

PHẦN IV: TRĂN TRỞ

“Hoặc giữ nguyên những bản sắc đã tạo nên thành công, hoặc thay đổi theo đúng xu hướng cộng đồng, chứ đừng bao giờ mơ tới việc thay đổi tư duy của người xem theo ý mình.”

Suốt một buổi chiều, tôi ngồi cùng Khoa và lắng nghe câu chuyện của anh chẳng sót điều gì. Những câu chuyện không đầu không kết, nhưng tất cả đều kết nối với nhau, từ việc xuất ngoại cho tới những ngày đầu mày mò bình luận DOTA 2… Nhưng giữa chúng, không lúc nào Khoa ngừng nhắc tới làng eSports Việt Nam, từ giải đấu 360 Championship hay GPL 2015 mà anh cho là có chất lượng chuyên môn cao nhất tại nước ta, cho tới SOFM, tài năng trẻ đang thi đấu trên đất Trung Quốc…


Thử sức với công việclồng tiếng tại VNG.

Thử sức với công việclồng tiếng tại VNG.


Team DOTA 2 Pewpew nhận bằng khen của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh.

Team DOTA 2 Pewpew nhận bằng khen của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh.

Khoa không ngừng trăn trở về thứ mà anh cho là cái vòng luẩn quẩn khán giả và caster. Một mặt, khán giả Việt Nam chưa biết trân trọng những nội dung mà họ được theo dõi, chưa biết cách giúp đỡ giới caster để họ có thêm đam mê với nghề. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, vẫn còn nhiều người chưa thực sự nghiêm túc với công việc của mình, không coi đó là một nghề nghiệp thực sự.

Anh muốn thị trường eSports nước nhà bớt đi những xung đột, những “drama”, những lần khẩu chiến. Đối với anh việc kèn cựa nhau trên thị trường hoàn toàn không phải là lựa chọn thắng thua, mà chỉ là những con đường một người lựa chọn mà thôi. Cũng cần nhắc lại, không phải con đường nào cũng dẫn tới đỉnh vinh quang.

Anh muốn nhìn thấy những người đồng nghiệp của mình thành công, cũng như chính cái cách anh đã làm để có được ngày hôm nay, đó là bằng chính sức lực của bản thân, không phải từ bất kỳ chiêu trò hở da hở thịt của những cô nàng, hay những scandal để đánh bóng tên tuổi. Anh muốn thấy người Việt có thể sống tốt nhờ vào việc stream game, như QTV đã làm được. Đến lúc ấy, nền thể thao điện tử Việt Nam nói chung và cộng đồng những streamer nói riêng mới thật sự được coi là thành công trong khu vực cũng như trên thế giới.


Niềm vui trong công việc.

Niềm vui trong công việc.

Mặc dù vậy, bản thân Khoa cũng đang đứng trước nhiều ngã rẽ, những thay đổi không sớm thì muộn anh phải chấp nhận. Một thực tế mà chính anh đã nhận ra thông qua giai đoạn phục vụ cộng đồng, người xem: “Hoặc giữ nguyên những bản sắc đã tạo nên thành công, hoặc thay đổi theo đúng xu hướng cộng đồng, chứ đừng bao giờ mơ tưởng tới việc thay đổi tư duy của người xem.”

Và giữa việc giữ lại bản sắc của bản thân, bình luận đầy nhiệt huyết hay đi theo hướng chuyên nghiệp hóa nhưng thiếu đi lửa đam mê, đó chính là thứ mà giờ đây chính Pewpew cùng những người đang sát cánh cùng anh phải đi tìm lời giải đáp.

Trong những bước chuyển của thị trường, vốn không bao giờ nằm yên một chỗ, Pewpew cùng studio của anh đã và đang chuyển sang một hướng khác: Overwatch. Trò chơi vốn chỉ mới xuất hiện từ hồi tháng 05 nhưng đã thu hút nhiều người Việt tới mức những giải đấu đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện. Và để tiếp cận cộng đồng, Pewpew Studio buộc lòng phải thay đổi.

Cùng với đó vẫn là câu chuyện làm vì đam mê hay vì tiền. Khoa tâm niệm, nếu không có tiền thì cũng chẳng thể nào nuôi sống đam mê, và phục vụ tốt được cho cộng đồng. Có lẽ chính những trải nghiệm mà anh từng có kể từ lúc bắt đầu chân ướt chân ráo bước vào làng bình luận game chuyên nghiệp đã cho anh những kinh nghiệm xương máu, giúp cho chính bản thân anh cũng như nhiều đồng nghiệp khác trong ngành.


Khoa tham gia giải đấu CFS 2015.

Khoa tham gia giải đấu CFS 2015.

Thấm thoắt đã hết nguyên một buổi chiều, mà câu chuyện thì chưa muốn kết thúc. Chúng tôi chỉ đành biết chúc Khoa có thêm sức lực để tiếp tục với niềm đam mê của riêng anh, vừa đóng góp một phần để định hình thị trường stream game Việt Nam, vừa giúp xóa nhòa đi cái gọi là định kiến của xã hội với game, thứ từng bị coi là vô bổ, độc hại.

Khoa chia tay chúng tôi, lững thững bước ra cửa taxi để tiếp tục với những tất bật của công việc, với những cuộc hẹn, họp hành không hồi kết. Nhìn theo chàng thanh niên ấy, chúng tôi lại thêm một lần tự hào vì con người Việt Nam. Đâu cần cứ phải bước ra những chân trời mới, những vùng đất xa lạ mới có thể thành công, khi chúng ta hoàn toàn có thể tìm được đỉnh vinh quang ngay trong nước, với điều kiện nắm bắt được thị hiếu của chính những người đồng bào, những người trẻ tuổi cùng chung niềm đam mê game giống mình.