[Chân dung doanh nghiệp] Khai thác Game Online, cổ phiếu VNG đang được mua với giá 542.000 đồng

PV  - Theo Trí Thức Trẻ | 30/05/2016 12:02 PM

Sau 12 năm khởi nghiệp, VNG đang là công ty làm ăn có lãi và đầy ắp tiền với tỷ lệ tiền đang có lên đến 35% tổng tài sản. Mảng Game vẫn là cỗ máy in tiền của VNG.

Khai thác thị trường game online còn sơ khai ở Việt Nam

Được thành lập vào năm 2004 bởi 5 anh chàng mê game với tên gọi là VinaGame, 9 tháng sau, VNG gây chấn động khi ký được hợp đồng đầu tiên với Kingsoft để mang Võ Lâm Truyền Kỳ về Việt Nam, mở đường cho kỷ nguyên game nhập vai tại đây.

VNG nhanh chóng nắm bắt và khai thác tiềm năng của ngành game còn sơ khai của Việt Nam bằng cách phân phối game ngoại, nội địa hóa game với các sản phẩm có dấu ấn ngoài Võ Lâm Truyền Kỳ như Chinh Đồ, Phong Thần, Thuận Thiên Kiếm, Kiếm Tiên, Tinh Võ, Hùng Bá Thiên Hạ, game casual như Zing Speed, Zing Play, Boom Online, Gunny…

Năm 2006, VNG đạt mức doanh thu 17 triệu USD, gấp 6 lần doanh thu năm 2005. Tháng 5/2010, VNG thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, đổi tên VinaGame thành VNG như ngày nay.

Đầu năm 2015 các sản phẩm game online do VNG sản xuất phục vụ 11 triệu người /tháng ở hơn 200 quốc gia trên thế giới.

Ngoài game online, VNG còn được biết đến bởi cổng tin điện tử (zing.vn), dịch vụ nhạc số (zing mp3), mạng xã hội (zing me), thương mại điện tử zing deal (đã bị khai tử nhanh chóng), 123mua.vn (đã được chuyển nhường cho Công ty Sen Đỏ - thành viên của FPT) và các sản phẩm trên nền tảng di động như 123phim.vn, ứng dụng OTT Zalo. Dù vậy game online vẫn là cỗ máy in tiền của VNG.


Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán VNG

Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán VNG

Dù bị lỗ vẫn đầu tư vào thương mại điện tử

Năm 2014, VNG phải bán 123mua.vn cho Sen Đỏ - thành viên của Tập đoàn FPT với cái giá “rẻ như cho”. Bên cạnh đó, VNG cũng bị lỗ từ 123phim.vn…. Tuy nhiên, vào quý I/2016, VNG quay trở lại lĩnh vực thương mại điện tử với khoản đầu tư hơn 384 tỷ đồng để có 38% vốn tại CTCP Tiki – đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử Tiki.vn đang rất sôi động và được tín nhiệm.

Ngay khi thương vụ mua 38% cổ phần Tiki hoàn tất, trong quý I/2016 VNG phải chịu khoản lỗ gần 8 tỷ đồng như phần sụt giảm giá trị đầu tư do Tiki bị lỗ. Điều gì khiến VNG lại tiếp tục “ném tiền” vào lĩnh vực hiếm có công ty có lãi này?

Trước hết, về giá mua, giá cổ phần Tiki trong thương vụ với VNG được tính khoảng 103.441 đồng/cổ phần – có thể xem là mức giá cao với một công ty có kết quả kinh doanh bị lỗ. Nhưng với lĩnh vực công nghệ, hay phát triển kinh doanh trên nền internet giá cổ phần 9 “chấm” hay trên 10 “chấm” là chuyện thường gặp; và với một công ty làm ăn có lãi, giá cổ phần được chào mua có thể lên hơn 50 “chấm”. Điển hình VNG đang thực hiện kế hoạch mua lại cổ phiếu VNG với giá mua dự kiến 542.000 đồng/cổ phần, kéo dài từ năm 2015 đến nay.

Dù lãi hay lỗ, không có bất kỳ đồng xu cổ tức nào thì giá cổ phần của các công ty trong lĩnh vực thương mại điện tử có hoạt động tốt vẫn được đẩy lên cao. Dĩ nhiên, khi VNG quay trở lại đầu tư vào Tiki, hay như đầu tư vào sản phẩm công nghệ Zalo, Zing Me, 123phim.vn nếu xét về khía cạnh kinh doanh, tài chính sẽ rất khó thuyết phục các ông chủ của VNG rót tiền.

Tuy nhiên, khi một công ty có quá nhiều tiền (khoảng 36% tổng tài sản), không vay nợ, thì đây là lĩnh vực để người ta có thể “đẩy tiền ra ngoài” nhằm tránh thuế bao gồm thuế thu nhập và thuế đánh vào sản phẩm, như với trường hợp của VNG có thể là thuế tiêu thụ đặc biệt cho sản phẩm game online. Còn nhớ ở các kỳ họp Quốc hội khóa trước, nghị trường đã rất nóng với đề tài đưa game online vào sản phẩm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.


Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính quý I/2016

Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính quý I/2016

Cuối cùng, Tiki.vn là trang thương mại điện tử thuộc hàng tốt nhất hiện nay trong lĩnh vực của nó. Việc VNG nắm giữ 38% cổ phần của Tiki có thể giúp VNG khai thác lợi thế thương mại mà Tiki đang có cho hoạt động hỗ trợ kinh doanh các sản phẩm của VNG; hay ít nhất là "bàn đạp" để VNG phát triển tiếp ngành thương mại điện tử.

Theo Hồng Quân/BizLive