Dù đã hơn một thập kỷ trôi qua, quán PlayStation 2 vẫn tồn tại,... vẫn vững vàng trước bao nhiêu sóng gió.

Dù đã hơn một thập kỷ trôi qua, quán PS2 vẫn tồn tại,... vẫn vững vàng trước biết bao sóng gió.

ại làng game Việt, song hành với cộng đồng mạnh nhất là những game thủ sở hữu máy tính cá nhân, những chiếc máy chơi game console vẫn có một chỗ đứng vững chãi. Nếu như Nintendo với hai chiếc máy đã gắn liền với tuổi thơ biết bao thế hệ game thủ Việt Nam là NESSNES, hay còn được biết đến với cái tên điện tử 4 nút và điện tử "đĩa mềm" là những công thần khai phá thị trường game Việt Nam những năm đầu hội nhập, thì giờ đây, chúng ta dường như chỉ nhắc đến cái tên đang độc chiếm làng game: Sony.

Dĩ nhiên Sony và PlayStation không phải tên tuổi lớn duy nhất tại thị trường game console nước ta. Dạo quanh những cửa hàng bán thiết bị chơi game, bạn vẫn có thể dễ dàng mua Xbox One, Wii hay 3DS, những sản phẩm nổi đình nổi đám của Microsoft hay Nintendo. Thế nhưng nếu xét về thị phần và mức độ nổi tiếng, thì không có một thương hiệu nào, kể cả những hãng phần cứng máy tính nổi danh bậc nhất có thể sánh được với PlayStation của Sony.

Giờ đây, chúng ta có PlayStation 3, hay mới hơn cả là PlayStation 4, thế nhưng trong tâm khảm những game thủ Việt, PlayStation 2 vẫn có một chỗ đứng vô cùng khó quên với những game tuyệt hay thời đó như Godof War,  Shadow of the ColossusDevilMay Cry,… và quan trọng nhất vẫn là Winning Eleven, hay sau này là Pro Evolution Soccer.

Câu chuyện về một quán PlayStation 2 còn sót lại tại Hà Nội - Ảnh 5.

Mặt tiền quán PS2 - Nơi đưa game thủ trở về với những cỗ máy, tựa game hoài cổ

Có thể bạn không tin, nhưng giờ đây, năm 2016, nghĩa là hơn 13 năm sau khi PlayStation 2 chính thức có mặt tại Việt Nam, vẫn còn đó những quán phục vụ những game thủ hoài cổ, muốn chơi game trên chiếc PS2 cũ kỹ thay vì chuyển sang những chiếc máy mới, hiện đại và đẹp hơn.

Nằm sâu trong con ngõ Cột Cờ nhỏ mà đông đúc trên phố Lê Thanh Nghị, quán PS2 của chị Hương nằm khuất sâu cạnh những phòng máy PS3, PS4 khang trang, biển hiệu to đẹp vươn ra  nhằm thu hút khách đến chơi game. 

Quán đông đúc mà chẳng có những mùi khói thuốc nồng nặc như những căn phòng điều hòa kín như bưng đến khó thở, và đó chính là nơi những chàng trai từng một thuở mê mẩn PS2 tìm lại những thứ xưa cũ khó quên trong từng trận đấu bóng…

Câu chuyện về một quán PlayStation 2 còn sót lại tại Hà Nội - Ảnh 6.

Ngõ nhỏ Cột Cờ - nơi luôn tấp nập những game thủ mê mẩn PES và PlayStation ghé qua

Câu chuyện về một quán PlayStation 2 còn sót lại tại Hà Nội - Ảnh 7.

Từ những năm 2000, PlayStation 2 đổ bộ làng game Việt. Còn nhớ những ngày đầu tiên chiếc máy vuông vức đen nhám thay thế cho cỗ máy xám nhạt ở những quán game, trong lòng anh em chúng tôi, vốn hồi đó mới chỉ học cấp 2 dâng trào một cảm xúc khó tả. Hình ảnh 3D mượt mà đẹp mắt thời những năm 2002, 2003 thôi thúc những con người say mê game ngồi ngay vào ghế, cầm chiếc controller đen lên và khám phá.

Chỉ trong vòng 1 - 2 năm ngắn ngủi, hai cỗ máy PlayStation 1 và 2 đã cùng nhau tồn tại cho tới khi cộng đồng game thủ không còn mặn mà với chiếc máy "ấn nút há mồm nhận đĩa" nữa. Cũng phải thôi. Khi vòng đời của chiếc máy kết thúc, Sony và các hãng cũng ngừng phát triển game mới để tập trung cho đứa con cưng mới hơn, mạnh hơn, có tiềm năng hơn. Người Việt thì chơi mãi những trò cũ cũng chóng chán. Vậy là PS1 được chuyển về những miền quê cũ để tiếp tục vòng đời khai thác và phục vụ những cô cậu nhóc mê game, còn PS2 được đầu tư mạnh mẽ hơn tại các thành phố lớn.

Nhắc đến quá khứ, đôi mắt chị Hương không khỏi sáng bừng lên khi nhớ lại những ngày tháng huy hoàng thời kỳ PS2 còn thống trị. "Hồi mới về ngõ Cột Cờ mở quán, chị là một trong những nhà đầu tiên mua máy này về cho khách chơi. Nhớ nhất lúc đó là khi lắp máy và TV cho khách, mấy ngày liền máy cứ chạy liên tục không nghỉ từ sáng đến nửa đêm. Khi đó đông khách lắm…" - chị Hương bồi hồi kể lại.

Câu chuyện về một quán PlayStation 2 còn sót lại tại Hà Nội - Ảnh 8.

Từ các game thủ còn thanh niên cho tới những người đã trưởng thành, sau những giờ làm việc.... căn phỏng nhỏ trên gác 2 của quán là nơi họ gạt sang những bộn bề của công việc, những lo toan cuộc sống để đắm chìm vào thế giới riêng

Tất cả đều chăm chú vào màn hình, những tiếng cười, những pha vỗ đùi tiếc nuối,... những lời trầm trồ thán phục...

Không phải ai khác, chính bản thân chúng tôi là những người hiểu rõ nhất cảm xúc của chị. Cũng là những người từng trải qua thời kỳ đó, dĩ nhiên dù rằng vị trí của mỗi bên là khác nhau, một đằng là là chủ quán game, bên còn lại là những cậu bé mê game, nhưng kỷ niệm thì không ai thua kém ai, cũng hào hứng và bồi hồi mỗi lần nhớ lại…


Câu chuyện về một quán PlayStation 2 còn sót lại tại Hà Nội - Ảnh 10.

Lạ kỳ một nỗi, hễ nhắc đến PlayStation, game thủ chúng ta chỉ chơi duy nhất một trò, đó chính là Pro Evolution Soccer, hay những phiên bản trước đó được người Việt biết đến với cái tên Winning Eleven.

Dẫu vẫn biết thị hiếu của một cộng đồng không nhỏ game thủ Việt tương đối ngược đời, game nhẹ, game rác và có auto đánh quái thì được ưa chuộng, game bom tấn, đồ họa đẹp thì phần lớn bị ngó lơ,... Thế nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có ai đưa ra được lời giải thích thuyết phục về việc vì sao không chỉ PlayStation, mà cả PES cũng có chỗ đứng vô cùng vững chắc trong lòng người Việt.

Những năm cuối thập niên 90 là thời điểm PlayStation 1 cập bến Việt Nam, đúng thời điểm nước ta đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ cả về kinh tế - xã hội và giải trí. Giới trẻ cũng được tiếp cận với game mới chứ không còn quanh quẩn với SNES (vốn cũng có không ít những game hay đầu những năm 90). Rồi bước ngoặt xảy đến đúng vào kỳ World Cup 1998 được tổ chức tại Pháp, đây cũng là lúc Winning Eleven 3, hay còn được chúng ta gọi với cái tên đầy trìu mến "Bóng Nhật 3" được phát hành vào tháng 5 năm đó.

Trên sóng truyền hình, người Việt dõi theo bước chân của những huyền thoại như Zidane, Ronaldo hay Roberto Baggio ở thời điểm đỉnh cao thi đấu, mặt khác, cảm giác được điều khiển những cầu thủ ngôi sao trong game cũng đem lại một cảm giác khó quên khác. Có lẽ đó chính là những trải nghiệm đầu tiên khiến cho game thủ Việt gắn bó với cả series game bóng đá đến từ Nhật Bản.

 Các thao tác điều khiển thành thục, những pha xử lý ngẫu hứng, điêu luyện... của một nam game thủ đam mê PES

Không có PlayStation, game thủ sẽ không thể biết đến Winning Eleven hay sau này là Pro Evolution Soccer. Và nếu không có PES, thì PlayStation cũng khó lòng có được chỗ đứng vững chắc như ngày hôm nay tại Việt Nam. Chiếc máy console và series game bóng đá dường như là những sinh vật cộng sinh lẫn nhau, tạo ra một cộng đồng hâm mộ dựa trên tình yêu với trái bóng tròn, vốn là thứ tình yêu bất diệt với bất kỳ chàng trai nào.


Câu chuyện về một quán PlayStation 2 còn sót lại tại Hà Nội - Ảnh 12.

Giờ đây, quán game của chị Hương lầm lũi lùi sâu vào bên trong, nhường sự hào nhoáng lại cho những quán game với máy móc mới khang trang và hiện đại hơn. 

Âu đó cũng là quy luật xoay chuyển của tự nhiên, của thị trường. Cái mới luôn luôn xuất hiện để thay thế cho những cái cũ, và thị hiếu con người cũng luôn luôn thay đổi. Ở thời điểm này thậm chí ngay cả hậu bối của PlayStation 2 là PS3 cũng đã dần bị PS4 thay thế... Và khi nhắc tới PS2, hầu hết game thủ 9x đều chỉ lắc đầu trong ngao ngán vì biết tìm ở đâu một nơi còn cho họ chơi những game tuyệt đỉnh một thời.

Câu chuyện về một quán PlayStation 2 còn sót lại tại Hà Nội - Ảnh 13.

Những bộ máy, những chiếc màn hình nơi đây đã từng có nhiều quãng thời gian hoạt động không ngừng nghỉ

Nhưng quán game đó vẫn tồn tại, vẫn ‘trơ gan cùng tuế nguyệt’, vẫn vững vàng trước biết bao sóng gió. Khách hàng thưa thớt dần, vẫn chỉ một vài con người quen thuộc cứ hết giờ làm là lại tìm về đây hòng kiếm cho mình vài tiếng đồng hồ thư giãn giải lao sau những cuồng quay của cuộc sống, của cơm áo gạo tiền, nhưng bản thân chị Hương chẳng vì thế mà nản lòng. Thậm chí chị còn coi đó là điều đáng tự hào vì giờ đây vẫn còn những vị khách ruột không bỏ chị chạy theo những thứ mới mẻ đẹp đẽ đầy rẫy ngoài kia.

Cận cảnh căn phòng trên gác 2 của quán PS2 còn sót lại tại HN

"Ở đây toàn những người có văn hóa đến chơi game em ạ. Chẳng bao giờ có trẻ trâu vào chơi game rồi chửi bới phá phách rồi gây gổ đánh nhau. Cũng chẳng có những gã ngồi lỳ cả mấy ngày liền không tắm rửa rồi hút thuốc phì phèo mất vệ sinh như ngoài quán net… Đấy như anh kia kìa, đi làm về là vào chơi một lát, vợ gọi thì thật thà bảo ‘anh đang chơi điện tử chút nữa về’, vợ cũng chẳng cấm. Có phải cứ chơi game là xấu đâu? Chỉ là ý thức của người ta thế nào thôi em ạ."

Nói là vậy nhưng chị vẫn không thể giấu nổi chúng tôi sự ngậm ngùi vì bản thân nghề kinh doanh phòng game quá bạc. Nếu như những phòng máy PC luôn luôn phải chạy đua nâng cấp cấu hình, những quán PlayStation cũng phải có game mới để giữ khách, những thượng đế khó tính sẵn sàng bỏ cả quán game họ thân quen để đến với quán khác vì họ mới mua đĩa PES bản mới mà quán ruột chưa kịp đầu tư.

Câu chuyện về một quán PlayStation 2 còn sót lại tại Hà Nội - Ảnh 15.

Những cỗ máy đã lấm lem, ố màu suốt chiều dài thời gian hơn một thập kỷ

 

 Liệu có một ngày  những chiếc máy, tay cầm đã phủ dày lớp bụi từ quá khứ cho đến hiện tại này sẽ phải nhường chỗ cho những hệ máy đời cao?

Và rồi khi được hỏi về dự định trong tương lai, khi PS2 chẳng còn một ai thưởng thức nữa, chị Hương vẫn có dự định sẽ mua máy mới, tiếp tục phục vụ cộng đồng game thủ: "Cái mới bao giờ chả thay thế cái cũ, chị cứ làm PS2 đến bao giờ không ai chơi nữa thì thôi, lúc ấy tính tiếp."

Cũng sẽ đến lúc, những cỗ máy nhuốm màu thời gian ở đây sẽ bị thay thế, nhường chỗ cho những console mới, nhưng cho đến thời điểm đó, một khi vẫn còn những người gắn bó với PS2, thì những quán game dù cũ kỹ đến mấy vẫn sẽ không bị đào thải. Còn trong tâm tưởng của những game thủ chúng ta, dù giờ đây game đẹp và hay đến mấy đi chăng nữa, những cỗ máy cũ kỹ nhưng từng khiến game thủ mê đắm vẫn sẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên được trong bước đường chinh phục thế giới ảo muôn màu muôn vẻ.

Mạnh Dũng
Ngô Tùng
Quốc Anh
Theo Trí Thức Trẻ02/12/2016