Hiker Games Studio sau đằng đẵng thời gian trải qua những biến cố, thăng trầm đã chứng minh rằng người Việt có thể tạo ra những sản phẩm game Việt chất lượng đáp ứng nhu cầu của cộng đồng game thủ nước nhà và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Hiker Games Studio sau đằng đẵng thời gian trải qua những biến cố, thăng trầm đã chứng minh rằng người Việt có thể tạo ra những sản phẩm game Việt chất lượng đáp ứng nhu cầu của cộng đồng game thủ nước nhà và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Trong hình dung của nhiều game thủ, khi nhắc tới một sản phẩm game nhiều người vẫn nhầm lẫn đó là sản phẩm được tạo ra bởi một nhà phát hành game, họ cũng ngầm hiểu rằng chính NPH game là nơi tạo ra sản phẩm. Thế nhưng trên thực tế, một NPH thường là nơi vận hành và kinh doanh sản phẩm chứ không phải điểm khởi tạo một sản phẩm game. Một sản phẩm game hoàn chỉnh được tạo ra qua nhiều bước, và quá trình này được thực hiện tại bởi một người, một nhóm phát triển hay một Studio để sáng tạo, sản xuất ra sản phẩm lớn được đầu tư nhiều cả về công sức và thời gian.

Một chiều thu, chúng tôi tìm đến trụ sở Hiker Games Studio, tọa lạc ở tầng cao nhất của tòa nhà nằm gần ngay ngã tư đông đúc của thủ đô Hà Nội – nơi mà ở đó người ta có thể nghe thấy tiếng ồn ã của dòng người trên đường phố, tiếng động cơ và còi xe… Đây là Studio game Việt, nơi đã sản sinh ra nhiều sản phẩm chất lượng được cộng đồng game thủ đánh giá cao như: 75542112 RevolutionĐại Minh ChủMộng Võ LâmLoạn Đấu Võ Lâm,... và Toy Odyssey sản phẩm gần đây đã được đưa ra thị trường quốc tế trên nền tảng Steam & XBOX, sắp tới sẽ có mặt trên cả hệ máy PS4.

                                                 Những sản phẩm tiêu biểu của Hiker Games Studio

Trái ngược với không khí này, khi bước qua cánh cửa kính vào Hiker Games Studio, thứ mà chúng tôi cảm nhận được là không gian im ắng, nơi mà hàng chục con người đang chăm chú với công việc. Chỉ có tiếng lách cách phát ra từ bàn phím, những đôi mắt chăm chú vào màn hình, dường như toàn bộ những con người nơi đây đang nín thở chờ ngày đứa con tiếp theo của họ chính thức được chào đời. Có điều, nơi mà nó sinh ra và lớn lên chính là ở đấu trường quốc tế - Nó mà chúng tôi đang nhắc tới ở đây chính là Toy Odyssey ở thời điểm sắp ra mắt trên Steam & XBOX.

Câu chuyện về “đứa trẻ sơ sinh” trưởng thành và chuyển mình ra thị trường quốc tế - Ảnh 2.

Toàn cảnh trụ sở Hiker Games Studio

Khai sinh từ những "đứa trẻ" chập chững học làm game


Câu chuyện về “đứa trẻ sơ sinh” trưởng thành và chuyển mình ra thị trường quốc tế - Ảnh 3.

CEO Hiker Games Studio - Nguyễn Tuấn Huy

Tiếp chuyện với chúng tôi là ông Nguyễn Tuấn Huy – CEO của Hiker Games Studio. Trái với những suy nghĩ ban đầu, Huy Râu (nickname thân thuộc mà những người trong ngành game vẫn thường dùng khi nhắc tới ông) là một con người với phong thái từ tốn, điềm đạm và dễ gần. Điều này càng khiến câu chuyện về Studio game cũng như hành trình trải qua các "kiếp nạn" mà ông trao đổi cùng chúng tôi dần dần được hé lộ.

Năm 2008, ngẫm nghĩ về việc làm dịch vụ SMS mãi cũng chán, chẳng có động lực gì. Lại thấy lúc này ngành game đang HOT, Huy Râu sau chuyến bách bộ độc hành quanh các con phố ở Hà Nội thì đầu óc bắt đầu "nảy số". Chẳng hiểu thuyết phục ra sao, công ty Emobi đã thông qua quyết định phòng R&D với ý định xây dựng một tựa game FPS lấy bối cảnh lịch sử Điện Biên Phủ với ước mơ sẽ trở thành tựa game FPS hàng đầu Việt Nam. Câu chuyện bắt đầu từ đó!

Mọi người biết đến cái tên Hiker Games Studio (năm 2015) tiền thân với tên gọi Emobi Games trước khi được đổi tên là một công ty con của công ty Emobi được thành lập từ những năm 2009. Có một điều đặc biệt là sau khi đổi tên thì Hiker Games lại chính là tên của Studio ban đầu được thành lập ra để phát triển sản phẩm Toy Odyssey.

Ngày nay studio đã trưởng thành và lớn mạnh với các sản phẩm game Việt gần đây như game mobile Loạn Đấu Võ Lâm, Gleam, và sản phẩm Global: Toy Odyssey trên nền tảng Steam và XBOX. Thế nhưng trước đó hành trình của những con người nơi đây cũng là những chặng đường đầy gian truân, khổ ải. Có những lúc tưởng chừng như đứa trẻ sơ sinh Emobi Games đã phải "chết yểu", ông Nguyễn Tuấn Huy – CEO Hiker Game Studio giãi bày.

Tại sao lại gọi là đứa trẻ sơ sinh? Bởi, khởi đầu thành lập của Emobi Games chỉ với khoảng 5 – 7 nhân sự. Bắt đầu gây dựng với con số "0" tròn trĩnh về kinh nghiệm làm game, không lập trình viên, đồ họa không, thiết kế game lại càng không có, tất cả đều mù mờ… Trong khi đó, với một Studio chuyên về game  thì lập trình viên (lập trình game), thiết kế game (thiết kế nội dung game, thiết kế đồ họa: nhân vật, không gian game), bộ phận Test game - kiểm thử sản phẩm game, nhóm sáng tạo là những vị trí nhân sự mang yếu tố then chốt. Khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng, hẳn rằng mọi kế hoạch, các ý tưởng sáng tạo đều là những chuyến phiêu lưu mạo hiểm – kết quả thành công chỉ là một viễn cảnh tươi đẹp.

CEO - Nguyễn Tuấn Huy giới thiệu về Hiker Games

Đứng trước nghịch cảnh Studio phải giải tán, nhưng rao bán mà chẳng ai mua


Thời gian đầu thành lập, trong 4 năm đầu phát triển Hiker Games tập trung vào mảng PC và gặp phải 2 thất bại liên tiếp ở hai sản phẩm 7554 (lượng đĩa bán ra có thể nhẩm tính được bằng mồm), 2112 Revolution (sập server trong vòng 15’ khai mở).

Để "chiêu hiền, đãi sĩ", trong 4 năm đầu phát triển Hiker Games thường xuyên có những chuyến dã ngoại, nghỉ mát, kickoff – team building hay những dịp sinh nhật kỷ niệm của Studio hết sức hoành tráng như Nha Trang, Lăng Cô, Hạ Long, Thung Nai, Sơn Tinh Camp… Nhưng nếu để ý kỹ sẽ thấy địa điểm tổ chức ngày càng lùi về phía Bắc – đồng nghĩa với gần trụ sở của Studio. Tiết kiệm – đỡ tốn kém là cách lý giải dễ hiểu nhất cho điều này bởi studio ngày càng rơi vào tình cảnh khó khăn.

Sau khi 2 sản phẩm đặt nhiều tâm huyết gặp phải thất bại nặng nề, cũng là khi sự "ảo tưởng sức mạnh" của bản thân bị dội những gáo nước lạnh. Các cổ đông bắt đầu "xoắn", xoắn bởi làm 4 năm trời chưa kiếm ra được đồng lãi nào. Không dưới 1 lần Studio tưởng phải giải thể, đã có nhiều cuộc họp bàn về việc nên bán Studio cho ai nhưng sau đó lại họp tiếp… vì không có ai mua.

Nhìn hình ảnh các nhân sự tại Hiker Games đang chăm chú làm việc ít ai nghĩ rằng trước đây Studio đã nhiều lần đứng trước nguy cơ phải giải thể

Rồi đến lúc tiếng rao bán của Studio cũng đã có người hỏi mua. Thế nhưng phút chót những con người nơi đây lại tiếc, tiếc công sức, và quan trọng nhất là tập thể các nhân sự của Studio vẫn còn niềm tin vào anh em.

Ban lãnh đạo Studio đã phải đi tìm giải pháp để tìm ra con đường sống cho studio. Lúc này dự định của họ là sẽ chọn mảng game mobile với suy nghĩ rằng thị trường game mobile nhỏ hơn, dễ làm hơn, thậm chí là có thể làm nhiều sản phẩm cùng một lúc.

Tuy nhiên, diễn biến của công cuộc phát triển các sản phẩm game mobile cũng không đơn giản như những dự kiến ban đầu. Trải qua sau 4 – 5 sản phẩm thất bại, khi mà toàn bộ ban lãnh đạo cũng như các nhân sự của Hiker Games đều phải gác lại mọi lý tưởng, mọi cuộc phiêu lưu, chắt chiu từng đồng từng hào để nhường chỗ lại cho miếng cơm manh áo, nhường chỗ cho sự sống còn của Studio. Bởi lúc này, ranh giới giữa "sự sống – cái chết" lúc này quá mong manh. Ngay khi đó, Hiker Games đón nhận thành công đầu tiên từ sản phẩm game Đại Minh Chủ. Đối với họ sản phẩm đầu tiên có lãi dường như là một vị cứu tinh khi mọi thứ đều ở trong tình thế nguy cấp.

Tiếp sau Đại Minh Chủ, sản phẩm thành công thứ hai là Mộng Võ Lâm, đây là 2 sản phẩm thành công khi Hiker Games hợp tác với sự vận hành và kinh doanh cùng ông lớn ở mảng game mobile trong nước - NPH SohaGame.

Dựa trên những nền tảng 2 thành công này, Hiker Games đã có được những bước chuyển về mặt phát triển từ việc lo sống sót, tồn tại từng ngày để nghĩ tới những dự án "dài hơi" hơn. Đây cũng là thời điểm mà trong giới làm game và cộng đồng game thủ biết và nhắc tới nhiều hơn về cái tên Hiker Games.

CEO - Nguyễn Tuấn Huy chia sẻ về những khó khăn mà Hiker Games đã phải trải qua

Trưởng thành và bước chân ra thị trường thế giới


Cuối 2015 – đầu 2016, đúng vào lúc các sản phẩm game mobile trong nước đang được Hiker Games phát triển tốt nhất thì ban lãnh đạo công ty một lần nữa đưa ra giải pháp chiến lược phát triển mới. Đó là không chỉ tập trung vào mảng game trong nước mà phát triển song song cả hai mảng game trong nước và game Global (quốc tế).

"Ở đây, điều đặc biệt thay đổi lớn nhất là Hiker Games Studio sẽ dành nhiều thời gian hơn và chú trọng vào việc sáng tạo các sản phẩm" – CEO Nguyễn Tuấn Huy nhấn mạnh.

Chi tiết hơn về Toy Odyssey: Toy Odyssey được Hiker Games bắt tay vào sản xuất từ tháng 01 năm 2014. Đây là một game hành động màn hình ngang, chú trọng đến những trải nghiệm game cổ điển của những thập niên trước. Toy Odyssey cũng được Hiker Games hết sức chăm chút từ các khía cạnh đồ họa, âm nhạc hay cốt truyện. Tác giả cốt chuyện của Toy Odyssey là Kyle G. Holmquist, một người đã từng nhận giải thưởng câu chuyện xuất sắc nhất cho các game Indie ở sự kiện Casual Connect 2014.

Điều đáng chú ý rằng ngay sau khi ra mắt, Toy Odyssey đã nhận được sự quan tâm, cũng như đánh giá rất tích cực từ cộng đồng game thủ trên toàn thế giới. Trên trang Steam của Toy Odyssey, chúng ta dễ dàng bắt gặp những lời nhận xét tích cực, khen ngợi tựa game này. Thậm chí, có tới 89% số bài review về Toy Odyssey là tích cực, trong khi số bình luận khen ngợi như "I love it", hay "I enjoy it" cũng là rất nhiều.

Toy Odyssey được cộng đồng game thủ quốc tế hết lời ngợi khen Toy Odyssey được cộng đồng game thủ quốc tế hết lời ngợi khen

Clip giới thiệu gameplay sản phẩm Toy Odyssey

Câu chuyện về “đứa trẻ sơ sinh” trưởng thành và chuyển mình ra thị trường quốc tế - Ảnh 10.

Ông Nguyễn Tuấn Huy vui sướng chia sẻ trên Facebook cá nhân

Lúc khó khăn - khó khăn chồng chất khó khăn, khi thành công thì thành công lại tới dồn dập. Chỉ trong một tuần chính thức ra mắt Toy Odyssey trên Steam. CEO Hiker Games Studio – ông Nguyễn Tuấn Huy đã không giấu nổi sự vui sướng của mình khi chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: "Một tuần đáng nhớ của Hiker Games! Ra mắt Toy Odyssey trên Steam và Xbox! Eraser được giới thiệu trên Google Indie Corner. Và giờ là Gleam được giới thiệu trên trang nhất Google Play Store ở 24 quốc gia! Chỉ tiếc là không có Việt Nam."

Thêm một tin vui nữa đối với đội ngũ phát triển của Hiker Games Studio là trong tuần vừa qua một sản phẩm mới của họ là Eraser - một game hành động giải đố màn hình ngang, đòi hỏi người chơi phải kết hợp cả tư duy và phản xạ hết sức độc đáo và thú vị. Trong game, nhiệm vụ của game thủ là giải cứu anh chàng họa sỹ thiết kế, thoát khỏi cơn ác mộng về áp lực công việc đã là 1 trong 3 game Việt lọttop đề cử game mobile hay nhất Đông Nam Á 2016. Ba sản phẩm game Việt xuất sắc góp mặt trong số 80 game mobile hay nhất được đề cử tại IMGA SEA 2016 lần này là Eraser (Hiker Games), Anh Hùng Đại Chiến (We are Heroes – JOY Entertainment & SohaGame) và Khu Vườn Trên Mây (Sky Garden – VNG).

Câu chuyện về “đứa trẻ sơ sinh” trưởng thành và chuyển mình ra thị trường quốc tế - Ảnh 11.

3 game Việt lọt Top đề cử game mobile hay nhất Đông Nam Á  tại IMGA SEA 2016 bao gồm: Eraser (Hiker Games), Anh Hùng Đại Chiến (We are Heroes – JOY Entertainment & SohaGame) và Khu Vườn Trên Mây (Sky Garden – VNG)

Có quá nhiều điều để nói, quá nhiều gian truân vất vả cũng như niềm vui sướng, hạnh phúc mà những con người đồng hành cùng Hiker Games Studio phải trải qua. Đối với họ, mỗi người đều có những câu chuyện, những nỗi niềm hay những cung bậc cảm xúc riêng khi trải qua các giai đoạn phát triển cùng studio mà trong khuôn khổ bài viết này khó lòng mô tả hết.

Lời kết


Có thể thấy rằng trong vòng 2 – 3 năm trở lại đây  game Việt đã gây được ảnh hưởng lớn đến cộng đồng game thủ nước nhà và được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn bằng những sản phẩm chất lượng như hiện tượng lạ Flappy Bird, Shark Journey hay còn được biết đến với cái tên thuần Việt - Cá Mập của tác giả Thanh Tú là dự án game mobile Việt Nam đầu tiên nhận được gói tài trợ khởi nghiệp từ Facebook trị giá 40.000 USD (xấp xỉ 1 tỷ đồng).  Hay như các sản phẩm như Đại Minh Chủ, Mộng Võ Lâm, Loạn Đấu Võ Lâm, Toy Odyssey, Eraser, Gleam… Anh Hùng Đại Chiến, Khu Vườn Trên Mây mà chúng tôi nhắc tới kể trên là niềm tự hào của những tổ chức, cá nhân phát triển game nói riêng và của ngành game cũng như cộng đồng game thủ Việt nói chung.

Từ việc phải đi mua game nước ngoài, đến nay chúng ta đã có thể sản xuất ra những tựa game chất lượng không chỉ đáp ứng nhu cầu của cộng đồng game thủ trong nước mà còn "xuất khẩu" ra thị trường quốc tế. Đây cũng là tiền đề để các bạn trẻ ưa khám phá, sáng tạo, nhiều ý tưởng đam mê trong lĩnh vực game và công nghệ đang ấp ủ sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ của mình.

Quốc Anh
Nam Ếch
Quốc Anh
Theo Trí Thức Trẻ28/10/2016