... Câu chuyện về những con người đứng sau tựa game bom tấn Final Fantasy XV chắc chắn sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự nỗ lực, niềm tin cũng như ý chí của người Nhật để vượt qua mọi nghịch cảnh dù khó khăn đến đâu chăng nữa.

   Từ trước đến nay, không ít người trong số chúng ta luôn yêu thích các tựa game tới từ đất nước Hoa Anh Đào, thế nhưng không phải ai cũng biết được đằng sau các sản phẩm tầm cỡ thế giới như Final Fantasy, Dragon Quest, Metal Gear Solid... là mồ hôi công sức của hàng trăm con người mang trong mình tinh thần Nhật Bản. 

------------------------------------

Hajime Tabata

CEO dự án Final Fantasy XV

  • Không mấy ai biết rằng Hajime Tabata - giám đốc điều hành dự án Final Fantasy XV từng mắc phải nhiều sai lầm nghiêm trọng trong những ngày đầu bước chân vào ngành công nghiệp game.

Câu chuyện xảy ra vào thập niên 80 thế kỷ trước, khi ông còn là một nhà thiết kế game trẻ tuổi và vừa gia nhập Tecmo, một công ty phát triển game lớn của Nhật Bản. Chỉ sau vài tuần làm việc, nhóm của Tabata đã bị giám đốc của Tecmo lúc bấy giờ là Yoshihito Kakihara triệu tập và khiển trách.

Nguyên nhân là vì những ý kiến đánh giá về Rygar (tựa game do công ty sản xuất dành cho hệ máy Famicom – tức điện tử 4 nút)  đi theo chiều hướng rất tệ. Nhóm phát triển của Tabata khi đó đã lập trình thiếu sót phần lưu game. Điều này khiến cho khách hàng phải bật máy liên tục (ngay cả những lúc không dùng) để lưu giữ quá trình chơi.

Để giải quyết khủng hoảng này, Tecmo đã tổ chức nhiều cuộc họp báo để xin lỗi khách hàng. Hajime Tabata vẫn nhớ mãi cảnh tượng ban giám đốc và toàn bộ nhóm phát triển Tecmo phải quỳ gối xuống sàn để cầu xin sự tha thứ từ phía các nhà bán lẻ.

Cái quỳ gối xin lỗi và cách mà người Nhật làm game - Ảnh 2.

Cúi đầu hoặc quỳ xuống để xin lỗi là một văn hóa rất phổ biến ở các doanh nghiệp Nhật Bản (Hình ảnh mang tính chất minh họa)

Khi đó Tabata vẫn còn là một sinh viên đại học, công việc tại Tecmo gần như là dự án game đầu tiên trong sự nghiệp mà ông tham gia. Và cái lần quỳ gối xin lỗi trong nhục nhã đó đã ám ảnh ông suốt quãng thời gian 30 năm qua.

Bước vấp ngã và sự khắc nghiệt chính là viên gạch đầu tiên để Tabata xây dựng lên sự nghiệp như ngày hôm nay. Từ một chàng sinh viên chập chững vào nghề, giờ đây Tabata đã giám đốc của Final Fantasy XV, một dự án phát triển game có số vốn đầu từ lên đến hàng chục triệu bảng Anh, đồng thời là một trong những game bom tấn được cả thế giới trông đợi năm 2016.

Cái quỳ gối xin lỗi và cách mà người Nhật làm game - Ảnh 3.

Thế nhưng không ai ngờ, vào tháng 8 vừa qua, sau gần 30 năm kể từ sự cố với tựa game Rygar, Tabata lại một lần nữa phải cúi đầu xin lỗi trước "bàn dân thiên hạ". Lần này là vì việc trì hoãn ngày ra mắt của Final Fantasy XV. Sự chậm trễ này thực sự đã chọc giận người hâm mộ, nhất là với những "fan cuồng" đang đếm từng ngày để sờ tận tay siêu phẩm.

Đối với Tabata, thay vì chìm trong khủng khoảng thì ông coi sự cố ấy là mặt trái không thể tránh khỏi của ngành công nghiệp game, và sẽ không để nó đánh bại mình lần thứ 2.

Một tháng sau ngày nhóm sản xuất của Final Fantasy XV (FF XV) đưa ra lời xin lỗi, tôi ghé thăm văn phòng của Tabata tại Square Enix. Bao trùm trong văn phòng của nhóm phát triển là một bầu không khí gấp gáp, tựa như một cuộc thi marathon thực sự. Sự mệt mỏi hằn lên trên gương mặt của tất cả nhân viên. Mặc dù vậy, tất cả đều đang nỗ lực hết mình, họ hiểu rằng vạch đích đang ở rất gần phía trước.

Cái quỳ gối xin lỗi và cách mà người Nhật làm game - Ảnh 4.

"Thực hiện một tựa game bom tấn thực sự rất áp lực" Tabata nói. "Tôi cảm thấy ghen tị với các nhà phát triển độc lập. Lúc đầu, tôi có một mong muốn tạo ra một cái gì đó với quy mô nhỏ. Nhưng rốt cuộc nó không có tính khả thi và tôi cũng không được phép làm vậy"

"Khi bạn đã bỏ một lượng thời gian lớn để gắn bó với một dự án như thế này, áp lực buộc phải hoàn thành nó là vô cùng khủng khiếp", Tomohiro Hasegawa - giám đốc nghệ thuật, người đã theo sát dự án FF XV từ những ngày đầu, chia sẻ. "Sau khi đã đưa ra lời xin lỗi vì sự chậm chễ làm thay đổi kế hoạch của những nhà bán lẻ, chúng tôi thực sự rất quý trọng những thời gian bổ sung như thế này."

Cả căn phòng này không lúc nào tắt đèn, bất chấp là ngày hay đêm. Trong giai đoạn chạy đua nước rút của dự án, sự vô tận tưởng chừng như kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Ở đây, các nhân viên phụ trách tìm và sửa lỗi đang kiểm tra mọi ngóc nghách của trò chơi. Họ chọn ngẫu nhiên một phần chơi hoặc bất kỳ centimet vuông nào trên bản đồ ảo để kiểm tra.

"Mọi chi tiết trong game đều phải được kiểm tra nhiều lần để đảm bảo không xuất hiện bất cứ lỗi lầm nào ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách hàng"

Tomohiro cho biết thêm


Ở một góc khác, xuất hiện một mô hình bản đồ của thế giới FF XV. Nó khá chi tiết với đầy đủ vị chí hiển thị của các thành phố, núi non, sông hồ, địa hình… Trong một khung màu đen được treo trên tường, một con rết nhiều chân được ép khô. Theo chia sẻ của nhóm phát triển, mô hình kỳ lạ này là cảm hứng để họ tạo ra những con quái vật trong game.

Cái quỳ gối xin lỗi và cách mà người Nhật làm game - Ảnh 6.

Mô hình bản đồ thực tế của thế giới Final Fantasy 15. "Nó đã phải thay đổi rất nhiều trong nhiều tháng" Kenichi Shida chia sẻ

Giống như mọi tựa game được kỳ vọng khác, FF XV được phát triển trong một thời gian rất dài. Nó là một chuỗi những đêm không ngủ của tác giả kịch bản, là hàng nghìn giờ đồng hồ test miệt mài của đội ngũ phát triển, là một nỗ lực vô tận và là tình yêu cháy bỏng không ngừng nghỉ của cả nhóm sản xuất.

Với văn hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản, việc công bố lộ trình phát triển một sản phẩm là điều hiếm hoi, FF XV cũng không ngoại lệ. "Chúng tôi chưa sẵn sàng để nói về điều đó. Đó là triết lý của chúng tôi", giám đốc nghệ thuật Hasegawa phân trần.

Nhóm phát triển từ chối tiết lộ câu chuyện về những gì đã xảy ra với Final Fantasy Versus 13, tên gọi gốc của dự án trước khi chuyển thành Final Fantasy XV vào năm 2012. Tuy nhiên, qua câu chuyện với một nhân viên kỳ cựu của Square Enix đã hé lộ được một vài manh mối.

Vào năm 2001, sau thất bại của bộ phim Final Fantasy The Spirits Within (lỗ 94 triệu USD), đạo diễn của bộ phim - một trong những người sáng tạo ra thế giới Final Fantasy, ông Hironobu Sakaguchi đã bị sa thải khỏi công ty. Hệ lụy của việc này là một loạt nhân sự cấp cao thân thuộc của Sakaguchi cũng dứt áo ra đi.

Tetsuya Nomura, một nhà thiết kế nhân vật nổi tiểng của Square Enix được thăng lên vào vai trò giám đốc các dự án của Final Fantasy. Nomura chính là người đầu tiên đề xuất kịch bản cho Final Fantasy Versus 13. Tuy nhiên, nhóm phát triển do Nomura đứng đầu vẫn chưa tìm được lối đi đột phá. Tại sự kiện Tokyo Game Show 2013, Final Fantasy Versus 13 chìm nghỉm trước hàng loạt đối thủ cạnh tranh khác. Điều này dẫn đến việc Nomura phải rời khỏi dự án.

Cái quỳ gối xin lỗi và cách mà người Nhật làm game - Ảnh 7.

Hajime Tabata, người thuyền trưởng đang chèo lái con tàu Final Fantasy XV

Lúc này, một gương mặt mới đã được Square Enix tin tưởng. Đó chính là Hajime Tabata. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc của dự án Final Fantasy XV, Tabata là cái tên chưa nhiều người biết đến. Điều này đã khiến cho vị trí của ông tại dự án bị hoài nghi và vô cùng chông chênh. Ở thời điểm đó, đây được xem là một quyết định gây tranh cãi của Square Enix.

Nếu như việc bổ nhiệm Tabata đã là một nước đi mạo hiểm của Square thì phương thức làm việc của vị tân giám đốc này còn "điên rồ" hơn gấp bội. Tái cấu trúc lại toàn bộ, đó chính là cách mà vị thuyền trưởng mới xây dựng lại con tàu của riêng mình.

"Theo một nghĩa nào đó, toàn bộ nhân lực của dự án đã được tái cấu trúc. Tabata đã tạo ra một môi trường hoàn toàn bằng phẳng, nơi mọi người sẽ bắt đầu lại từ đầu. Tất cả đều được tự do phát triển những gì họ muốn".

Một nhà thiết kế game kỳ cựu trong nhóm phát triển cho biết

Sự mạo hiểm này là một điều không thường thấy ở các công ty lớn của Nhật bản. Tuy nhiên, đây lại là tính cách của Tabata. Có một câu chuyện kể rằng trong thời gian phỏng vấn xin việc tại Tecmo, khi được hỏi sẽ làm gì để giúp ích cho công ty, Tabata đã không sử dụng những câu trả lời rập khuôn, sáo rỗng như kiểu ham học hỏi, chăm chỉ, cầu tiến… Thay vào đó, ông trả lời rằng mình rất giỏi trong việc "mát xa" (massages - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Không ngờ chỉ vài ngày sau đó, Tabata được nhận vào Tecmo.

Sự cởi mở, sáng tạo và mạo hiểm chính là đặc điểm đã ăn sâu vào máu của Tabata. Một vài ngày sau khi được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc, ông triệu tập một cuộc họp gấp tại Tokyo dành cho các leaders của dự án. Ở đó, ông nói với nhân viên của mình rằng họ sẽ không được phép rời căn phòng này cho đến khi đồng thuận được một danh sách những nguyên tắc vàng. Một nhóm phát triển mới đã được thành lập, họ hoạt động trên một triết lý mang tên "Tabata".

Cái quỳ gối xin lỗi và cách mà người Nhật làm game - Ảnh 9.

Ngay sau khi được bổ nhiệm, việc đầu tiên của Tabata thực hiện là cải tổ lại bộ máy nhân sự. Bằng phương pháp riêng của mình, ông đã xây dựng được một đội ngũ hùng hậu và vô cùng gắn kết

1 - Đừng kìm hãm công việc của người khác

2 - Nhận ra giá trị cốt lõi của người khác. Hoan nghênh tất cả những ý tưởng

3 - Thực hiện mục tiêu rõ ràng, chia sẻ thông tin minh bạch

4 - Nói chuyện một cách cởi mở và trung thực với tất cả mọi người

5 - Luôn luôn làm nhiều hơn những gì mà bạn được giao

6 - Trân trọng sức khỏe và hạnh phúc của bạn cũng như những người thân bên cạnh

Bên cạnh ly cafe trong một buổi chiều mưa dầm tại Tokyo vào tháng 9, Iwata đưa cho tôi xem một tấm giấy nhỏ với vẻ ngoài như một chiếc thẻ ATM. Trên đó in toàn bộ 6 nguyên tắc làm việc bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật đã được Tabata và các cộng sự của ông thống nhất ở buổi đầu sơ khai của dự án FF XV.

Theo giám đốc nghệ thuật Hasegawa, những nguyên tắc này đã thay đổi hoàn toàn thái độ làm việc của cả nhóm phát triển. "Đột nhiên chúng tôi có cảm giác rằng chúng tôi giống như những chú ngựa ô hay những người chinh phục. Chúng tôi được phép tìm hiểu nhiều hơn về công nghệ, về việc thiết kế thế giới mở, về việc học hỏi làm thế nào để mở rộng sức hấp dẫn của trò chơi ra ngoài những khuôn khổ sẵn có".

Bằng cách này, Tabata đã thay đổi bầu không khí trong phòng làm việc từ một nơi ngột ngạt, gò bó trở thành một không gian sáng tạo không giới hạn. "Chúng tôi đã trở thành một cái gì đó tương tự với một lực lượng đặc nhiệm", nhà thiết kế game Kenichi Shida giải thích. "Bạn có thể là leader của một nhóm nhỏ. Sau đó một vài ngày sau, bạn muốn tham gia vào một nhóm khác với vị trí một nhân viên bình thường. Chúng tôi đang liên tục xoay vòng. Các sắp xếp này mang lại một kết quả tuyệt vời. Như những chuyển động vật lý, nó giúp bạn bứt ra khỏi những ý nghĩ bảo thủ".

Tabata không phải là một người lãnh đạo hoàn hảo, ông ấy cũng có những điểm yếu riêng. Ví dụ như việc bị chi phối khá nhiều bởi cảm xúc. Một nữ họa sĩ thiết kế kể rằng nếu Tabata có tâm trạng xấu, ngày làm việc của cô ấy sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, niềm tin và những suy nghĩ đột phá của ông luôn là một nguồn sức mạnh đặc biệt tạo nhiều cảm hứng cho những người xung quanh.

Cái quỳ gối xin lỗi và cách mà người Nhật làm game - Ảnh 11.

Nếu FF 15 khẳng định được chỗ đứng của mình trong long người hâm mộ, Hajime Tabata chính là cái tên đầu tiên mà chúng ta cần nói lời cảm ơn

Tabata chia sẻ: "Tôi đặt tất cả hy vọng vào yếu tố con người. Điều này xuất phát từ nhận thức rằng tôi sẽ không bao giờ hoàn thành công việc nếu chỉ có một mình. Những gì tôi có thể làm là cố gắng để tạo ra một môi trưởng tuyệt vời, nơi những người có bất kỳ kỹ năng nào cũng có thể tỏa sáng. Tôi thích giúp người khác tìm ra và phát huy tối đã ưu điểm của họ. Tôi hy vọng rằng tôi là một người lãnh đạo tốt. Và tôi cùng hy vọng rằng khi bạn hỏi những cộng sự của tôi, họ cũng trả lời như vậy."

Tính cách và tư duy của Tabata được gieo trồng ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường học tại quê nhà Sendai, miền bắc Nhật Bản. Ông rất thích thể thao, thậm chí ông còn từng là một vận động viên điền kinh nhanh nhất trong tường học của mình. Tài năng này khiến ông được cử đi tham dự một giải đấu khu vực. Tại đây, dù đã rất cố gắng những Tabata vẫn bại trận.

"Đó là câu chuyện của tôi", Tabata nói. "Luôn luôn có những người tốt hơn so với bạn. Bạn có thể không bao giờ được đứng trên đỉnh cao. Hoặc thậm chí nếu bạn làm được điều đó, sẽ luôn có một ai đó sẽ vượt qua bạn trong tương lai". Nếu Tabata không thể chiến thắng như một cá nhân, ông đã quyết định rằng sẽ tạo ra một tập thể vững mạnh. "Tôi muốn tạo ra một tập thể chiến thắng", Tabata nói.

Trong khi phần lớn các thách thức về mặt nhân sự đã được Tabata giải quyết, một vấn đề lớn khác mà FF XV phải đối mặt đó chính là làm sao để "tự làm mới mình". Dòng game này đã đi qua rất nhiều phiên bản, mỗi phiên bản mới, điều đầu tiên người hâm mộ muốn biết là thế giới FF có gì mới, nhân vật nào mới xuất hiện, hệ thống chiến đấu ra sao, tương tác vật lý cải tiến ra sao…

Cái quỳ gối xin lỗi và cách mà người Nhật làm game - Ảnh 12.

Ít tai biết rằng Tabata đã lấy cảm hứng cho FF 15 từ một chuyến đi tới Bảo tàng Anh. "Tôi đã ngạc nhiên bởi thiết kế của các đồ trang sức của Nữ hoàng Elizabeth, "ông nói. "Thực tế những món đồ này phong phú hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng."

Gameplay màn chiến Boss Titan trong Final Fantasy XV

Việc tạo ra những yếu tố mới sẽ giúp ngăn chặn sự nhàm chán của người chơi. Đây chính là một yếu tố sống còn, một thách thức không hề nhỏ với đội ngũ phát triển. "Mỗi khách hàng đều muốn chơi một trò chơi giúp họ sống lại sự phấn khích trong quá khứ, nhưng ngoài các giá trị cốt lõi thì vẫn phải có những cái mới", Tabata chia sẻ.

Bây giờ, một vài tuần trước khi trò chơi ra mắt, Koichi Ishii - một trong những người tạo ra Final Fantasy phiên bản gốc liên hệ với Tabata để động viên ông và toàn nhóm phát triển. Đây là một sự chuyển biến rất lớn, vì không phải ai cũng biết khi FF XV mới được công bố, chính Koichi Ishii đã không tiếc lời mắng mỏ Tabata vì không hài lòng với những thay đổi của trò chơi.

"Koichi nói rằng nó rất tốt, ông ấy khen chúng tôi vì tìm ra được cách làm mới cho series Final Fantasy nhưng vẫn giữ lại được những bản chất cốt lõi. Khi nghe ông ấy nói vậy… Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc", Tabata cười trong nước mắt.


Khánh Cường
Quốc Anh
Theo Trí Thức Trẻ22/11/2016