Các truyền thuyết nổi tiếng đã được khoa học giải thích: Tàu "Người Hà Lan bay" không hề có thật?

DS  - Theo Trí Thức Trẻ | 16/07/2022 03:02 PM

Tàu ma “Người Hà Lan bay” hay chiếc sọ pha lê đều là những bí ẩn gây ra nhiều tranh cãi từ xưa đến nay. Thế nhưng, thực tế, các nhà khoa học đã có lời giải thích hoàn hảo cho các hiện tượng này.

Con người luôn thích quan sát thế giới xung quanh và cố gắng tìm hiểu các sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, khi bắt gặp một điều gì đó khó lý giải, người ta thường gán ghép nó với những yếu tố tâm linh hoặc truyền thuyết. Ở mỗi thời đại, những sự kiện như vậy đều tồn tại và cho đến nay, các nhà khoa học đã giải quyết được phần nào các bí ẩn này.

1. Con tàu ma "Người Hà Lan Bay" chỉ là ảo giác?

Trên thực tế, kể từ khi thuyền buồm lần đầu tiên được phát minh, các thủy thủ đã báo cáo rằng họ nhìn thấy những vật thể trôi nổi bí ẩn ở đường chân trời. Nổi tiếng nhất trong số này là "Người Hà Lan Bay", từ những năm 1600 đến thế kỷ 20, đã có rất nhiều nhân chứng khẳng định từng nhìn thấy những con tàu ma.

Họ đều miêu tả con thuyền ma quái xuất hiện ngay phía trên đường chân trời, dường như được thắp sáng bởi một loại ánh sáng kỳ lạ, nó thường xuất hiện trong cơn bão. Các thủy thủ đưa ra giả thuyết rằng con tàu ma này là một tàu buôn đã gặp nạn của Hà Lan, nó thường xuất hiện trước các thủy thủ để báo điềm xấu. Có rất nhiều bài thơ hoặc ca khúc lấy cảm hứng từ truyền thuyết này.

Các truyền thuyết nổi tiếng đã được khoa học giải thích: Tàu Người Hà Lan bay không hề có thật? - Ảnh 1.

Năm 1643, một nhân chứng khẳng định ông ta đã nhìn thấy một thành phố nổi trên eo biển Messina, ngay phía trên đường chân trời. Năm 1810, các nhà vẽ bản đồ cũng thông báo đã nhìn thấy một khối đất nổi giữa quần đảo New Siberia.

Các nhà khoa học hiện nay xem những truyền thuyết này là ví dụ điển hình cho hiện tượng ảo quang học thường được gọi với cái tên "Fata Morgana". Hiện tượng xảy ra trên bề mặt đại dương, nước giữ cho không khí tương đối mát mẻ. Bên trên lớp không khí mát mẻ đó là một lớp không khí khác ấm áp hơn. Sự chênh lệch về nhiệt độ này tạo ra các lớp khí quyển có mật độ khác nhau. Khi ánh sáng đi qua chúng, tạo ra hiện tượng khúc xạ hoặc uốn cong. Mắt người được cho là nhìn theo đường thẳng, vì vậy, từ khoảng cách xa, hiện tượng khúc xạ có thể làm cho một vật thể trên mặt nước trông như thể đang lơ lửng giữa không trung.

Tuy nhiên, dù cách lý giải dựa trên hiện tượng ảo ảnh Fata Morgana rất hợp lý thì đa số vẫn tin vào những cách lý giải bí ẩn hơn. Năm 2015, người dân ở Phật Sơn và Giang Tây, Trung Quốc cho biết họ đã nhìn thấy một thành phố lơ lửng trên bầu trời. Tất nhiên, đây một lần nữa là ảo giác mà thôi.

2. Hộp sọ pha lê không phải là sản phẩm của văn minh cổ đại

Những chiếc hộp sọ pha lê từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim phiêu lưu của Hollywood như Indiana Jones,. Cổ vật này được cho là được các nền văn minh Mesoamerica tiền Colombo như Aztec, Maya, Toltec và Olmecs chế tác từ thạch anh.

Lần đầu tiên chúng thu hút sự quan tâm của những người yêu thích cổ vật trên toàn thế giới là vào cuối thế kỷ 19, khi một người Pháp chuyên sưu tầm cổ vật ở thành phố Mexico, ông Eugène Boban, tuyên bố đã phát hiện ra những hộp sọ pha lê của người Aztec và bán chúng cho cho một nhà sưu tầm khác.

Những chiếc hộp sọ pha lê này đã trở thành món đồ gây hiếu kỳ. Một số người tin rằng hộp sọ có khả năng chữa bệnh hoặc mang lại cho chủ sở hữu khả năng tâm linh. Những người khác tin rằng chúng có liên quan đến thành phố đã mất Atlantis, và những người khác tin rằng chúng có nguồn gốc ngoài Trái Đất.

Các truyền thuyết nổi tiếng đã được khoa học giải thích: Tàu Người Hà Lan bay không hề có thật? - Ảnh 2.

Cho đến nay các hộp sọ vẫn được lưu giữ ở bảo tàng Anh, vì vậy các khảo cổ học hiện đại đã có cơ hội nghiên cứu kỹ càng hơn về nó. Liệu có phải tất cả đều là sản phẩm của thổ dân châu Mỹ? Câu trả lời là không.

Bằng cách sử dụng kính hiển vi điện tử, các nhà nghiên cứu cho biết kỹ thuật chế tác hộp sọ được thực hiện bằng các thiết bị kim loại ở thế kỷ 19, chứ không phải các loại công cụ bằng đá, gỗ hoặc xương mà các nền văn minh Mesoamerica có thể tiếp cận. Vào cuối thế kỷ 19, người châu Âu đặc biệt quan tâm đến các nền văn minh ở châu Mỹ. Vì vậy, có khả năng những chiếc hộp sọ này được ngụy tạo để phục vụ thị hiếu khách hàng thời bấy giờ.

3. Người tuyết Yeti có thể chỉ là một loài gấu quý hiếm

Trong hàng nghìn năm, người dân bản địa lẫn các du khách đã tin rằng dãy núi Himalaya là nơi sinh sống của một sinh vật bí ẩn đi bằng hai chân, giống hệt như con người được gọi là Yeti. Những câu chuyện về người Yeti bắt nguồn từ nền văn hóa Lepcha ở Bhutan và Nepal ngày nay, chúng vẫn còn được lưu truyền cho đến tận thời hiện đại. Tuy nhiên, không có một bằng chứng cụ thể nào về sự tồn tại của Yeti, ngoài những vết chân hoặc lời khai đáng ngờ từ các nhân chứng.

Các truyền thuyết nổi tiếng đã được khoa học giải thích: Tàu Người Hà Lan bay không hề có thật? - Ảnh 3.

Năm 2016, một đoàn làm phim tài liệu đã thu thập một số mẫu "Yeti" và yêu cầu các nhà sinh vật học tại Đại học Buffalo kiểm tra. Nhóm nghiên cứu đã phân tích các mẫu tóc, xương, da và phân được cho là của Yeti. Phân tích DNA cho thấy các mẫu phần lớn đều là từ gấu nâu Himalaya hoặc gấu đen.

https://gamek.vn/cac-truyen-thuyet-noi-tieng-da-duoc-khoa-hoc-giai-thich-tau-nguoi-ha-lan-bay-khong-he-co-that-20220716132157815.chn