Các loại máy tính 'trạm' vài trăm triệu chơi game liệu có ngon?

Kimtrans  - Theo Helino | 21/05/2018 12:00 PM

Chắc chắn nhiều người đã từng nghe tới các bộ máy tính 'trạm' khủng có giá tới vài trăm triệu đồng với cấu hình rất mạnh, nhưng liệu có tối ưu để chơi game?

Các máy tính trạm với phần cứng mạnh hơn và tiên tiến hơn rất nhiều so với những gì được yêu cầu cho một PC chơi game thông thường, tất nhiên cũng đắt hơn rất nhiều. Thế nhưng, liệu máy trạm có hiệu quả không khi dùng để chơi game?.

Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về các thông tin về máy trạm, đối tượng sử dụng và sự khác nhau so với máy tính chơi game.

Máy trạm là gì?

Thuật ngữ "máy trạm" dùng để chỉ một máy tính được thiết kế đặc biệt nhằm phù hợp với các mục đích khác nhau của các chuyên gia, có thể là các nhà khoa học, kỹ sư, kiến trúc sư, nhà thiết kế đồ họa, v.v.

Tùy theo nhu cầu khác nhau mà máy trạm sẽ có những thay đổi liên quan đến thông số kỹ thuật. Tuy nhiên, các máy trạm sẽ đều có điểm chung là một CPU mạnh mẽ và dung lượng RAM lớn hơn mức trung bình.

Hơn nữa, các máy trạm được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ làm việc khắt khe nên đòi hỏi các thành phần được thiết kế chuyên biệt để mang lại hiệu suất cao và có thể hoạt động liên tục trong một thời gian dài.

Máy trạm và Máy tính chơi game: Sự khác biệt giữa một máy chơi game và máy trạm chính là ở các thành phần linh kiện.

CPU

Như đã đề cập ở trên, các máy trạm luôn được trang bị một CPU rất mạnh để có thể xử lý các nhiệm vụ tính toán phức tạp mà chúng chắc chắn sẽ phải đối mặt. Các CPU thường được dùng trong một máy trạm có thể gồm:

• Intel Core i7 hoặc AMD Ryzen 7 - Các CPU cơ bản nhất được tìm thấy trong các máy trạm ở mức giá rẻ và tầm trung.

• Intel Core i9 hoặc AMD Ryzen Threadripper - Đây là những CPU máy trạm phổ biến nhất rất hợp lý về giá cả và hiệu suất cho phần lớn người dùng máy trạm.

• Intel Xeon hoặc AMD EPYC - Được dành riêng cho các máy trạm mạnh nhất, các CPU này được sản xuất chủ yếu để được sử dụng trong các máy chủ (server) và tính toán đa nhiệm và phải xử lý khối lượng dữ liệu lớn.

Như đã biết, bộ vi xử lý Intel Core i7 và Ryzen 7 là bộ vi xử lý mạnh nhất thường được sử dụng trong PC chơi game, với những vộ vi xử lý mạnh hơn chỉ đơn giản là quá mức cần thiết. Nhưng có thể thấy, đi xa hơn nhiều, máy trạm tận dụng triệt để các CPU mạnh hơn rất nhiều mà thường không bao giờ được sử dụng để chơi game.

GPU

GPU là thành phần quan trọng nhất trong PC chơi game. Và với máy trạm thì GPU cũng là một thành phần không thể tách rời nếu máy trạm này được sử dụng cho các tác vụ đồ họa nặng như chỉnh sửa ảnh, chỉnh sửa video, tạo mô hình 3D, v.v.

Đối với các máy trạm cho các tác vụ trên thì thường sử dụng các thương hiệu GPU:

• Nvidia GeForce hoặc AMD Radeon RX - Nếu bạn là một game thù thì đây là những cái tên mà bạn chắc chắn đã quá quen thuộc. Card đồ họa GeForce và Radeon cao cấp thường được sử dụng bởi một số máy trạm, đôi khi có thể được thiết lập cấu hình nhiều GPU.

• Nvidia Quadro hoặc AMD RadeonPro - Đây là những GPU máy trạm thuần túy. Chúng khác với GPU chơi game ở chỗ chúng có số lượng bộ nhớ video lớn hơn, băng thông bộ nhớ cao hơn và sức mạnh xử lý tổng thể cao hơn. Hơn nữa, chúng được tối ưu hóa chuyên biệt cho các phần mềm đòi hỏi khả năng xử lý GPU cao, không phài dành cho chơi game.

RAM

Người dùng thường đánh giá quá cao lượng RAM được yêu cầu bởi PC chơi game. Một máy tính chơi game sẽ hoạt động tốt với ít nhất là 8 GB RAM, và thậm chí 16 GB nhưng thường là hơi quá mức cần thiết.

Mặc khác, với máy trạm sẽ cần một lượng RAM khổng lồ hơn nhiều so với PC chơi game. Hầu hết các máy trạm thường yêu cầu ít nhất 32 GB hoặc 64 GB RAM. Và đối với những người thực sự có nhu cầu cao cấp thì có thể trang bị 128 GB hoặc thậm chí 256 GB RAM.

Hơn thế nữa, các máy trạm cũng thường sử dụng loại bộ nhớ RAM ECC để giúp cải thiện sự ổn định của hệ thống/chương trình và ngăn ngừa việc hỏng dữ liệu.

Bộ nhớ lưu trữ

Các máy trạm hiện đại ưu tiên sử dụng ổ SSD như một phương tiện lưu trữ thông tin chính do tốc độ cao hơn so với HDD. Và các ổ HDD với dung lượng bộ nhớ lớn vài terabyte cũng được sử dùng kèm thêm do máy trạm thường phải lưu trữ một lượng lớn dữ liệu.

Có thể thấy máy trạm và máy tính chơi game không khác biệt nhiều về bộ nhớ lưu trữ, chỉ có khác biệt là một máy trạm hầu như chắc chắn sẽ sử dụng ổ cứng dung lượng cao hơn.

Bo mạch chủ

Không có nhiều khác biệt về một bo mạch chủ máy trạm ngoài thực tế là nó có thể sử dụng một socket và chipset đặc biệt được thiết kế cho các CPU mạnh hơn dùng trong máy trạm được liệt kê ở trên. Tuy nhiên, một số người dùng có thể lựa chọn các bo mạch chủ có thêm các khe cắm RAM và/hoặc PCIe dựa trên các yêu cầu của họ. Ngoài ra còn có bo mạch chủ dual-CPU cũng khá phổ biến trong số các máy chủ.

Máy trạm chơi game có tốt không?

Qua các thông tin trên, có thể như các máy trạm gần như vượt trội so với các máy tính chơi game. Có thể nói rằng bất kỳ máy trạm nào cũng sẽ hoạt động tốt như một máy tính chơi game cao cấp, nhưng điều đó phụ thuộc chủ yếu vào GPU. Nếu được trang một card đồ họa Quadro hoặc RadeonPro cao cấp thì máy trạm hoàn toàn trở thành một máy tính chơi game cao cấp một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu là một cấu hình máy trạm giá cả phải chăng với VRAM giới hạn thì có thể không hoạt động tốt khi chơi game.

Cũng cần lưu ý rằng những loại card đồ họa này không được tối ưu hóa cho game như đối với nhiều phần mềm chuyên nghiệp (ví dụ CAD Autodesk), một số thứ có thể ảnh hưởng bất lợi đến hiệu suất trong game, mặc dù không đáng kể.

Nhưng có thể sử dụng PC chơi game làm máy trạm không?

Một lần nữa, tất cả phụ thuộc vào thông số kỹ thuật và liệu bạn sẽ chấp nhận thời gian xử lý. Về bản chất, nếu một PC có thể chạy một phần mềm nào đó, thì bạn có thể sử dụng nó như một máy trạm. Tuy nhiên, do hạn chế về phần cứng, máy tính chơi game có thể mất nhiều thời gian hơn để xử lý và/hoặc hiển thị mọi thứ cần thiết, so với một máy trạm thích hợp.