Bên trong trung tâm cai nghiện Internet ở Trung Quốc

Bảo Nam  Trí Thức Trẻ | 29/06/2019 11:05 AM

"Hầu hết họ đều cố gắng trốn chạy và ban đầu đều là những người rất bất chấp và kiêu ngạo", Tao nói. "Nhưng kết quả đã trở nên khả quan sau nhiều tháng điều trị cai nghiện".

Li Jiazhuo, 14 tuổi, bị trói chân bởi hai người đàn ông vạm vỡ tự nhận là quan chức của Phòng Giáo dục trong một buổi chiều hồi tháng 5, để điều tra việc trốn học ở trường. Trên thực tế, họ không đến từ Phòng Giáo dục mà là những thành viên của một trung tâm cai nghiện Internet do một cựu đại tá quân đội điều hành.

Họ đã kéo cậu bé ra khỏi máy tính theo lệnh của mẹ cậu, người đã chứng kiến ​​con trai bỏ bữa và quên ngủ để chơi game trực tuyến trong suốt 20 giờ mỗi ngày, trong nhiều tuần. Các tựa game yêu thích của Li là Liên minh huyền thoại và Liên quân Mobile, cả hai đều thuộc sở hữu của Tencent, gã khổng lồ internet Trung Quốc đứng sau ứng dụng nhắn tin WeChat.

"Nó đã tự tách biệt mình ra khỏi thế giới thực", Qiu Cuo, mẹ của Li vừa khóc vừa kể lại mọi việc trong buổi chiều hôm đó. "Chúng tôi không dám cắt mạng Internet vì sợ nó sẽ tự làm tổn thương bản thân".

Li là một trong khoảng 100 thanh thiếu niên, bao gồm cả trai lẫn gái ở trung tâm có tên Cơ sở phát triển tâm lý vị thành niên. Trung tâm này gồm nhiều tòa nhà, nằm ở vị trí cách khoảng 30 km tính từ trung tâm thành phố Bắc Kinh.

Tất cả tới đây một cách ép buộc, bởi bố mẹ và người giám hộ, để thực hiện quá trình điều trị nghiện Internet, đã được phân loại ở Trung Quốc là một dạng rối loạn tâm thần từ năm 2008. Hồi năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thêm rối loạn do chơi game vào nhóm bệnh quốc tế, 10 năm sau khi Trung Quốc lần đầu tiên xếp nó là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Bên trong trung tâm cai nghiện Internet ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Một phòng ký túc xá trong trung tâm cai nghiện Internet ở ngoại ô Bắc Kinh.

Hồi tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã yêu cầu tăng cường giám sát ngành công nghiệp game ở quốc gia này để ngăn chặn tình trạng cận thị lan rộng ở trẻ em. Điều đó đã khiến cho ít trò chơi mới được phát hành do sự quản lý ngặt nghèo của các đơn vị phê duyệt nội dung. Các công ty game sau đó cũng cố gắng thiết lập các biện pháp kiểm soát để hạn chế thời gian chơi game ở trẻ vị thành niên.

Trong năm vừa qua, Tencent, công ty dẫn đầu thị trường game ở Trung Quốc, đã đưa tính năng xác minh vào các trò chơi để giới hạn độ tuổi và thời gian trải nghiệm của người dùng trẻ tuổi.

Trong khi đó, nhiều hiệp hội ngành công nghiệp trò chơi ở các khu vực như Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nam Phi và Brazil lại bày tỏ sự phản đối, chống lại việc phân loại của WHO. Các tổ chức này kêu gọi WHO thay đổi quyết định vì cho rằng những chứng cứ đưa ra chưa đủ mạnh. Điều này không quá khó hiểu bởi quyết định của WHO sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngành công nghiệp trò chơi.

Theo định nghĩa của WHO, rối loạn chơi game là một kiểu hành vi được đặc trưng bởi sự kiểm soát kém khi chơi game, tăng mức độ ưu tiên cho chơi game so với các hoạt động khác quá mức, thậm chí vượt qua các sinh hoạt cơ bản hàng ngày và có thể tạo ra các hậu quả tiêu cực. Để chẩn đoán được tình trạng này, các dấu hiệu ảnh hưởng phải được theo dõi trong ít nhất 12 tháng.

Tại Trung Quốc, nơi có dân số sử dụng Internet lớn nhất thế giới với hơn 800 triệu người dùng, ngành công nghiệp trò chơi được ước tính trị giá 30 tỷ USD mỗi năm. Đồng thời, chơi trò chơi điện tử là một trong những thú vui tiêu khiển ngày càng phổ biến, đang thách thức các loại hình giải trí khác trong việc thu hút sự chú ý và ví tiền của người tiêu dùng.

Bên trong trung tâm cai nghiện Internet ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Giám đốc trung tâm Tao Ran là cựu đại tá quân đội Trung Quốc, người đã điều hành nơi này trong gần 20 năm.

Trung tâm điều trị nghiện Internet ở ngoại ô Bắc Kinh được điều hành bởi Tao Ran, một cựu đại tá về hưu. Người này từng đứng đầu các đơn vị liên quan tới điều trị tâm lý trong quân đội. Đây là một trong những trung tâm đầu tiên ở Trung Quốc chẩn đoán và điều trị nghiện Internet và được cho là đã phát triển các phác đồ điều trị, được nhiều trung tâm cai nghiện Internet nơi khác học tập và áp dụng.

Cơ sở này bao gồm một số tòa nhà, với các khu vực như căng tin, ký túc xá và phòng trị liệu, được bố trí xung quanh một sân chơi ngoài trời, nơi mà các bệnh nhân có thể tập trung để chơi các môn vận động như bóng rổ. Không có bất kỳ thiết bị điện tử nào được cho phép sử dụng tại đây.

"Nghiện Internet là một vấn đề lớn ở Trung Quốc và ngày càng trở nên phổ biến với sự phổ biến của điện thoại thông minh", Tao nói. Ông ước tính rằng 10% thanh thiếu niên Trung Quốc bị ám ảnh bởi Internet.

"Đây không còn là vấn đề chỉ đối với riêng thanh thiếu niên. Chúng tôi có những bệnh nhân là đứa trẻ 9 tuổi cũng như những người lớn 30 tuổi. Ngoài ra cũng có rất nhiều phụ nữ và trẻ em gái đến từ các vùng nông thôn", ông nói. "Một số người bị ảnh hưởng nặng đến nỗi họ sẽ mặc tã dành cho người lớn để tránh phải đi vệ sinh và làm gián đoạn quá trình chơi game".

Tao cho biết một trong số các bệnh nhân đã đánh cắp 30.000 nhân dân tệ (khoảng 4.345 USD) từ cha mẹ để có thể ngồi lì trong quán game từ mùa thu năm trước tới mùa xuân năm sau.

"Hầu hết họ đều cố gắng trốn chạy và ban đầu đều là những người rất bất chấp và kiêu ngạo", Tao nói. "Nhưng kết quả đã trở nên khả quan sau nhiều tháng điều trị".

Trong những năm qua, đã có nhiều báo cáo cho thấy tình trạng lạm dụng bệnh nhân tại các trung tâm điều trị cai nghiện như thế này, bao gồm cả việc sử dụng liệu pháp sốc điện gây nhiều tranh cãi. Đây cũng là lý do khiến chính phủ Trung Quốc đã tăng cường sự giám sát với các trung tâm này.

Bên trong trung tâm cai nghiện Internet ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Cơ sở phát triển tâm lý vị thành niên này cung cấp một loạt các phương pháp điều trị từ thể chất, cảm xúc và đôi khi cả y tế. Trong hình những bệnh nhân trẻ tuổi đang học các bài hát quân sự.

Theo ông Tao, liệu pháp sốc điện và trừng phạt thân thể không được sử dụng tại trung tâm này. Nơi đây được thành lập từ năm 2003 và các gia đình phải chi trả mức phí khoảng 10.000 nhân dân tệ (khoảng 33 triệu đồng) mỗi tháng cho mỗi bệnh nhân. Việc điều trị bao gồm sự kết hợp giữa điều trị bằng thuốc, tư vấn tâm lý, tập thể dục và các hoạt động khác. Chúng thường kéo dài ít nhất ba tháng. Cha mẹ và người giám hộ được yêu cầu ở lại trung tâm, nơi họ sống trong ký túc xá riêng biệt với con cái và cũng phải trải qua các bài giảng, chẳng hạn như cách giao tiếp như thế nào với người bệnh.

Một ngày điển hình tại trung tâm bắt đầu lúc 5 giờ sáng, khi các bệnh nhân được gọi dậy và chuẩn bị để tập trung tham gia buổi tập thể dục chung lúc 6 giờ sáng. Sau khi ăn sáng lúc 7h10, ho sẽ tham gia các buổi tư vấn, chơi thể thao và các hoạt động khác, theo lịch trình được chuẩn bị sẵn. Đèn được tắt lúc 9h30 tối. Cuối tuần được dành cho việc vệ sinh chung, giặt ủi, tập thể dục nhiều hơn và cùng thực hiện việc tổng kết tuần.

Theo quan sát, hầu hết các bệnh nhân đều có thái độ thờ ơ và miễn cưỡng. Những người nổi loạn có thể bị trói vào giường để chờ cho tới khi bình tĩnh lại. Một số trường hợp nghiêm trọng được giữ một mình trong một căn phòng nhỏ trong vòng 10 ngày. Trung tâm đã xác nhận việc sử dụng quá trình giam cầm một mình để các bệnh nhân có thể bình tĩnh trở lại, giống như trong quân đội, nhưng phủ nhận việc sử dụng các biện pháp kiềm chế mạnh khác.

Mỗi phòng ký túc xá có ba giường tầng với nệm mỏng và thảm rơm. Đồ đạc cá nhân được giữ trong hộp nhựa màu xanh với tên được viết trên đó và giày được sắp xếp gọn gàng. Đối với nhiều đứa trẻ trong trung tâm, việc đầu tiên cần phải học là dọn phòng và vệ sinh giường ngủ.

Bên trong trung tâm cai nghiện Internet ở Trung Quốc - Ảnh 4.

An ninh trong trung tâm điều trị giống như nhà tù, với cổng và cửa sổ bị khóa và dây thép gai được cố định trên các bức tường cao.

Zhao Xiaojia, 15 tuổi, nhớ lại ngày đầu tiên mình được đưa tới trung tâm này: "Tôi đã hét cả ngày. Tôi không biết nơi này ở đâu và không muốn ở lại đây. Tôi không được phép gặp bố mẹ, tôi va chạm với những người bảo vệ và bị trói vào khung giường bằng kim loại trong nửa ngày".

Zhao đã dành hầu hết thời gian cả ngày của mình trên mạng Internet trong hai tháng trước khi bố mẹ anh quyết định đưa con trai tới trung tâm này. Từng có thời gian anh dành ba ngày liên tục để trò chuyện trên QQ và thậm chí từ chối tháo tai nghe ngay cả khi đang ngủ.

Mỗi sáng, Zhao sẽ tham gia các buổi điều trị theo nhóm, nơi anh cùng hàng chục thanh thiếu niên khác ngồi thành một vòng tròn và thảo luận về các chủ đề khác nhau với một bác sĩ tâm thần. Sau đó là các buổi tư vấn cá nhân, các hoạt động với gia đình cũng như đào tạo thể chất.

Bữa trưa tại trung tâm thường có ba món, với cơm và súp. "Tối thứ ba thường ăn mỳ", Zhao nói. Anh đã ở trung tâm này được 280 ngày.

Wang Guoqiang, một công nhân nhà máy đến từ tỉnh Hà Bắc, đã ở lại trung tâm với con trai trong một năm và tốn hơn 150.000 nhân dân tệ (khoảng 500 triệu đồng) tiền điều trị. "Đó là một gánh nặng tài chính lớn nhưng đáng giá", ông nói.

"Chúng tôi đang tiêu tiền để cứu mạng con mình", ông cho biết. Wang cũng đang tham gia các lớp học để hiểu cách làm một người cha tốt. "Tôi tin rằng con trai tôi sẽ thích nghi lại với xã hội sau khi ra ngoài", ông khẳng định.

Tham khảo SCMP