Báo động tình trạng các nhà làm game bị hành hạ sức khỏe bởi chính công việc của mình

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 27/10/2017 0:00 AM

Không một tác phẩm nào đáng để các nhà làm game đánh đổi lấy sự suy kiệt sức khỏe, những cơn đau đớn, mệt mỏi và thậm chí phải nhập viện để điều trị cả.

Đối với bất kỳ nhà phát triển game nào, kể cả trên thế giới cũng như tại Việt Nam, họ luôn biết rằng sẽ có một thời điểm mà họ gọi là "crunch", tạm dịch ra tiếng Việt là "bào sức". Trong những thời điểm như thế này, đôi lúc họ phải làm việc trên 20 giờ mỗi ngày để kịp tiến độ, và giai đoạn đó thường kéo dài từ vài ngày đến vài tuần phụ thuộc vào tiến độ và deadline của công việc.

Trong quá trình đó, họ ngủ ngay trên bàn làm việc, ăn uống vệ sinh cá nhân tại cơ quan, và cắt đứt mọi thứ liên quan đến cuộc sống bên ngoài để chạy cho kịp deadline. Chính những giai đoạn bào sức như thế này khiến game thủ chúng ta được chơi game đúng ngày ra mắt không có trì hoãn, nhưng nó lại là thứ đang hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần của các nhà làm game.

Cuối năm 2011, khi hoàn thành The Elder Scrolls V: Skyrim, lập trình viên Jean Simonet bắt đầu cảm nhận thấy những cơn đau dạ dày dữ đội. Ban đầu, bác sỹ không tài nào tìm ra nguyên nhân dẫn tới những cơn đau đầy khổ sở của anh chàng lập trình viên. Chỉ đến lần thăm khám thứ 3, Jean mới tiết lộ rằng anh làm việc hơn 16 tiếng mỗi ngày và làm cả ngày cuối tuần để sửa lỗi và đưa vào game những chi tiết mà anh nghĩ sẽ khiến Skyrim trở thành một game bom tấn, không quan tâm đến việc mỗi ngày anh thiếu ngủ cỡ nào.

May mắn thay, Jean nghe lời bác sỹ và nghỉ vài tuần sau đó để trở về giờ giấc sinh học cũ. Ngay lập tức những cơn đau biến mất hoàn toàn.

Những chuyện như thế là hoàn toàn bình thường trong một thị trường có giá trị lên tới 30,4 tỷ USD chỉ riêng tại Mỹ. Nhưng tiền không bao giờ đánh đổi lại được sức khỏe của con người trong trường hợp này. Nhà phát triển game Clint Hooking thậm chí từng cho biết anh bị mất trí nhớ tạm thời sau khi bị stress và chứng lo âu sau những ngày bào sức chạy deadline game. Còn Brett Douville, một lập trình viên từng góp công tạo ra Fallout 3 huyền thoại thì từng làm việc quá độ đến mức lái xe về nhà và không còn đủ sức để bước ra khỏi chiếc ô tô!

Những game bom tấn hiện đại tiêu tốn hàng chục triệu USD chi phi sản xuất, và có sự tham gia của đội ngũ thiết kế hàng trăm người. Trong số đó không hề thiếu những người làm việc 80 đến 100 giờ mỗi tuần, tính ra là từ 12 đến 14 tiếng mỗi ngày. Nhưng không phải trong mọi trường hợp, giai đoạn bào sức cũng xảy ra trong những tuần cuối giai đoạn phát triển game. Nó có thể đến bất kỳ lúc nào và có thể kéo dài hàng tháng trời.

Lập trình viên có thể ở lại qua đêm để sửa lỗi trong code của game, và như một lẽ dĩ nhiên của những người có ý thức, toàn bộ những người khác cũng ở lại làm thêm để những lập trình viên không cảm thấy bất công.

Trong một cuộc điều tra vào năm 2016 của Hiệp hội Nhà phát triển game Thế giới, một con số đáng báo động xuất hiện, 65% những người được hỏi cho biết họ phải làm thêm giờ và làm trong các giai đoạn bào sức. Một nửa số đó cho biết họ phải làm thêm giờ gấp đôi so với 2 năm về trước. Thậm chí trong số 1/3 những người không phải trải qua việc "bào sức", thì kỳ thực công việc của họ đã có những giai đoạn làm thêm giờ rất đều đặn nhưng không quá sức như giai đoạn nói trên.

Giờ làm thì nhiều, nhưng chế độ đãi ngộ của vài công ty lớn trong làng game thật sự là cơn ác mộng của rất nhiều người. Hầu hết các nhà làm game tại Mỹ không được nhận lương làm ngoài giờ, trong khi các đồng nghiệp ở Hollywood thì lại có, vì họ có công đoàn đứng ra đấu tranh cho quyền lợi của họ. Cùng làm trong khoảng thời gian như nhau, nhưng làm game lại có mức lương tệ hại nhất so sánh với các ngành hot khác như luật hay tài chính ngân hàng.

Cuộc điều tra hồi năm 2013 cho thấy, mức lương trung bình của một nhà làm game tại Mỹ là 83 nghìn USD một năm, chỉ bằng non nửa so với một nhân viên mới toanh vừa chân ướt chân ráo bước vào ngành ngân hàng.

Marcin Irwinski, cha đẻ The Witcher 3, đồng sáng lập CD Projekt Red chia sẻ: "Mọi người cứ tưởng làm game là dễ lắm. Nó là một công việc không có chỗ cho những kẻ yếu đuối, và nó có thể phá hủy cuộc sống của bạn bất cứ lúc nào, bất kỳ dự án nào." Nhưng giống như mọi nhà làm game khác, Irwinski nghĩ rằng việc làm thêm, bào sức là "con quỷ" cả làng game cần tồn tại. Vì công nghệ phát triển quá nhanh, đôi lúc dự án game mới chỉ làm được hơn 1 năm đã có đồ họa và cách chơi lỗi thời, và việc định hướng lại dự án là điều cần thiết.

Vẫn có một bộ phận không nhỏ những người làm game cho rằng vẫn có thể tạo ra những dự án game hay nhưng không cần bào sức nhân sự của nhà sản xuất. Đã có cả những người làm game ký tên vào bức thư kiến nghị chống lại việc làm thêm giờ ở các studio game: "Bào sức nhân viên cho phép chúng ta có những lợi ích ngắn hạn, nhưng hậu quả để lại là cực kỳ dài hạn."

Để tránh được những hậu quả khủng khiếp sau khi làm việc quá độ, rõ ràng các nhà phát triển game cũng nên lo cho sức khỏe bản thân một chút, và dần loại bỏ tâm lý làm thêm giờ, bào sức khỏi ngành công nghiệp không khói này. Làm việc thâu đêm suốt sáng có thể đem lại năng suất tuyệt vời, nhưng trong thời gian quá dài, nó đem về những hậu quả rất khủng khiếp cho sức khỏe. Không một tựa game nào đáng để họ đánh đổi lấy những cơn đau đớn, mệt mỏi và thậm chí phải nhập viện để điều trị cả.

(Theo Jason Shreirer, The New York Times)