5 vị tướng bạn không thể nào bỏ qua nếu muốn leo rank LMHT mùa 7 ở vị trí đường giữa

Zed  - Theo Trí Thức Trẻ | 12/01/2017 04:33 PM

Liên Minh Huyền Thoại
01/08/2012 NCB: Riot Games NPH:

Cùng chúng tôi điểm qua Top 5 Pháp sư đang rất được tin dùng tại đấu trường công lý nhé.

Đấu trường Liên Minh Huyền Thoại chuyên nghiệp đã trải qua thời gian rất dài kể từ mùa 5 chứng kiến sự thống trị của những pháp sư kiểm soát ở vị trí đường giữa. Riot Games, trong nỗ lực đa dạng hóa đứa con tinh thần của mình đã cố gắng thay đổi điều này với động thái làm lại một loạt vị tướng Sát thủ khi tung ra bản cập nhật giai đoạn tiền mùa giải vừa qua với mong muốn đưa Liên Minh Huyền Thoại bước vào “Thời đại Sát thủ”.

Không thể nói những chỉnh sửa của Riot không thành công khi một loạt cái tên như Talon, Rengar, Leblanc, Katarina đã lột xác và phần nào tạo nên cơn sốt trong cộng đồng thời gian vừa qua.

Nhưng dường như Liên Minh Huyền Thoại chuyên nghiệp vẫn là một môi trường quá đặc thù. Các pháp sư kiểm soát vẫn thống trị đấu trường chuyên nghiệp thời gian qua. Cùng chúng tôi điểm qua Top 5 Pháp sư đang rất được tin dùng tại đấu trường công lý nhé.

Syndra

Chiến thuật đổi đường bị khai tử bằng lượng vàng cộng thêm cho trụ đầu tiên hạ gục đồng nghĩa là giai đoạn đi đường giờ đây vô cùng quan trọng. Các đội tuyển luôn ưu tiên lựa chọn những kèo tướng mạnh ngay từ giai đoạn đầu nhằm có lợi thế sớm. Nếu để lựa chọn pháp sư nào mạnh nhất ở khoản đè đường, chèn ép đối thủ hiện nay thì đương nhiên Syndra không có đối thủ.

Bộ kỹ năng cho phép cô nàng Nữ chúa Bóng tối spam chiêu thức liên tục để đẩy lính cũng như cấu máu đối thủ, sát thương đầu ra cực mạnh khi đạt cấp 6 với Ultimate Bùng nổ Sức mạnh, khả năng tạo tình huống đột biến cũng có luôn nếu sử dụng chính xác chiêu E Quét tan kẻ yếu.

Đi đường cực mạnh là vậy nhưng Syndra cũng không hề yếu nếu trận đấu kéo dài với những chiêu thức sát thương diện rộng được gia tăng sát thương và có thêm hiệu ứng khi nâng cấp tối đa.

Dù là vị tướng thiếu cơ động và đòi hỏi kỹ năng khá cao để sử dụng hiệu quả nhưng chút hạn chế đó chẳng thể ngăn Syndra trở thành lựa chọn cực hot ở khu vực đường giữa.

Ryze

Ryze là vị tướng thuộc dạng khó cân bằng nhất trong thế giới Liên Minh Huyền Thoại khi liên tục phải chỉnh sửa, làm lại bộ chiêu thức trong 2 mùa giải vừa qua. Lần làm lại thứ 3 này, Riot lại tiếp tục cho ra đời một con quái vật đường giữa nữa và không biết liệu tương lai Ryze liệu có lại bị chỉnh sửa để giảm bớt sức mạnh đang quá bá đạo hiện giờ hay không?

Chuỗi combo của gã Pháp sư Lang thang giờ phần nào được rút ngắn và dễ thực hiện hơn với tâm điểm là chiêu E Dòng chảy ma pháp để cường hóa những chiêu thức còn lại. Sát thương và cả chống chịu của Ryze trở nên cực kỳ vượt trội khi có đủ stack Quyền trượng thiên sứ và Trượng trường sinh.

Những thay đổi sau khi làm lại đưa Ryze rẽ sang một hướng đi khá mới về lối chơi. Không còn khả năng sát thương diện rộng và hút máu phép kinh hoàng nhưng bù lại là sát thương dồn một mục tiêu, độ đa dụng với bộ chiêu thức và Ultimate mang lại đột biến cực cao nếu sử dụng tốt. Ryze là vị tướng không cấm thì cần chọn với những đội tuyển chuyên nghiệp.

Cassiopeia

Ngoại trừ Ryze và Syndra đang quá imba so với phần còn lại thì những vị tướng xếp sau phần nào yếu thế hơn đôi chút. Nhưng để tìm ra một vài cái tên đủ sức đối chọi lại sức mạnh của 2 con quái vật nói trên thì Cassiopeia chính là một trong số đó.

Cassiopeia với nội tại độc đáo bậc nhất Liên Minh Huyền Thoại, không cần (không thể) mua giày cùng tốc độ di chuyển tăng theo cấp. Điều này giúp cô nàng rắn dư ra một ô đồ, điều này cực kỳ có lợi khi trận đấu kéo dài khi có thể lãi hơn những vị tướng khác một món đồ mà vẫn đảm bảo tốc độ di chuyển.

Không chỉ sở hữu sức mạnh lớn về late game, Cassiopeia cũng đóng góp rất tốt cho giao tổng với Ultimate khống chế diện rộng Cái nhìn hóa đá và chiêu W Chướng khí gây hiệu ứng Sa Lầy.

Ngoài ra thì một lý do khá quan trọng Cassiopeia được ưa chuộng là vị tướng này counter khá tốt Ryze. Ryze thường phải hướng về phía đối thủ để tung ra chuỗi combo của mình, điều này vô hình chung giúp Cassiopeia có thể dễ dàng hóa đá đối thủ với chiêu cuối và kẻ bị hóa đá bởi Ultimate của Cassiopeia thì đương nhiên sẽ không có kết cục tốt đẹp.

Viktor

Một vị tướng đã rất quen mặt trong các cuộc bầu chọn ở khu vực đường giữa. Kể từ khi được Kuro khai quật trong màu áo KOO Tigers tại LCK mùa Xuân 2015 thì Viktor đến nay đã khẳng định vị thế vững chắc của mình như là một trong những cái tên tiêu biểu ở khu vực đường giữa bất chấp meta.

Không cần phải nói nhiều về sức mạnh cũng như những gì Viktor có thể mang lại cho đội của mình nữa. Sát thương, khả năng kiểm soát, khống chế, đảo đường, đẩy trụ,…tất cả những gì cần có ở một pháp sư kiểm soát đường giữa thì Viktor đều có.

Đặc biệt khi rơi vào tay những Gosu Hàn Quốc như Crown, Kuro hay cả Faker thì Sứ giả máy móc dường như sở hữu sức mạnh nằm ngoài tầm với của đối thủ. Với bộ chiêu thức mẫu mực cho 1 pháp sư phong cách kiểm soát thì không ngạc nhiên nếu Viktor vẫn sẽ là 1 lựa chọn ổn định ở khu vực đường giữa trong một thời gian dài nữa.

Orianna

Nếu như Viktor bước lên sân khấu chuyên nghiệp và thiết lập vị thế vững chắc của mình vào năm 2015 thì Orianna thậm chí còn làm điều này sớm hơn thế. Ngay từ khi Liên Minh Huyền Thoại còn ở thuở sơ khai thì Orianna đã là hình mẫu cho một pháp sư với lối chơi đa dụng thiên về kiểm soát khu vực đường giữa.

Thời gian trôi qua với bao đổi thay nhưng Quý cô dây cót không hề mất đi vị thế của mình. Vẫn là vị tướng thuộc dạng “phải biết chơi” với những người đi đường giữa chuyên nghiệp.

Ryze là vị tướng khó cân bằng nhất thì có lẽ Orianna chính là vị tướng cân bằng nhất mà Riot từng ra mắt. Không có quá nhiều chỉnh sửa nhưng bộ kỹ năng hoàn hảo, công thủ toàn diện với khả năng kiểm soát giao tranh cực tốt giúp Orianna luôn là lựa chọn an toàn ở đường giữa dù meta có biến động ra sao.

Có thể không phải là hot pick nhưng khi cần 1 quân bài an toàn đi đường với mọi kèo tướng thì Orianna luôn là cái tên số 1 được lưu tâm.

Cả 5 vị tướng nói trên đều sở hữu điểm chung là lối chơi cực kỳ đa dạng và rất cân bằng giữa công và thủ. Phần nào đó là lý giải tại sao tướng sát thủ không được ưa chuộng ở đấu trường chuyên nghiệp.

Với sự phát triển không ngừng về chiến thuật, cạnh tranh khắc nghiệt, ganh đua nhau từng yếu tố nhỏ nhất giữa những game thủ và đội tuyển thì lối chơi mạo hiểm, phần nào đó là phiêu lưu khá hên xui của nhóm tướng sát thủ không thể được ưu tiên bằng sự an toàn, đa dụng và khả năng kiểm soát mà những pháp sư kiểm soát mang lại.