5 lý do khiến bạn không thể bỏ qua phim hài Gintama

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 07/08/2017 01:51 PM

Cuối tuần qua, Gintama đã chính thức cập bến phòng vé Việt trong sự chờ đón háo hức của người hâm mộ.

Mùa hè năm nay, siêu phẩm live-action Nhật Bản Gintama (Linh Hồn Bạc) ra mắt trong sự trông ngóng không chỉ là những người đã thuộc lòng cốt truyện, mà còn gây tò mò cho những kẻ ngoại đạo khi hiệu ứng của bộ truyện tranh quá nổi tiếng khiến họ phải lặn lội đến xem Gintama có gì mà lại gây sốt đến như vậy.

Dưới đây là 5 lí do giúp bạn quyết định có nên đến rạp xem siêu phẩm hài hành động thành công nhất của thị trường phim Nhật mùa hè năm nay này không nhé.

Gintama: Tượng đài shounen độc nhất vô nhị của người Nhật

Gintama luôn được xếp vào hàng manga shounen bán chạy nhất của người Nhật. Tính đến tháng 3 năm nay, bộ truyện đã bán ra hơn 50 triệu bản in tại thị trường nội địa, tính riêng tập đầu tiên của series đã vượt quá con số một triệu bản. Có thể nói trong thị trường manga shounen hiện nay, số lượng người đã từng đọc qua hoặc có biết đến Gintama không hề thua kém các đối thủ mạnh nhất.

Tuy nhiên, khi so với những tựa truyện shounen lừng lẫy khác như Naruto hay One Piece, Gintama lại càng nổi bật vì cách khai thác cốt truyện và dẫn dắt không thể trùng lặp. Lấy hình tượng samurai lừng lẫy của văn hóa Nhật làm trung tâm, nhưng nhân vật chính của Gintama lại là một võ sĩ tóc trắng lười nhác, mê sữa dâu, có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, cây kiếm giắt bên đai lưng cũng chỉ là kiếm gỗ hàng tặng kèm mua ở cửa hàng lưu niệm.


Nhân vật chính của Gintama: Samurai mê đồ ngọt nhưng mắc bệnh tiểu đường

Nhân vật chính của Gintama: Samurai mê đồ ngọt nhưng mắc bệnh tiểu đường

Từ một nhân vật chính không giống ai, tác giả Hideaki Sorachi lại tiếp tục phát triển tuyến nhân vật chính phụ khác vô cùng đa dạng, mỗi người mỗi tính cách, gặp nhau trong những tình huống khiến người xem cười nghiêng ngả.

Không chỉ hài hước cao tay, Gintama chứa đựng nhiều bất ngờ khi tác giả mạnh dạn đem vào đó đủ loại hiện thực mà ông muốn châm biếm. Đó có thể là chính quyền Edo cùng chế độ samurai suy yếu, bị các trào lưu ngoại lai lấn lướt. Hay cũng có thể là hình tượng những cảnh sát Tân Đảng đầy mâu thuẫn trong lịch sử Nhật Bản. Thậm chí người xem còn thích thú khi Hideaki thay phiên đưa các "đồng nghiệp shounen" khác vào truyện để "chặt chém" không nể nang gì.


Bộ ba tiệm Vạn Năng từ anime trở thành người thật trong live-action

Bộ ba tiệm Vạn Năng từ anime trở thành người thật trong live-action

Tóm lại, Gintama đã trở thành một thế giới theo các nhà phê bình nhận xét là độc nhất vô nhị (one of a kind), sau 14 năm ra đời liên tục xây dựng được những thế hệ độc giả cuồng nhiệt và si mê phong cách truyện tranh hài-mà-không-nhảm này.

Đạo diễn "điên đúng chất"

Người yêu thích truyện tranh Gintama đã từng hoài nghi liệu những pha hài hước, chọc cười đầy ẩn ý sẽ mất "chất" khi lên màn ảnh. Lần này, bạn hoàn toàn có thể yên tâm vì người cầm trịch kịch bản và chỉ đạo diễn xuất của live-action không ai khác chính là Yuichi Fukuda.


Yuichi Fukuda (đứng giữa) chụp ảnh cùng hai diễn viên Masaki Okada và Oguri Shun

Yuichi Fukuda (đứng giữa) chụp ảnh cùng hai diễn viên Masaki Okada và Oguri Shun

Đây không chỉ là đạo diễn kiêm biên kịch đã nhào nặn nên hình tượng siêu nhân "bựa đến từng tế bào" Hentai Kamen, mà hầu hết bộ sưu tập phim điện ảnh ông từng "nhúng tay vào" đều là những siêu phẩm hài hước và đậm cá tính. Có thể nói, Gintama "rơi vào tay" Fukuda chính là cơ duyên tuyệt vời nhất, vì chỉ có ông mới đủ khả năng "điên đồng điệu" cùng một kịch bản chuyển thể sở hữu dàn nhân vật không một ai giống người bình thường như thế này.

Dàn diễn viên chuẩn không cần chỉnh

Ngay từ những ngày đầu công bố tên diễn viên, live-action Gintama đã gây dậy sóng cộng đồng yêu phim Nhật vì những cái tên đình đám của làng giải trí Nhật Bản.

Nếu bạn nghiêng về phần "duy mỹ", tức là xem phim chỉ cần ngắm diễn viên là được, thì những gương mặt không tỳ vết của Ryo Yoshizawa, Kanna Hashimoto, Masaki Okada... sẽ khiến bạn không ngừng tấm tắc khen ngợi. Còn nếu bạn muốn xem một thế giới Gintama chuẩn như in từ trong truyện bước ra, những diễn viên thực lực như Oguri Shun, Masaki Suda, Yuya Yagira, Hirofumi Arai... càng đủ sức khiến bạn phấn khích bằng những màn hóa thân không màng hình tượng.


(từ trái sang) Ryo Yoshizawa, Kanna Hashimoto, Masaki Okada

(từ trái sang) Ryo Yoshizawa, Kanna Hashimoto, Masaki Okada


(từ trái sang) Oguri Shun, Yuya Yagira, Hirofumi Arai

(từ trái sang) Oguri Shun, Yuya Yagira, Hirofumi Arai

Điều đáng khen nhất trong đội ngũ diễn viên của phim này chính là họ dung hòa khá tốt các ưu khuyết điểm của nhau. Dàn diễn viên trung tâm ngoài diễn xuất dày dặn thì ngoại hình cũng khó mà chê được. Còn những vai ngỡ là "bình hoa di động" thì cũng thể hiện khá tròn trịa, tuyệt nhiên không để chính mình trở thành "hố đen diễn xuất". Gintama chính vì lý do này nên khi ra mắt tại Nhật đã sớm giành được sự ưu ái từ lượng người hâm mộ nguyên tác.

Tái hiện những thước phim kinh điển của bộ truyện

Live-action Gintama chọn khai thác hai hồi truyện chính trong bộ truyện đã vượt qua con số 500 chương. Nếu hồi truyện không tên kể về chuyến săn bọ tê giác (từ chương 83 đến chương 84 trong truyện) giới thiệu một số chi tiết hài hước vụn vặt thì hồi truyện Benizakura (từ chương 89 đến chương 97 trong truyện) chính là một biên niên sử hành động bi tráng, tàn bạo, hé lộ quá khứ đen tối của nhân vật chính Sakata Gintoki.

Trong các thông tin nhá hàng về live-action, khán giả trung thành của bộ truyện thích thú khi phần lớn điểm nhấn trong nguyên tác đều hiện diện trong kịch bản. Theo nhà phát hành bật mí, trong hồi truyện không tên vẫn duyệt cho những cảnh ít ảnh hưởng đến mạch phim chính như đội quân Shinsengumi cạnh tranh bắt bọ cùng ba người nhà tiệm Vạn Năng, cục phó vẫn thể hiện đam mê bất tận với sốt mayonnaise, đội trưởng mặc trang phục hình bọ hung và đặc biệt là cảnh cục trưởng của Shinsengumi gần như khỏa thân phủ mật ong lên người, dù cảnh phim này là một trong những yếu tố chính khiến phim bị kiểm duyệt khắt khe và gắn rating 16+ khi đến phòng vé Việt.

Đặc biệt, trong hồi truyện về trận đấu Benizakura, phong cách chiến đấu xuất quỷ nhập thần của Gintoki cùng kết cục đau đớn của lần chạm trán đầu tiên khiến anh trọng thương được xử lý khéo léo, các hiệu ứng cháy nổ khi lên phim cũng trở nên chân thực hơn hẳn. Đặc biệt là các chiến thuyền sử dụng trong phim dù được tái hiện bằng kỹ thuật CG nhưng không đem lại cảm giác giả tạo.

Ngoài ra, đạo diễn Yuichi Fukuda sau khi tham gia viết kịch bản đã quyết định thêm vào một số chi tiết mới để liên kết các hồi truyện và tạo bất ngờ cho người xem. Các tài khoản twitter tại Nhật đã khen ngợi không ngớt những phân đoạn phim bám sát nguyên tác, tuy nhiên những chi tiết mới lại thu về một số luồng ý kiến trái chiều, trở thành yếu tố kéo người xem đến rạp để kiểm chứng.

Thành tích "khủng" trước khi cập bến phòng vé Việt

Trước khi đến Việt Nam, Gintama khi ra mắt tại Nhật đã tạo thành một cơn sốt mới. Sau khi thu về 1,3 tỷ Yên trong 8 ngày, 2 tỷ Yên trong 14 ngày đầu tiên, Gintama chính thức trở thành live-action thành công nhất ở xứ mặt trời mọc trong năm nay. Hiện tại đã là tuần thứ tư ra mắt, Gintama vẫn đang bám trụ trong top 10 doanh thu phòng vé trước sự đổ bộ ồ ạt của các tựa live-action mới như Tokyo Ghoul, Jojo’s Bizarre Adventure: Diamond Is Unbreakable và cả các bom tấn ngoại lai như Pirates Of The Carribean: Dead Men Tell No Tales, Despicable Me 3.


Cảnh trong minidrama Gintama phát hành ngày 13 tháng 7

Cảnh trong minidrama Gintama phát hành ngày 13 tháng 7

Bên cạnh đó, miniseries phim truyền hình Gintama gồm 3 tập khai thác hồi truyện Mitsuba cũng lập kỷ lục trên kênh phát hành online có tính phí. Hiện tại tập đầu tiên của miniseries này sau ba tuần ra mắt đã cán mốc hơn 3,7 triệu lượt xem. Trước ngày live-action điện ảnh ra mắt, miniseries này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mở đường và giới thiệu về đội quân Shinsengumi vốn có khá ít đất diễn trong phiên bản phòng chiếu.

Thành tích đáng nể này đã khiến các diễn đàn phim Nhật xôn xao, nhiều ý kiến cho rằng Gintama sẽ là một thế hệ mới của Rurouni Kenshin nếu nó vượt qua con số 5 triệu Yên doanh thu. Bên cạnh đó, một số người cho rằng dòng phim hư cấu về bi kịch của samurai ở Nhật vẫn tiếp tục là con gà đẻ trứng vàng nếu các hãng phim chịu đầu tư xứng đáng.

Gintama phiên bản live-action lấy bối cảnh thời kỳ suy vong của chế độ samurai ở Nhật Bản, cũng là lúc người ngoài hành tinh Amanto hoàn thành cuộc đổ bộ xuống trái đất. Gintoki (Oguri Shun đóng) từng là một samurai xông pha chiến trường với biệt danh "Dạ Xoa tóc trắng", nay đã lui về ở ẩn dưới thân phận một thanh niên lười biếng, nhiều thói hư tật xấu.

Anh ta mở cửa tiệm Vạn Năng (Yorozuya), thu nhận hai "quả tạ" Shinpachi (Masaki Suda đóng) và Kagura (Kanna Hashimoto đóng), bắt đầu chuỗi ngày ai bảo gì thì làm nấy để kiếm tiền sinh nhai. Thế nhưng bóng ma từ quá khứ và những rối ren chính trị bất ổn vẫn tiếp diễn, khiến anh không thể buông bỏ thanh kiếm Touya và biệt danh sát thủ tóc trắng của mình.

Gintama hiện đang chiếu ở các rạp trên toàn quốc.