25 tình tiết thú vị về Justice League mà bạn có thể đã vô tình bỏ qua

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 20/11/2017 03:53 PM

Trong bộ phim Justice League có khá nhiều những easter egg thú vị mà bạn có thể đã vô tình bỏ qua khi xem phim.

(Bài viết có tiết lộ nội dung phim)

Trước khi Justice League ra mắt, Vũ trụ Điện ảnh DC đã trải qua 5 bộ phim khác nhau, và tất cả đều khiến cho khán giả được "ngập" trong các chi tiết Trứng phục sinh. Nhưng riêng lần đầu hội tụ này của các anh hùng DC trên màn ảnh thì hào phóng hơn cả khi cho khán giả tha hồ săm soi nhặt "Trứng" không xuể từ đầu chí cuối. Từ những chi tiết lấy cảm hứng từ truyện tranh, những gợi ý hay khách mời đặc biệt, tất cả đều sẽ được tổng hợp trong bài viết này. Nếu như bạn chưa xem phim thì hãy cân nhắc kỹ khi quyết định đọc tiếp nhé.

1. Batman chạm trán Parademons

Ngay từ đầu phim, trường đoạn Batman săn lùng các quái vật bọ Parademons tay sai của kẻ ác Steppenwolf đã lấy cảm hứng từ phiên bản New 52 của Justice League trong truyện tranh. Trong phiên bản này, các Parademons mỗi khi bị bắt và tra khảo về kẻ giật dây chúng cũng đều sử dụng phương thức tự hủy để bảo toàn bí mật cho chủ nhân.

2. Gợi ý về Black Mask

Black Mask là một trong số những phản diện đáng gờm của Batman trong truyện tranh. Tên thật là Roman Sionis, hắn kế thừa tài sản của tập đoàn mỹ phẩm Janus của gia đình mình, và cả đế chế tội phạm mà chúng lãnh đạo ở thành phố Gotham. Trong phân cảnh Batman đối đầu Parademons ở đầu phim, khán giả để ý kỹ có thể sẽ thấy một biển hiệu trong thành phố có ghi chữ Janus. Đây có phải là một gợi ý về tương lai của phim riêng cho Batman hay chỉ là một Trứng phục sinh thú vị dành cho khán giả thì chỉ có hãng DC và Warner Bros mới biết được.

3. Wonder Woman và nữ thần Themis

Trong phân đoạn Wonder Woman can thiệp phá tan âm mưu đánh bom của một nhóm khủng bố ở Anh, chúng ta có thể thấy cô đã đứng trên một bức tượng nữ thần một tay cầm kiếm, một tay cầm cân. Không chỉ mang tính ẩn dụ cho chủ đề về "Công lý" và "Sự thật" của phim, nữ thần này chính là Themis, một Titan trong thần thoại Hy Lạp, còn tồn tại trước cả những vị thần Olympus của Zeus.

Bà chính là đại diện của Old Gods, đối trọng với New Gods - những kẻ có quyền năng khủng khiếp trong vũ trụ như Darkseid mà Steppenwolf còn phải khiếp sợ. Thanh kiếm mà bà cầm trong tay không chỉ có ý nghĩa là món vũ khí của một chiến binh, mà còn thể hiện khả năng chia cắt giữa lẽ phải và sự tàn nhẫn, cũng chính là lý tưởng của Wonder Woman.

4. Thần Zeus

Trong phân đoạn hồi tưởng về quá khứ 5000 năm trước, chúng ta đã được chứng kiến cuộc đại chiến của liên minh giữa người Atlantis, các chiến binh Amazon, loài người, các Green Lantern, và cả những Vị thần trong thần thoại Hy Lạp. Một trong số các chiến binh đã góp sức đẩy lùi cuộc xâm lăng của Steppenwolf và binh đoàn Parademon đã sử dụng sức mạnh giống như các tia chớp để tấn công hắn. Đây có lẽ chính là thần Zeus, vị thần tối cao trên đỉnh Olympus vốn đã được đề cập tới trong phim Wonder Woman.

5. Thần Artemis

Ngoài Zeus ra, chúng ta còn được thấy một vài chiến binh khác có những khả năng phi thường như nhân vật cầm chiếc rìu và lao về phía Steppenwolf rất có thể chính là thần chiến tranh Ares, và một nữ chiến binh với cây cung bốc lửa, hủy diệt cả một con tàu lớn của tên ác nhân. Không chắc là có phải không, nhưng một nữ thần với khả năng bắn cung trong thần thoại Hy Lạp có lẽ chỉ có Artemis, nữ thần săn bắn, hay còn có một cái tên khác là Diana.

6. Green Lantern

Như đã nói ở trên, Green Lantern cũng là một trong số những lực lượng nòng cốt tham gia cuộc chiến cổ xưa chống lại Steppenwolf. Người hâm mộ hẳn sẽ rất hào hứng khi chứng kiến một chiến binh đã sử dụng nguồn năng lượng màu xanh của mình để tạo ra những vũ khí đa dạng tấn công vào quân đoàn Parademon.

Không may thay, chiến binh này sau đó đã bị hạ gục và bị biến thành một quái vật bọ Parademon. Có thể thấy khá rõ người này không phải là bất cứ ai trong số những Green Lantern bảo vệ Trái Đất như trong truyện tranh Hal Jordan, John Stewart, Kyle Raynor, hay Guy Gardner, mà là một người ngoài hành tinh. Tuy nhiên, khán giả vẫn có thể thấy chiếc nhẫn của nhân vật này đã rời tay anh ta và bay về vũ trụ để tìm một người xứng đáng khác.

7. Hình xăm của Aquaman

Ngay khi Arthur Curry (Jason Momoa) cởi bỏ chiếc áo khoác của mình, khán giả đã được chứng kiến những hình xăm bao phủ đầy cơ thể trước khi anh chìm vào những ngọn sóng và biến mất về phía đại dương. Những hình xăm này không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa trang trí, mà còn trực tiếp lấy cảm hứng từ những hình xăm mà Jason Momoa có thật ở ngoài đời, và vốn đều là những biểu tượng quan trọng trong văn hóa của người Polynesian ở Hawaii, quê hương của anh.

Những hình tam giác ở đây chính là răng cá mập, thể hiện sức mạnh và khả năng thích ứng với môi trường sống khắc nghiệt. Trong khi đó những hình mũi tên trên vai anh đại diện cho lòng dũng cảm và kỹ năng chiến đấu. Còn những con sóng nhỏ thì kết nối anh với đại dương mênh mông, một biểu tượng của sự sống và cái chết. Không chỉ vậy, bộ giáp mà anh mặc ở cuối phim khi tham gia vào Liên Minh Công Lý của Batman cũng có những biểu tượng tương tự như vậy.

8. Bom nổ hình chim cánh cụt vặn dây cót

Một câu thoại thoáng qua của quản gia Alfred (Jeremy Irons) như vậy thôi có lẽ cũng đã quá đủ để khiến fan cuồng phải sung sướng. Đây chính là gợi ý về sự tồn tại của nhân vật phản diện Penguin nổi tiếng trong các câu chuyện về Batman. Hơn nữa, hình ảnh đó còn lấy cảm hứng từ chính bộ phim Batman Returns (1992) do Tim Burton đạo diễn, khi Penguin đã từng sử dụng một thứ vũ khí hình chim cánh cụt như vậy. Penguin cũng là một nhân vật phản diện khá ấn tượng trong series phim truyền hình Gotham.

9. Khách mời: Jimmy Olsen

Trong các câu chuyện về Superman từ truyện tranh cho tới điện ảnh, truyền hình, Jimmy Olsen – nhiếp ảnh gia trẻ tuổi ở tòa soạn báo Daily Planet luôn là một cái tên quan trọng. Vai diễn này trong phim Superman (1978) do diễn viên Marc McClure đảm nhiệm, và ông cũng đã nhận một vai khách mời nhỏ trong Justice League.

Trong trailer của phim, ông vào vai một viên cảnh sát được Cyborg (Ray Fisher) cứu sống khỏi một chiếc ô tô bốc cháy, nhưng đoạn phim này đã bị cắt trong bản phim chiếu rạp. Tuy nhiên, ông đã được giao cho vai diễn một trong số các viên cảnh sát quản tù ở phân đoạn Barry Allen/The Flash (Ezra Miller) nói chuyện với cha mình trong tù. Đây là một vai khách mời mang tính thể hiện sự tôn trọng của đạo diễn Zack Snyder đối với lịch sử của nhân vật Superman.

10. Gorilla Grodd

Nếu bạn là fan của truyện tranh, hay series phim truyền hình The Flash trên kênh CW hiện nay, thì hẳn bạn đã quá quen thuộc với Gorilla Grodd, một phản diện khá đáng sợ của The Flash. Tuy là một con khỉ đột Gorilla khổng lồ, nhưng Grodd lại có trí tuệ vượt trội hơn so với con người rất nhiều, và còn mang trong mình khả năng tâm linh hết sức mạnh mẽ.

Khi liệt kê những khả năng "đặc biệt" mà mình có, Barry Allen có nói về khả năng sử dụng ngôn ngữ ra dấu dành cho người câm, nhưng là phiên bản đặc biệt dành cho loài Gorilla. Rất có thể Barry đã từng gặp Grodd từ trước thời điểm trong phim, mặc dù rõ ràng đây vẫn là những ngày đầu tiên mà anh sở hữu sức mạnh tốc độ từ Speed Force.

11. Captain Cold

Một phản diện khác của The Flash rất nổi tiếng cả trong truyện tranh lẫn phim truyền hình chính là Captain Cold – Leonard Snart. Nếu để ý kỹ, khán giả có thể thấy trong bản thiết kế bộ giáp của Flash hiện trên một trong số các màn hình của anh có một chi tiết về công nghệ chống rét, hẳn là một gợi ý nho nhỏ về sự tồn tại của nhân vật này trong Vũ trụ Điện ảnh DC.

12. Thám tử Crisprus Allen

Trong dòng truyện tranh Gotham Central, thám tử Crisprus Allen là một nhân vật có tầm quan trọng khá lớn. Nhân vật này đã xuất hiện trong sở cảnh sát Gotham khi nói chuyện với Cảnh sát trưởng Jim Gordon (J.K. Simmons) với diễn xuất của nam diễn viên Kobna Holbrook-Smith.

13. Ace Chemicals

Fan của truyện tranh không thể không biết nơi khai sinh ra Joker - nhân vật phản diện số một trong những câu chuyện về Batman. Ace Chemicals đã từng xuất hiện chớp nhoáng trong Man of Steel, và chính thức được đạo diễn David Ayer đưa lên màn ảnh trong Suicide Squad. Ở đây, biển hiệu của hãng hóa chất này xuất hiện khi Barry Allen, Wonder Woman, và Bruce Wayne vừa đặt chân trở lại Gotham.

14. Logo của Justice League

Một chi tiết mà có lẽ ít ai để ý, đó chính là logo chính thức của Justice League có một sự giống "không hề nhẹ" với logo của Wayne Industries mà chúng ta đã được thấy trong cảnh mở đầu phim Batman v Superman: Dawn of Justice. Khó có thể coi đây là một sự trùng hợp, vì nó còn mang ý nghĩa rằng Justice League được khai sinh từ chính tro tàn của sự hủy diệt.

15. Hình ảnh từ truyện tranh Batman

Từ khi cảnh phim Batman đứng trên bức tượng đầu lâu ở góc một tòa nhà cao tầng với sấm chớp đì đùng sau lưng xuất hiện trong trailer của Justice League, người hâm mộ đã phải trầm trồ thán phục sự trung thành của Zack Snyder trong việc đưa các trang truyện tranh nổi tiếng lên phim. Đây là một hình ảnh được lấy cảm hứng từ bìa tập truyện Detective Comics #682, được vẽ bởi họa sĩ Graham Nolan.

16. Nhạc phim Batman 1989

Bản nhạc nền của Batman (1989) của đạo diễn Tim Burton, do nhà soạn nhạc Danny Elfman sáng tác đã lại một lần nữa được vang lên trong Justice League mỗi khi Batman xuất hiện. Danny Elfman cũng chính là người chịu trách nhiệm sản xuất âm nhạc cho phim, thay thế Hans Zimmer và Junkie XL, những người đã định hình một phong cách âm nhạc khá khác biệt cho dòng phim DCEU từ mấy năm nay.

17. Nhạc phim Superman 1978

John Williams là nhà soạn nhạc kỳ cựu đã từng định hình âm nhạc cho điện ảnh qua các tác phẩm kinh điển Star Wars, Indiana Jones, và cả phim điện ảnh đầu tiên của Superman. Từ đó đến nay bản nhạc nền quen thuộc của ông đã từng được vang lên trong hầu hết các phiên bản từ điện ảnh đến truyền hình của nhân vật này, chỉ ngoại trừ Man of Steel và Batman v Superman: Dawn of Justice. Tuy nhiên, Justice League với tinh thần "mang hi vọng trở lại từ bóng tối" đã mang lại những giai điệu của John Williams vào phim để chào đón sự trở lại theo nghĩa đen của Superman.

18. Chiếc áo caro của Clark Kent

Chiếc áo đỏ caro này từ nhiều năm nay đã là một biểu tượng không thể thiếu cho hình tượng nhân vật Clark Kent trên cánh đồng Kansas, được đạo diễn Richard Donner định hình trong Superman 1978 của ông. Từ đó đến nay, các phiên bản phim người đóng về Superman đều sử dụng chiếc áo như vậy để tạo hình cho một Clark Kent khi chưa trở thành Superman. Và Zack Snyder cũng đã không từ bỏ cơ hội của mình để tiếp nối truyền thống này trong phân đoạn Superman trở lại ngôi nhà của mình ở Kansas trong Justice League.

19. Ánh trăng của Tim Burton

Trong Batman (1989) của Tim Burton, hình ảnh chiếc Batwing vượt qua khỏi lớp mây mù bao phủ Gotham để đón ánh trăng vằng vặc, tạo thành hình biểu tượng trên ngực của chính Hiệp sỹ Bóng đêm đã trở thành kinh điển cho rất nhiều thế hệ người hâm mộ. Và Justice League cũng đã lấy cảm hứng từ cảnh phim này cho giây phút Cyborg bay qua tầng mây cuối cùng và nhìn thấy ánh trăng khổng lồ tương tự như vậy.

20. Vỏ đạn rơi

Trong Batman v Superman: Dawn of Justice, câu chuyện của Batman gắn liền với những chiếc vỏ đạn rơi. Đó chính là giây phút bố mẹ anh từ trần dưới họng súng của một tên cướp, và cũng là giây phút quân đội Mỹ bắn những loạt đạn để vinh danh Superman ở cuối phim.

Cả hai đều là những thời điểm có vai trò mấu chốt làm nên con người của Bruce Wayne/Batman, cũng như thay đổi tính cách của anh mãi mãi. Trong Justice League, những chiếc vỏ đạn cũng đã rơi khi anh xông pha vào cuộc chiến với Steppenwolf, sát cánh cùng với những đồng đội mới của mình để bảo vệ sự tồn vong của Trái Đất. Một hình ảnh rất ý nghĩa.

21. Flash và Superman chạy đua

Trong cuộc chiến với Steppenwolf cuối phim, Superman đã chứng tỏ được rằng mình hoàn toàn có thể đuổi kịp tốc độ "tia chớp" của The Flash khi một mình cứu cả một tòa nhà trước sự ngưỡng mộ của người đồng đội mới. Nhưng cuộc đua của hai người chỉ thật sự bắt đầu trong đoạn phim giữa credit, trực tiếp lấy cảm hứng từ rất nhiều những cuộc đua tương tự giữa hai người từ trong truyện tranh, Smallville, hay thậm chí là phim hoạt hình. Và chắc chắn đây sẽ là một hình ảnh làm hài lòng người hâm mộ.

22. Bầu trời màu cam

Một trong số những chi tiết đáng chú ý của Justice League chính là hình ảnh bầu trời màu đỏ cam bao trùm mọi thứ, đặc biệt là ở phân đoạn cuối phim khi các anh hùng hợp lực tổng tấn công Steppenwolf. Và đây cũng không phải là một lựa chọn qua loa của Zack Snyder, vì nó gợi cho khán giả nhớ tới những đoạn phim mở đầu trong series phim hoạt hình Justice League và Justice League Unlimited vô cùng được yêu thích từ năm 2001 với hình ảnh các anh hùng đứng trên nền trời có màu sắc tương tự.

23. Hall of Justice

Thánh đường Công lý – cơ quan đầu não nổi tiếng của Justice League trong hầu hết các phiên bản nổi tiếng nhất của các anh hùng DC, cuối cùng đã được Bruce Wayne lựa chọn ở chính vị trí của dinh thự gia đình mình, vốn từng bị bỏ hoang trong Batman v Superman: Dawn of Justice. Tùy thuộc vào phiên bản nào của truyện tranh mà các phim tiếp theo trong Vũ trụ Điện ảnh DC sẽ dựa theo, chúng ta có thể sẽ có 6 chiếc ghế, hoặc hơn, nơi các thành viên chủ chốt của Justice League sẽ họp mặt ở đây và bàn luận về các vấn đề hệ trọng.

24. Deathstroke

Fan hâm mộ của truyện tranh, và cả của series phim hoạt hình Teen Titans, và series phim truyền hình Arrow trên kênh CW chắc chắn đã có những giây phút cực kỳ hạnh phúc khi chứng kiến sự xuất hiện của Deathstroke ở cảnh phim credit thứ 2 trong Justice League.

Deathstroke (Joe Manganiello) đã được triệu hồi tới gặp Lex Luthor (Jesse Eisenberg) để bàn luận về việc thành lập một liên minh của riêng họ trong đoạn phim này. Trong truyện tranh và cả các phiên bản khác, Deathstroke/Slade Wilson là một sát thủ đánh thuê cực kỳ nguy hiểm, đã từng là đối thủ, và đôi lúc là đồng đội của rất nhiều các nhân vật anh hùng cũng như phản diện khác nhau trong thế giới DC, trong đó bao gồm cả Batman và Green Arrow.

25. Ngày ra mắt 17/11

Dấu mốc 17 tháng 11 là một thời điểm quan trọng đối với người hâm mộ lâu năm của hãng DC. Vì đây chính là ngày kỷ niệm 25 năm ra mắt ấn bản truyện tranh "The Death of Superman" từ năm 1992. Không chỉ thế, đây cũng là ngày được chọn để công chiếu tập đầu tiên cho series hoạt hình Justice League từ năm 2001. Thực sự là một sự lựa chọn mang nhiều ẩn ý, khi trong Justice League, Superman đã trở lại sau sự hi sinh bất ngờ của anh trong Batman v Superman: Dawn of Justice.