19 chi tiết thú vị có thể bạn chưa biết sau khi xem trong bom tấn Avengers: Infinity War

SmiLe  - Theo Helino | 30/04/2018 10:03 PM

Đã thành truyền thống, các bộ phim siêu anh hùng luôn cài cắm nhiều chi tiết mà chỉ các fan ruột mới để ý thấy. Và bom tấn “Avengers: Infinity War” cũng không phải ngoại lệ.

1. “We have a Hulk”:

Đầu phim, phi thuyền của Thor (Chris Hemsworth) và người dân Asgard đụng độ Thanos (Josh Brolin) ngoài không gian và đón nhận kết cục bi thảm. Chứng kiến anh mình đau đớn, Loki (Tom Hiddleston) đành giao ra khối Tesseract - thực chất là một trong 6 viên Đá Vô cực.

Nhưng gã không dễ dàng quy phục đến thế. Trước khoảnh khắc, Loki dùng lại câu thoại “We have a Hulk” (Chúng tao có Hulk) của Iron Man (Robert Downey Jr.) ở The Avengers (2012), và Người Khổng lồ Xanh (Mark Ruffalo) lập tức xuất hiện để thách thức Thanos. Tuy nhiên, Hulk không thể đánh bại tên “Titan điên” như anh từng làm với Loki. Thanos rốt cuộc đã xử đẹp Loki, và nói rằng: “Lần này thì khỏi hồi sinh”. Đó là câu thoại gợi nhắc tới sự kiện ở tập Thor: The Dark World (2014) liên quan tên gã thần lừa lọc.

2. Hulk đóng vai trò của Silver Surfer:

Hulk may mắn thoát khỏi bàn tay của Thanos nhờ Heimdall (Idris Elba) và rơi xuống trụ sở của Doctor Strange (Benedict Cumberbatch). Bruce Banner lập tức cảnh báo với các siêu anh hùng về mối nguy đến từ ngoài không gian. Chi tiết Hulk rơi xuống gần giống y hệt nguyên tác truyện tranh. Chỉ có điều gương mặt cảnh báo các siêu anh hùng trong truyện là Silver Surfer. Trên màn ảnh, đó là nhân vật đang nằm trong quyền kiểm soát của Fox.

3. Morgan Stark:

Nhận tin từ Hulk, Doctor Strange lập tức đến gặp Tony Stark với mong muốn Iron Man sẽ tham gia bảo vệ Trái đất và Viên đá Thời gian. Khi ấy, Stark đang đi dạo cùng Pepper Potts (Gwyneth Paltrow), kể cho cô nghe về giấc mơ rằng họ có con. Thảo luận về tên sẽ đặt cho con sau này, anh nhắc tới Morgan - người chú của Potts. Chi tiết hơi khác với truyện tranh. Ở nguyên tác, Morgan Stark là một người bà con của Tony Stark. Gã cho rằng Howard Stark - tức cha của Tony - đã lừa lọc để chiếm lấy tập đoàn Stark lẽ ra thuộc về mình. Do đó, Morgan từng có không ít lần chơi đểu Người Sắt.

4. Stan Lee:

“Ông trùm” truyện tranh Marvel là người lái chiếc xe buýt đang chở lớp học của Peter Parker (Tom Holland) khi con phi thuyền khổng lồ của bọn Black Order đổ bộ xuống Trái đất. Ngay trước đó, Người Nhện cho thấy cậu nay đã sở hữu “giác quan nhện” (Spider Sense) - một khả năng nổi tiếng của siêu anh hùng nhả tơ ở truyện tranh.

5. Tony Stark mỉa mai đối thủ, đồng đội:

Dẫu phải đối mặt với kẻ thù hùng mạnh đến từ ngoài không gian, Iron Man không hề quên đi khiếu hài hước của mình. Đầu tiên, anh gọi Ebony Maw (Tom Vaughan-Lawlor) là Squidward, bởi gương mặt với chiếc mũi dài của hắn giống với nhân vật trong Spongebob Squarepants. Đến khi đụng độ Thanos trên hành tinh Titan, Người Sắt giễu nhại đối thủ là Grimace.

Đó là nhân vật có phần ngu ngốc trong các chiến dịch quảng bá của McDonalds, mang bộ lông tím, và chuyên đi ăn trộm sữa lắc. Cuối cùng, Tony Stark còn mỉa mai Star-Lord (Chris Pratt) là Flash Gordon - nhân vật truyện tranh từ thập niên 1930 và có số phận khá giống Peter Quill.

6. Nomad:

Sau những sự kiện ở Captain America: Civil War (2016), Steve Rogers trở thành tội phạm chính phủ, và không còn là Captain America nữa. Anh nay ăn mặc và có hành tung giống như khi lấy biệt hiệu Nomad ở truyện tranh.

Đây là chi tiết được anh em đạo diễn Russo tiết lộ từ trước, nhưng cái tên không một lần được nhắc tới trong phim. Bên cạnh đó, ngoại trừ Vision (Paul Bettany), cũng không có nhân vật nào trong phim còn gọi Steve Rogers là “Captain”.

7. Kevin Bacon:

Ở Guardians of the Galaxy (2014), Star-Lord tiết lộ rằng anh là fan cuồng bộ phim Footloose (1984), và nhân vật Ren của Kevin Bacon đã cứu cả một thị trấn nhờ tài vũ đạo của mình. Anh rõ ràng rất giỏi “truyền bá” văn hóa đương đại khi Mantis (Pom Klementieff) lập tức bật ra cái tên “Kevin Bacon” khi Thor (Chris Hemsworth) kể về nhóm Avengers. Footloose sau đó còn được Peter Parker nhắc tới khi Star-Lord kể về cuộc “nhảy đấu” với tên Ronan (Lee Pace).

8. Aliens:

Kiến thức phim ảnh đã giúp Spider-Man đưa ra chiến lược đúng đắn, giúp các siêu anh hùng thổi bay Ebony Maw ra bên ngoài vũ trụ. Kế sách đến từ bộ phim Aliens (1986) nổi tiếng của đạo diễn James Cameron. Sau đó, nhóm Vệ binh dải Ngân hà xuất hiện và tưởng rằng Avengers là tay chân của Thanos.

Bị Mantis đụng vào người, Spider-Man lo ngại rằng cô sẽ cấy trứng vào trong cơ thể mình, để một quái vật có thể chui ra từ ngực sau này. Chi tiết gợi nhắc cảnh phim kinh dị nổi tiếng khác của Alien (1979).

9. Rìu Stormbreaker:

Để đấu lại với Thanos, Thor cần vũ khí mới và chu du tới hành tinh Nidavellir, tìm gặp Eitri (Peter Dinklage). Thần Sấm thuyết phục vua lùn rèn cho mình cây rìu Stormbreaker - thứ vũ khí chỉ dành cho các vị vua của Asgard. Ở truyện tranh, Beta Ray Bill có lần đánh bại Thor với phần thưởng đem ra đánh cược là Mjolnir. Tuy nhiên, hắn rốt cuộc lại lấy cây rìu sét từ thần Odin và trở thành người sở hữu Stormbreaker.

10. Binh đoàn Chitauri:

Lũ sinh vật từng gây náo loạn New York ở The Avengers nay có màn trở lại chớp nhoáng trong Avengers: Infinity War. Đó là cảnh hồi tưởng khi Thanos đặt chân tới hành tinh quê hương của Gamora, ra lệnh cho chúng tàn sát một nửa cư dân nơi đây. Tuy nhiên, trong lần đổ bộ xuống Trái đất ở gần cuối bộ phim mới, Chitauri bị thay thế bởi Outrider.

11. Drax và Mantis bị vô hiệu:

Viên Đá Thực tại được Thor gửi gắm cho The Collector (Benicio del Toro) trên hành tinh Knowhere ở cuối tập Thor: The Dark World. Nhóm Vệ binh dải Ngân hà toan đến đó để ngăn chặn hắn, nhưng tên “Titan điên” rốt cuộc lại nhanh chân hơn. Thanos dùng chính Đá Thực tại để khiến Drax (Dave Bautista) như vỡ thành từng khối, còn cơ thể Mantis như bị xé ra thành các dải ruy-băng. Cảnh phim lấy cảm hứng từ truyện tranh. Nhưng khi ấy, nạn nhân là Eros - anh trai của Thanos, và Nebula.

12. White Wolf:

Giống như lũ trẻ con trong đoạn after-credits của Black Panther, nay T’Challa (Chadwick Boseman) cũng gọi Bucky Barnes (Sebastian Stan) là “White Wolf”. Ở nguyên tác, White Wolf là con nuôi của vua T’Chaka, đứng đầu lực lượng cảnh sát chìm tại Wakanda. Song, do ghen tị và hiềm khích với T’Challa, gã sau này bị trục xuất. Có thể thấy White Wolf trong truyện tranh và trên màn ảnh hoàn toàn không liên quan tới nhau.

13. Doctor Strange bị tra tấn:

Loạt truyện Infinity của Jonathan Hickman là một trong những nguyên liệu để đội ngũ biên kịch xây dựng nên kịch bản cho Avengers: Infinity War. Giống như nguyên tác, Ebony Maw tóm được Doctor Strange và tra tấn thầy phù thủy. Điểm khác là trên phim, tên hầu cận của Thanos cốt chỉ muốn chiếm lấy viên Đá Thời gian. Còn trong truyện, Ebony Maw đã thao túng tâm trí Strange, khiến anh chống lại chính các đồng đội.

14. Vormir:

Các dự đoán của khán giả về địa điểm chứa đựng viên Đá Linh hồn có lẽ đều trật lất. Theo điều tra của Gamora (Zoe Saldana), thứ vật báu nằm trên hành tinh Vormir. Trong phim, địa điểm chỉ dừng lại ở cái tên. Nhưng trong nguyên tác truyện tranh, Vormir là hành tinh thuộc thiên hà của người Kree. Đây là quê hương của Vorm - loài sinh vật có hình dáng giống thằn lằn, và từng gây nhiều khó khăn cho nhóm Avengers.

15. Red Skull trở lại:

Một trong những màn xuất hiện gây bất ngờ nhất ở Avengers: Infinity War là Red Skull - kẻ tử thù của Captain America trong tập Captain America: The First Avengers (2011). Chạm vào khối Tesseract, gã bị thổi bay tới Vormir, và nay trở thành người canh giữ viên Đá Linh hồn. Điều đáng chú ý là tạo hình Red Skull lúc này khá giống với Death trong truyện tranh.

Ở nguyên tác, Tử thần vốn là người trong mộng của Thanos. Hắn dùng Găng tay Vô cực, búng tay và khiến nửa vũ trụ biến mất cốt để chiếm lấy trái tim Death. Khác với Captain America: The First Avenger, vai diễn Red Skull nay thuộc về Ross Marquand thay vì Hugo Weaving.

16. Đòn bất ngờ của Spider-Man:

Trong trận chiến trên hành tinh Titan, Thanos bị Spider-Man bắn tơ thẳng vào mặt và trở nên mất phương hướng. Nhưng gã lập tức lấy lại thế thượng phong, dùng tay như muốn đập bẹp Người Nhện. Cả hai cảnh phim diễn ra gần như y hệt trong truyện tranh.

17. Cái chết của Vision:

Ở nguyên tác truyện tranh, Vision tồn tại không nhờ viên Đá Tâm trí như trên phim. Nhưng anh cũng là một nạn nhân của Thanos trong trận đại chiến khóc liệt. Tên “Titan điên” đã khiến Vision như vỡ nát, và moi cả cấu tạo máy móc bên trong siêu anh hùng. Trong Avengers: Infinity War, điều tương tự xảy ra sau khi Thanos móc viên Đá Tâm trí khỏi trán Vision.

18. Thanos bình thản:

Sau cái búng tay định mệnh và quét sạch một nửa vũ trụ, Thanos ngồi lặng yên ở nơi ẩn náu, ngắm cảnh vật tươi đẹp xung quanh, nở một nụ cười hơi nhếch mép. Gã tỏ ra khá bình thản sau những gì vừa gây ra. Cái kết dành cho Thanos ở nguyên tác truyện tranh thực tế cũng gần giống như vậy.

19. Captain Marvel:

Không trực tiếp xuất hiện trong phim, nhưng nhân vật mới của Brie Larson được khéo léo nhắc tới qua đoạn phim after-credits. Trước khi tan biến bởi cái búng tay định mệnh của Thanos, Nick Fury (Samuel L. Jackson) gửi đi một tin nhắn khẩn cấp. Logo trên màn hình máy nhắn tin cho thấy logo của Captain Marvel. Nhân vật chuẩn bị có tập phim riêng cùng tên vào tháng 3/2019, trước khi xuất hiện ở Avengers 4 sau đó đúng hai tháng. Ngoài ra, Samuel L. Jackson suýt nữa đã hoàn thành câu thoại quen thuộc “Motherf*cker” trước khi biến mất.