18 bộ phim Hollywood phải “luồn cúi” để móc ví tiền khán giả Trung Quốc

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 20/10/2016 0:00 AM

Ngày nay, Hollywood đang tập trung vào thị trường Trung Quốc hơn bao giờ hết. Đó là điều dễ hiểu bởi tới năm 2017, rất có thể đây sẽ là phòng vé lớn nhất thế giới.

Ngày nay, Hollywood đang tập trung vào thị trường Trung Quốc hơn bao giờ hết. Đó là điều dễ hiểu bởi tới năm 2017, rất có thể đây sẽ là phòng vé lớn nhất thế giới. Và nó cũng đồng nghĩa với việc họ phải vượt qua hệ thống kiểm duyệt vô cùng khắt khe của Trung Quốc, quốc gia chỉ cho phép công chiếu khoảng 34 bộ phim nước ngoài mỗi năm.

Bạo lực, giới tính, chính trị, hay thậm chí cả năng lực siêu nhiên … bất cứ nội dung nhạy cảm nào có liên quan tới quốc gia này hầu hết đều sẽ bị loại thẳng tay. Bên cạnh đó, tại Trung Quốc không có hệ thống xếp hạng phim, vậy nên tất cả các tác phẩm ra rạp đều phải phù hợp với khán giả đại chúng.

Tuy nhiên, điều này chưa đủ để khiến các studio bỏ qua một con cá lớn như vậy, nên có không ít bộ phim Hollywood vì muốn đặt chân vào phòng vé Trung Quốc mà tự thay đổi không ít về cả nội dung, nhân vật …

Dưới đây là 18 cái tên nổi bật nhất:

1. “Doctor Strange”: Marvel đã phải thay đổi nguồn gốc nhân vật The Ancient One từ Tây Tạng sang thành Celtic để tránh làm “phật ý” chính phủ Trung Quốc. Kết quả là khiến tạo hình của nhân vật trở nên không phù hợp và mang tính phân biệt chủng tộc, “tẩy trắng” nguồn gốc.

2. “Iron Man 3”: The Mandarin từ một thiên tài người Trung Quốc độc ác trong comic biến thành một tay diễn viên phương Tây làm bình phong cho kẻ ác thực sự. Bên cạnh đó, vô số quảng cáo sản phẩm nhãn mác Trung Quốc được đưa vào trong phim, và có hai diễn phụ là Phạm Băng Băng và Vương Học Kỳ. Một số tình tiết chỉ được sử dụng cho riêng phiên bản chiếu ở nước Trung Quốc.

3. “Cloud Atlas”: Để được ra rạp tại Trung Quốc, bộ phim phải cắt đi gần 30 phút những phần có nội dung gây tranh cãi về tình dục.

4. “Looper”: Cảnh tương lai ở Paris bị chuyển thành cảnh tương lai ở Thượng Hải, chắc hẳn là để lấy lòng khán giả Trung Quốc, đồng thời cũng có sự tham gia của một diễn viên phụ gốc Trung Quốc là Hứa Tinh.

5. “X-Men: Days of Future Past”: Nửa tiếng thời lượng phim được quay ở Hồng Kông, bên cạnh đó là dàn diễn viên phụ người Trung Quốc gồm ngôi sao Phạm Băng Băng và một nhóm nhạc nam.

6. “Skyfall”: Cảnh James Bond giết một tay cảnh vệ người Trung Quốc đã bị cắt khỏi phim và một tình tiết phim khác cũng đã được cắt bỏ ở phiên bản chiếu ở Trung Quốc, chưa kể phần phụ đề cho đoạn sòng bạc không hề liên quan đến những gì nhân vật nói. Ngoài ra tất cả phiên bản phim đều phải có cảnh quay ở Thượng Hải và Ma Cao.

7. “Mission: Impossible 3”: Cắt bỏ cảnh quay có … giá phơi quần áo tại Thượng Hải trong bản Trung Quốc. Có vẻ như giặt là tại đây là một vấn đề nhạy cảm.

8. “Pirates of the Caribbean: At World’s End”: Nhân vật của Chu Nhuận Phát không được xuất hiện trong bản Trung Quốc, bởi vì thể hiện hình ảnh cướp biển người Trung là không thể chấp nhận được.

9. “Transformers: Age of Extinction”: Hàng tàu ở khắp mọi nơi, từ thẻ tín dụng đến … hộp sữa mà nhân vật chính uống đều mang nhãn hiệu Trung Quốc. Bộ phim này cũng được đồng sản xuất bởi công ty Jiaflix Enterprises của Trung Quốc.

10. “Men in Black 3”: Cảnh nhóm người Trung Quốc bị tẩy trí nhớ đã bị cắt bỏ ở phiên bản tại Trung Quốc, rõ ràng người dân của quốc gia này là bất khả xâm phạm. Ngoài ra, cảnh người ngoài hành tinh giả làm nhân viên phục vụ nhà hàng Trung Quốc cũng bị cắt nốt.

11. “World War Z”: Trong nguyên tác tiểu thuyết, nguồn gốc của virus zombie là ở Trung Quốc, nhưng khi lên phim nó đã bị chuyển thành Nga.

12. “Pixels": Cắt bỏ cảnh Vạn Lý Trường Thành bị tấn công, cùng nhiều thay đổi khác để được phát hành ở Trung Quốc.

13. “Red Dawn”: Trong giai đoạn hậu kỳ, đội quân xâm lược từ Trung Quốc đã phải đổi thành quân Triều Tiên.

14. “Captain America: Civil War”: Các thành viên của đội Avengers vì lý do nào đó đã phải dùng chiếc điện thoại rẻ tiền Vivo của Trung Quốc, trong khi họ đường đường có siêu đại gia Tony Stark hỗ trợ, chưa kể Chính phủ Mỹ.

15. “Warcraft”: Khi bộ phim dựa trên một tựa game có nhiều người chơi ở Trung Quốc hơn là Mỹ, cộng thêm để diễn viên Ngô Ngạn Tổ thủ một trong những vai chính là điều dễ hiểu. Và thành quả nhận được rất rõ ràng khi nó thu về 221 triệu USD ở riêng Trung Quốc, còn ở Mỹ chỉ vỏn vẹn 47 triệu USD.

16. “Independence Day: Resurgence”: Sử dụng ngôi sao Angela Baby để hút khách, đồng thời quảng cáo cho hàng tá sản phẩm Trung Quốc như ứng dụng QQ hay sữa Moon Milk.

17. “Django Unchained”: Phiên bản ban đầu đã bị gỡ bỏ ngay lập tức sau vài giờ công chiếu. Sau đó bộ phim bị cắt tơi tả và phát hành muộn cả tháng để loại bỏ những cảnh bạo lực, không phù hợp với “thuần phong mỹ tục” Trung Hoa.

18. “The Karate Kid”: Toàn bộ cảnh nhân vật Trung Quốc bắt nạt nhân vật chính đã bị cắt bỏ, để chứng minh rằng “người Trung Quốc không tấn công người Mỹ trừ khi bị kích động”, khiến cho cốt truyện của cả phim bị thay đổi từ mô típ “thiếu niên vùng lên thành kiểu tự khám phá bản thân”. Đồng thời, tên phim cũng phải đổi thành “The Kung Fu Kid”.

Còn rất nhiều bộ phim khác sử dụng những ngôi sao Trung Quốc để thâm nhập vào thị trường phòng vé khổng lồ này, ví dụ điển hình chính là “Rogue One: A Star Wars Story” sắp tới. Dù khá đau đầu với hệ thống kiểm duyệt hơi “quá đà” của chính phủ Trung Quốc, nhưng đã được công chiếu thì lợi nhuận mà họ thu về thêm cũng không hề nhỏ, thế nên tội gì mà không thử!

Theo BusinessInsider

Top game mobile iOS ở Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc trong tháng 9/2016