15 tựa game kinh điển mà suýt nữa chưa từng được ra đời (P1)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 31/05/2017 07:00 PM

Thông thường, một tựa game “bom tấn” sẽ mất nhiều năm để hoàn thiện và hàng trăm nhân sự để được ra đời, khiến chúng cực kỳ dễ gặp phải những vấn đề dẫn đến trì hoàn hay thậm chí hủy bỏ cả dự án.

Video game là một loại hình giải trí độc đáo về quy trình sản xuất và phát triển. Thông thường, một tựa game “bom tấn” sẽ mất nhiều năm để hoàn thiện và hàng trăm nhân sự để được ra đời, khiến chúng cực kỳ dễ gặp phải những vấn đề dẫn đến trì hoàn hay thậm chí hủy bỏ cả dự án. Tất nhiên những cái tên đình đám nhất cũng không thể tránh khỏi điều này, và có không ít những tựa game kinh điển suýt nữa đã chưa bao giờ tồn tại.

Xét tới khối lượng công việc và thời gian cần thiết để đưa bất cứ tựa game nào ra khỏi quá trình phát triển và đưa lên kệ bày bán, không có gì đáng ngạc nhiên khi đủ các thể loại vấn đề có thể nảy sinh. Những tựa game gặp vấn đề trong quá trình phát triển thường phải cắt cắt giảm nhân sự, do quỹ đầu tư bị rút ngắn vì nhà phát triển không còn muốn quá mạo hiểm – kể cả khi đã gần hoàn thành.

May mắn thay, nhà phát triển của những tựa game kinh điển dưới đây vẫn vượt qua được giai đoạn khó khăn, để mang đến cho chúng ta những trải nghiệm không thể nào quên.

Grand Theft Auto

Hiện nay, “Grand Theft Auto” đang là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất của ngành công nghiệp game, với doanh số mỗi phiên bản đều lên tới hàng chục triệu được tiêu thụ trên khắp thế giới. Tuy nhiên, series này có một khởi đầu khá khiêm tốn, thậm chí suýt chút nữa còn không được phát hành. Phần game đầu tiên bị trì hoãn khá lâu khi mà nhà thiết kế và ban nội dung liên tục bất đồng quan điểm về định hướng phát triển thích hợp đối với “Grand Theft Auto”. Điều này khiến cho nhà phát triển tại Mỹ có ý định “chôn” luôn game bởi một số cột mốc đã không kịp tiến độ đề ra. Rất may là nhờ thái độ kiên quyết của studio tại những buổi họp mặt hàng tuần, dự án này mới được tiếp tục triển khai, và chúng ta có một “GTA” huyền thoại như ngày nay.

Pokémon Red and Blue

Những tựa game “Pokémon” đầu tiên được sản xuất bởi một đội ngũ nhỏ trong khoảng thời gian khá dài – chính xác là 6 năm phát triển. Thời gian kéo dài cũng đồng nghĩa với việc dự án phải đối mặt với vô số vấn đề trước khi nó được hoàn thành. Nguy hiểm nhất là các máy tính liên tục quá tải nhiệt và bị “treo”, đẩy cả quá trình phát triển vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Rất may là các kỹ thuật viên đã xử lý kịp thời và đưa chúng về trạng thái ban đầu, vậy nên không có quá nhiều thiệt hại xảy ra. Nếu không, chắc chắn “Pokémon Red and Blue” có lẽ sẽ không bao giờ được ra đời!

GoldenEye 007

Toàn bộ quá trình phát triển của “GoldenEye 007” – một trong những video game nổi tiếng và quan trọng nhất trong lịch sử ngành game, là một dự án trì hoãn kéo dài và vấp phải vô số vấn đề nan giải. Trong tổng số 10 thành viên của dự án, chỉ có 8 người từng phát triển game trước đó, nhân lực đã ít, lại không có nhiều kinh nghiệm nên quả thực rất khó khăn. Dự án kéo dài 32 tháng đồng nghĩa với việc nó được phát hành 2 năm sau khi bộ phim gốc ra rạp. Tuy nhiên điều phi thường nhất chính là tính năng nhiều người chơi được thực hiện gần như toàn bộ bởi chỉ một người. Nó được giữ bí mật tới cuối cùng và bổ sung vào game như một phương án dự phòng.

Fallout 3

Ban đầu, Black Isle Studios – đội ngũ đứng đằng sau “Fallout” và “Fallout 2” vẫn là những người chịu trách nhiệm phát triển “Fallout 3”, sự khác biệt là phần game này được định hướng xây dựng trên một nền tảng phần cứng hiện đại hơn kèm theo mô hình và đồ họa 3D. Sau đó, nhà phát hành Interplay Entertainment bị phá sản và dự án đối mặt với nguy cơ hủy bỏ thực sự cho đến khi Bethesda vào cuộc mua bản quyền và tiếp quản “Fallout 3”. Một vài thành viên của Black Isle Studios rời công ty cũ để lập nên Obsidian Entertainment, sau đó phát triển một phần game spin-off mang tên “Fallout: New Vegas”.

Madden NFL

Ngày nay, “Madden NFL” đã trở thành một trong những thương hiệu game thể thao nổi tiếng nhất trên thế giới, tuy nhiên ít ai biết rằng đã có thời điểm phần game đầu tiên suýt bị hủy bỏ khi John Madden dọa rút khỏi dự án vào năm 1984. Vấn đề nảy sinh khi nhà phát triển thú nhận rằng với công nghệ phần cứng tại thời điểm đó, họ chỉ có thể mô phỏng một trận bóng bầu dục với 7 cầu thủ mỗi bên. Đối với Madden, đây là điều không thể chấp nhận được, ông khẳng định rằng nếu như họ muốn có cái tên của ông cho một tựa game bóng bầu dục chuyên nghiệp, bắt buộc phải là 22 cầu thủ như thật. Và tất nhiên cuối cùng thì studio đã phải nghe theo và hiện thực hóa điều này.

Battlefield 1

Lần đầu tiên EA thông báo về “Battlefield 1” vào năm 2016, nó đã làm kinh ngạc đông đảo công chúng. Bởi lẽ hầu hết tất cả những tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất đều lấy bối cảnh hiện đại hoặc tương lai thay vì quay lùi về quá khứ. Thậm chí cả Patrick Söderlund – phó giám đốc Electronic Arts cũng cảm thấy sốc khi studio DICE đề ra ý tưởng của “Battlefield 1”. Ông cho rằng bối cảnh Thế Chiến I không thể hấp dẫn cộng đồng người chơi đã quen thuộc với những game hiện đại được. Nhưng sau đó “Battlefield 1” cũng đã được bật đèn xanh khi nhà phát triển thuyết phục Patrick thành công rằng fan đang háo hức chờ đợi một sự thay đổi mới mẻ của dòng game này.

Harvest Moon

“Harvest Moon” có một quá trình phát triển khá chông gai. Ý tưởng game mô phỏng nông trại là một mô típ hoàn toàn mới vào giữa thập niên 90, điều đó đồng nghĩa với việc studio phát triển không có cơ sở nghiên cứu mẫu nào cả. Game liên tục bị trì hoàn, nhưng vấn đề nan giải nhất xuất hiện 6 tháng sau khi bản chơi mẫu đầu tiên ra đời. Studio bị phá sản, chủ tịch công ty “mất tăm mất hơi”, các đội ngũ phát triển bị phân tán. Cha đẻ của dự án Wada Yasuhiro thậm chí còn định bỏ mặc tất cả và tìm công việc mới, nhưng nhờ sự thuyết phục của hai đồng nghiệp, ông đã ở lại và tiếp tục hoàn thành “Harvest Moon”. Quả là một quyết định không thể sáng suốt hơn!

Theo Ranker