15 thắc mắc chưa có lời giải đáp về những kẻ phản diện trong series Final Fantasy (Phần 2)

SmiLe  - Theo Trí Thức Trẻ | 02/05/2017 07:21 AM

Tiếp tục là phần tiếp theo trong series bài viết khám phá các bí mật trong Final Fantasy.

8. Boss tự đánh chính mình

Elemental Archfiend của Final Fantasy IV là những ác nhân khá nổi tiếng. Chúng xuất hiện trong khá nhiều tựa game Final Fantasy khác. Sự phổ biến này xuất phát từ việc Final Fantasy IV rất thành công tại Nhật Bản.

Rubicante là nhân vật đứng đầu của Elemental Archfiend. Không giống những tên khác, Rubicante là kẻ sống có danh dự. Hắn sẽ hồi phục toàn bộ sức khỏe cho nhóm trước khi chiến đấu với hắn để có một cuộc chạm trán công bằng. Là một quái vật hệ lửa nên Rubicante khá yếu đuối trước phép thuật băng giá. Tuy nhiên khi hắn trốn sau lớp áo choàng thì mọi phép không phải lửa sẽ hồi máu cho hắn.

Trong một phiên bản về sau của Final Fantasy IV, một lỗi ngớ ngẩn đã biến Rubicante thành một đối thủ ngon xơi. Hắn được lập trình là sẽ phản đòn lại phép summon bằng việc sử dụng Blizzara lên chính hắn. Mục đích là để hồi máu khi đang quấn áo choàng. Nhưng do lỗi chương trình nên hắn sử dụng cả khi không khoác áo. Rubicante sẽ đánh vào chính điểm yếu nhất của mình với sát thương cực lớn.

9. Bỏ qua Neo Death

Boss cuối của series Final Fantasy càng ngày càng trở nên dị hợm qua thời gian. Chaos của Final Fantasy I trông chỉ như một con quỷ thông thường, Hoàng đế trong Final Fantasy II thì giống một bộ giáp bay lơ lửng, Cloud of Darkness trong Final Fantasy III trông như một phụ nữ mập mạp bao quanh bởi hàng loạt xúc tu. Đến Zeromus (Final Fantasy IV) chúng ta có một con côn trùng lớn màu đỏ.

Final Fantasy V có lẽ là có trùm cuối bất thường nhất. Neo Exdeath là sự kết hợp giữa ác quỷ và quần áo của nhân vật nữ trong phim hoạt hình. Nếu bạn không muốn tham gia trận đánh này, bạn có thể bỏ qua bằng cách tận dụng một lỗi nhỏ trong phiên bản SNES. Khi chiến đấu với hình dạng đầu tiên của Exdeath (một cái cây), bạn có thể dùng Reflect để giết nó và game sẽ tự động bỏ qua màn đấu trùm tiếp theo và đi thẳng đến kết thúc.

10. Don Corneo nghỉ hưu

Khu ổ chuột Sector 6 của Midgar là một trong những địa điểm được bàn luận nhiều nhất trong series Final Fantasy. Có thể kể ra những nơi như Nhà nghỉ Honeybee, về bản chất là một nhà chứa, nhân viên mặc cosplay những chú ong. Bạn sẽ ghé qua nhà nghỉ này lúc làm nhiệm vụ tìm đồ nữ sexy cho Cloud. Nguyên nhân là do anh cần phải giả gái để xâm nhập được vào nhà của Don Corneo. Khi vào được bên trong dinh thự Corneo, sẽ có rất nhiều thứ hay ho diễn ra. Một trong những câu hỏi lớn về Final Fantasy VII Remake là liệu những địa danh như thế này có được giữ nguyên hay không.

Don Corneo là kẻ nổi tiếng dâm dê, đã 2 lần lừa Shinra và âm mưu ăn cắp materia của nhóm ở Wutai. Lần cuối chúng ta được thấy Corneo là khi hắn bị ném từ trên đỉnh một bức tượng khổng lồ xuống đất, được cho là đã chết.

Trong tiểu thuyết spinoff của Final Fantasy VII có tựa đề Final Fantasy VII Lateral Biography Turks -The Kids Are Alright, số phận của Don Corneo đã được hé lộ. Hắn sống sót sau sự kiện ở Wutai nhưng bị liệt 2 chân. Corneo quay về dinh thự ở khu ổ chuột và bắt đầu đầu tư vào kinh doanh hợp pháp. Hắn đồng ý cung cấp nhiên liệu cho nhân vật chính (trong truyện) trên hành trình của mình.

11. Trận đấu với Deathgaze

Deathgaze là con trùm tương đối phiền phức trong Final Fantasy. Nó có khả năng bay và ẩn nấp đâu đó trên world map. Cách duy nhất để kích hoạt trận đánh với Deathgaze là dùng airship và tông thẳng vào nó. Để tìm được nó dễ dàng nhất thì hãy nghiêng chiếc tàu của bạn hơi chéo góc so với bản đồ, cứ thế tiến lên, cuối cùng bạn sẽ thấy Deathgaze.

Theo một số file hội thoại không được sử dụng trong game, màn đối mặt với Deathgaze đã bị cố tình thiết kế sao cho phức tạp hơn. Ban đầu người chơi đáng lẽ chỉ cần tấn công nó với các phép trạng thái để ngăn Deathgaze phản đòn bằng phép thuật. Tuy nhiên trong phiên bản hoàn chỉnh bạn phải mất cả ngày để đuổi theo nó khắp bản đồ.

Mặc dù Deathgaze trong Final Fantasy VI không quá ấn tượng nhưng nó lại là cảm hứng cho một cuộc rượt đuổi cực kỳ đáng nhớ với Ultima Weapon trong Final Fantasy VII.

12. Fanboy Seifer

Seifer là kình định của nhân vật chính Squall Leonhart trong Final Fantasy VIII. Hắn phản bội lại bạn bè và gia nhập phe Phù thủy Edea từ khá sớm. Seifer trở thành vệ sĩ trung thành của mụ và đóng vai trò như một phó chỉ huy. Seifer liên tục thách thức người chơi xuyên suốt game.

Trong cuốn hướng dẫn Final Fantasy VIII Ultimania, động cơ của Seifer đã được hé lộ. Thuở nhỏ, Seifer được xem bộ phim kể về một hiệp sĩ bảo vệ một Phù thủy khỏi loài rồng. Cậu bé thần thượng nhân vật chính trong phim và còn sao chép cả các hành động khi chiến đấu. Khi một Phù thủy xuất hiện ngoài thế giới thực, ngay lập tức Seifer chớp lấy cơ hội để thực hiện giấc mơ thời thơ ấu. Bộ phim kể trên chính là tác phẩm mà Laguna tham gia tại Trabia Canyon. Điều này có nghĩa là Seifer vô tình chịu ảnh hưởng của cha Squall.

Mặc dù điều này giải thích được tính cách của Seifer nhưng chúng ta cũng không thể hiểu tại sao hắn có thể giết Odin chỉ bằng một đòn duy nhất.

13. Bại trận dưới tay Black Waltz

Trong series Final Fantasy, có nhiều trường hợp bạn gặp chữ Game Over mà cả nhóm chưa chết hết. Một số nhiệm vụ giới hạn thời gian như thoát khỏi lò phản ứng ở đoạn đầu Final Fantasy VII hay chiến đấu với Vegnagun trong Final Fantasy X-2 sẽ khiến bạn thua cuộc khi chờ quá lâu. Nếu bạn để Sin bơm đầy cột Overdrive ở trận trên airship (Final Fantasy X), nó sẽ thi triển được một đòn Gravity cực mạnh, thổi tung tàu của bạn thành nhiều mảnh.

Có một cách để Game Over trong Final Fantasy IX mà vẫn còn ít nhất một thành viên sống sót. Khi đối mặt với Black Waltz #2, nó sẽ không tấn công Công chúa Garnet. Nếu giết được 3 thành viên còn lại, nó sẽ dùng phép Hypnotise lên Garnet khiến cô bất tỉnh. Black Waltz #2 sau đó bắt lấy Công chúa và đưa cô về cho Nữ hoàng Brahne.

14. Weapon bí mật

Các quái vật Weapon của Final Fantasy VII đã trở nên quá nổi tiếng trong giới hâm mộ do độ khó của chúng. Người chơi đã phải mất gần 2 thập niên để tìm ra cách đối phó hữu hiệu với Ruby và Emerald Weapon.

Final Fantasy VII có tất cả 5 quái vật Weapon tồn tại. Sapphire Weapon bị tiêu diệt sau phát bắn của quân đội Shinra trong một cắt cảnh. Diamond Weapon là đối thủ theo kịch bản chính. Ultima Weapon là trùm phụ và phải truy đuổi khắp bản đồ bằng airship. Hai con cuối cùng, khó nhằn nhất như đã kể trên Ruby & Emerald Weapon. Thành viên thứ 6, có tên Omega được giới thiệu trong Dirge of Cerberus: Final Fantasy VII.

Nhưng thực chất còn một quái vật Weapon nữa trong vũ trụ Final Fantasy VII – Jade Weapon. Nó được giới thiệu trong trò chơi trên điện thoại di động tại Nhật, Before Crisis -Final Fantasy VII-. Nó là con Weapon đầu tiên thức tỉnh do sự đe dọa của Zirconiade. Địa điểm của con này tùy thuộc vào vị trí khi bạn chơi game. Nếu bạn chơi Before Crisis ở Tokyo thì Jade Weapon xuất hiện ở Midgar. Còn nếu bạn chơi ở Kyoto thì nó có mặt ở Wutai.

15. Supernova thực chất là gì?

Trận đấu trùm áp chót với Sephiroth trong Final Fantasy VII là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất series. Bạn phải đối mặt với Sephiroth tại một địa điểm trông giống thiên đàng, mặc dù lúc đó bạn đang ở dưới lòng đất. Sephiroth lúc này đã biến thành một thiên thần với bảy chiếc cánh, liên tục bay lên bay xuống. Bản nhạc nền trận đánh này cũng là một trong các giai điệu được yêu thích nhất do độ hoành tráng của nó.

Trong cuộc chiến, Sephiroth sẽ sử dụng một kỹ năng có tên “Supernova” và có cắt cảnh dài tới 2 phút. Bạn sẽ được xem một thiên thạch hủy diệt hầu hết các hành tinh trong hệ mặt trời, trước khi đánh trúng vào nhân vật của bạn. Tuy nhiên đòn đánh này không thể hiểu theo nghĩa đen vì Sephiroth có thể dùng nó nhiều lần (với các hành tinh đã trở lại đúng vị trí). Supernova cũng không thể giết được nhóm của người chơi vì nó gây sát thương theo phần trăm.

Vậy chính xác Supernova là gì? Khi Sephiroth thi triển nó, người chơi có thể nhận ra âm thanh tương tự lúc summon. Điều này khiến người hâm mộ tin rằng Supernova chính là phép summon. Sự thật được hé lộ trong Crisis Core -Final Fantasy VII- cho hệ máy PlayStation Portable. Theo một thành viên trong fan club của Sephiroth, Supernova là chiêu Limit Break của hắn.

Cách giải thích này khá hợp lý vì nhiều đòn Limit Break trong game cũng có nét tương đồng. Great Gospel của Aerith triệu hồi hàng tá thiên thần từ Thiên đàng, còn Barret có thể thổi tung kẻ địch bằng laser từ vệ tinh, kể cả khi đang trong nhà. Các nhân vật chính đã vậy tại sao Sephiroth lại không có Limit Break hư cấu như thế?