12 giả thuyết "điên rồ" nhất của fan hâm mộ về series Final Fantasy (Phần 1)

SmiLe  - Theo Trí Thức Trẻ | 16/05/2017 01:35 PM

Sự nổi tiếng của Final Fantasy VII giúp những người đàn anh của nó cũng nhận được sự chú ý từ người hâm mộ. Rất nhiều website và diễn đàn được lập ra dành riêng cho dòng game đình đám này. Nhiều thành viên dành vô số thời gian để mổ xẻ, ngấu nghiến các thông tin họ có được về những phiên bản đã ra mắt.

Giống với series Pokémon, thương hiệu Final Fantasy đã tìm được chỗ đứng của mình ở phương Tây với sự trợ giúp đắc lực của mạng Internet. Trong khi các phiên bản đầu tiên chỉ có được thành công khá khiêm tốn ở Mỹ (và thậm chí còn không được phát hành ở Châu Âu) thì sự có mặt của Final Fantasy VII vào năm 1997 đã thay đổi tất cả. Nó biến series này từ tài sản độc quyền của Nintendo trở thành một biểu tượng của Sony. Hệ máy PlayStation cho phép nhà sản xuất tiến lên nền đồ họa 3D và kể những câu chuyện sâu sắc hơn.

Sự nổi tiếng của Final Fantasy VII giúp những người đàn anh của nó cũng nhận được sự chú ý từ người hâm mộ. Rất nhiều website và diễn đàn được lập ra dành riêng cho dòng game đình đám này. Nhiều thành viên dành vô số thời gian để mổ xẻ, ngấu nghiến các thông tin họ có được về những phiên bản đã ra mắt.

Bắt đầu từ đây, nhiều giả thuyết của về Final Fantasy đã được tạo ra để giải thích cho những bí ẩn chưa được giải đáp trong kịch bản. Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau điểm lại những suy diễn và ý tưởng điên rồ nhất mà fan hâm mộ từng dựng lên trong thời gian qua.

1. Cloud, Tifa và Barret sẽ bị đày xuống địa ngục

Final Fantasy VII nhận được nhiều spin-off hơn bất kỳ tựa game nào của series. Có sản phẩm rất tuyệt vời (như Crisis Core) nhưng cũng có những thứ dở tệ (Dirge of Cerberus). Mặc dù game đã đạt được thành công vang dội nhưng vẫn có những phần thuộc “Compilation of Final Fantasy VII” không được phát hành bên ngoài Nhật Bản. Một trong số chúng là tiểu thuyết Hoshi wo Meguru Otome (The Maiden who travels the Planet). Truyện do Benny Matsuyama sáng tác, kể về hành trình của Aerith ở Lifestream sau khi chết, tiết lộ số phận của nhiều nhân vật từng xuất hiện trong game.

Chúng ta sẽ được gặp lại 3 thành viên nhóm AVALANCHE thiệt mạng trong một sự kiện đầu game là Biggs, Wedge và Jessie. Họ bị kẹt lại nơi chốn u minh do tội lỗi bản thân đã gây ra khi còn sống. Chắc hẳn các bạn còn nhớ nhiệm vụ đầu tiên của Final Fantasy VII là theo chân AVALANCHE đánh bom một lò phản ứng Mako đang hút cạn sự sống của hành tinh. Biggs, Wedge và Jessie cảm thấy hối hận trước cái chết của những người vô tội trong nhiệm vụ ấy nên không thể siêu thoát.

Vấn đề là Cloud, Barret và Tifa cũng tham gia vụ “khủng bố” này. Trách nhiệm của họ với những người bị thiệt mạng cũng tương tự các thành viên AVALANCHE khác. Liệu rằng họ cũng sẽ chịu chung số phận như thế không?

2. Cloud of Darkness từng là người tốt

Trùm cuối trong Final Fantasy III là Cloud of Darkness. Hình dáng của Cloud có thể làm liên tưởng tới một người phụ nữ xinh đẹp, nhưng mụ thực ra là một thế lực siêu nhiên, âm mưu chấm dứt mọi sự sống đang tồn tại. Các nhân vật chính không thể đánh bại được mụ ngay từ đầu mà phải nhờ tới sự trợ giúp của nhóm “Warrior of Darkness”. Họ hi sinh thân mình để khiến Cloud of Darkness có thể bị tổn thương, giúp người chơi hạ gục được mụ hoàn toàn.

Các Warrior of Darkness từng úp mở về một mặt khác của Cloud of Darkness. Điều này đã dẫn đến giải thuyết “Cloud of Light”.

Cloud of Light chính là phiên bản tốt của Cloud cần phải bị tiêu diệt bởi Warrior of Darkness để duy trì cân bằng. Ngay cả khi thế giới bị bóng đêm bao phủ thì ánh sáng và sự sống vẫn tồn tại.

Mối liên hệ này được củng cố hơn ở tựa game đối kháng crossover Dissidia Final Fantasy. Cloud of Darkness là một nhân vật điều khiển được, đại diện cho phe Chaos. Trang phục thứ 3 dành cho Cloud of Darkness là Lucent Robe, một chiếc áo choàng màu tím trắng. Đây có thể chính là hình dáng của “Cloud of Light” trên thực tế.

3. Rinoa chính là Ultimecia

Một tác giả cần phải đặc biệt cẩn thận khi đề cập đến du hành thời gian. J.K Rowling đã học được bài học này khi bà giới thiệu Time-Turner trong Harry Potter và người tù Azkaban. Sau đó bà phải mất hàng năm trời trả lời những bức thư hỏi tại sao các nhân vật không sử dụng Time-Turner để giải quyết mọi sự kiện.

Đây cũng là vấn đề Final Fantasy VIII gặp phải khi ma nữ Ultimecia trở về từ tương lai và biến thành nhân vật phản diện chính của trò chơi. Nhiệm vụ của người chơi là đối mặt với mụ và cứu lấy thế giới. Mục tiêu của Ultimecia là tạo ra “khoảng nén thời gian” để trở thành thánh thần.

Những năm gần đây, có một giả thuyết nổi lên cho rằng Ultimecia thực chất chính là Rinoa và lí do ả muốn điều khiển thời gian là vì muốn được đoàn tụ với Squall (người đã chết trước đó rất lâu). Điều này giải thích khá thỏa đáng cho động cơ của Ultimecia và tại sao mụ có thể sử dụng Guardian Force trong khi không ác nhân nào làm được. GF của ả cũng là Griever, lấy tên và thiết kế theo chiếc nhẫn Squall tặng Rinoa. Nguyên nhân Ultimecia tấn công Squall là vì bị mất trí nhớ khi sử dụng Guardian Force. Mụ vẫn muốn nén thời gian nhưng lại quên đi mục đích chính của nó.

4. Gogo chính là Darill

Final Fantasy VI có một lượng nhân vật không bắt buộc tương đối lớn. Điều này bắt nguồn từ việc nhóm của người chơi bị chia cắt trong khoảng nửa cuối game và bạn chỉ cần tìm thêm 4 thành viên nữa trước khi đối đầu với trùm cuối. Bạn có thể lựa chọn tìm đủ các nhân vật còn lại hoặc đi thẳng tới chỗ Kefka. Nếu bỏ qua thì bạn sẽ bị mất tới một phần ba nội dung trò chơi nên hãy cân nhắc.

Trong số các nhân vật ẩn có một Mime tên là Gogo, người bị giam trong bụng của một con quái vậy Zone Eater. Trở thành một Mime thực ra là thứ thú vị nhất bạn có thể làm ở Final Fantasy vì lệnh “mime” cho phép bạn copy hành động cuối cùng của đồng đội mà không mất gì. Nếu người trước vừa thi triển phép thuật mạnh nhất game thì Mime sẽ sử dụng tiếp… hoàn toàn miễn phí.

Mặc dù thân thế của Gogo không được hé lộ trong game nhưng nhiều fan hâm mộ cho rằng đó chính là Darill dưới lớp áo choàng. Darill vốn là phi công lái airship và quen biết với Setzer. Trong một cuộc đua giữa 2 người, tàu của Darill bị rơi. Setzer dành cả năm trời đi tìm kiếm nhưng chỉ thấy một airship trống không.

Có thể Darill vẫn sống sót sau tai nạn đó nhưng bị mất trí nhớ. Cô du hành khắp thế giới, học được kỹ năng Mime trước khi bị Zone Eater nuốt chửng. Cô không còn ký ức gì nên đã không nhận ra Setzer khi họ gặp lại nhau.

5. Học thuyết Eve Tam Diện

Final Fantasy IV có một kịch bản mang tính thiên anh hùng ca khá khủng vào thời điểm ra mắt. Với việc được mang lên hệ Super Nintendo thay vì NES như 3 người tiền nhiệm, Final Fantasy IV có thêm không gian để kể một câu chuyện hoàn chỉnh. Nó cũng là trò chơi đầu tiên của series giới thiệu khái niệm triết học “Eve Tam Diện”. Mỗi game Final Fantasy thuộc mainline (không tính MMO) đều có 3 nhân vật nữ chính tuân theo học thuyết này một cách chặt chẽ.

Eve Tam Diện chính là muốn nói về 3 thời kỳ quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ, chia theo độ tuổi. Đầu tiên là thời thơ ấu biểu trưng cho sự ngây thơ. Giai đoạn thứ 2 là thời thiếu nữ, đại diện cho sự gợi cảm. Cuối cùng là lúc làm mẹ ám chỉ sự giỏi giang. Mỗi game Final Fantasy từ phiên bản IV trở đi đều có lối suy nghĩ này, cụ thể:

Final Fantasy IV – Porom (thơ ấu), Rydia (thiếu nữ), Rosa (người mẹ)

Final Fantasy V – Krile, Faris, Lenna

Final Fantasy VI – Relm, Terra, Celes

Final Fantasy VII – Yuffie, Tifa, Aerith

Final Fantasy VIII – Selphie, Rinoa, Quistis

Final Fantasy IX – Eiko, Dagger, Freya

Final Fantasy X – Rikku, Yuna, Lulu (Final Fantasy X-2 là Rikku, Yuna, và Paine)

Final Fantasy XII – Penelo, Fran, Ashe

Final Fantasy XIII – Vanille, Fang, Lightning

Final Fantasy XV tuy không có nhân vật nữ chính rõ ràng như những tựa game trên nhưng chúng ta vẫn có thể kể đến Cidney, Luna và Aranea Highwind.

6. Jenova và Lavos là cùng một giống loài

Một công ty lớn như Square Enix (trước đó là Squaresoft) thường luôn phát triển nhiều sản phẩm cùng một lúc. Cũng dễ hiểu khi ý tưởng sơ khai của một trò chơi xuất hiện trong một trò chơi khác. Đó là lí do Phù thủy Edea của Final Fantasy VIII ban đầu lại chính là đầy tớ của Jenova trong Final Fantasy VII. Bối cảnh New York vốn được dành cho Final Fantasy VII lại xuất hiện ở một game khác (Parasite Eve).

Cả Chrono Trigger và Final Fantasy VII đều khởi đầu trong cùng một giai đoạn. Người hâm mộ đã không khó để nhận ra những nét tương đồng giữa 2 nhân vật phản diện của 2 tựa game này: Kẻ hủy diệt hành tinh Lavos và Thảm họa sự sống Jenova.

Nhiều người tin rằng Lavos và Jenova chung một chủng tộc. Chúng đều du hành qua các thiên hà để tìm một hành tinh cho riêng mình. Khi không còn gì để tiêu thụ, chúng lại di chuyển tới thế giới khác. Ở mỗi địa điểm, chúng được cư dân bản địa tôn thờ như những vị thần vì họ không biết được bản chất thực sự của sinh vật này. Mặc dù công nghệ hiện đại giúp việc mô tả Jenova có phần kinh dị hơn Lavos nhưng các bạn hoàn toàn có thể thấy những điểm giống nhau qua bức hình trên.