10 phát minh quan trọng nhất trong lịch sử ngành điện ảnh (P2)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 06/07/2016 0:00 AM

Từ thuở “sơ khai” cho tới gần một thế kỷ sau đó, các tác phẩm điện ảnh vẫn luôn được thực hiện trên phim cuộn. Ngày nay, công nghệ kỹ thuật số đã vươn lên nắm quyền kiểm soát hệ thống sản xuất phim quốc tế, là kỹ thuật chủ yếu được sử dụng trong cả quá trình quay và trình chiếu phim.

Kể từ khi ra đời, ngành công nghiệp điện ảnh đã liên tục đổi mới, phát triển để theo kịp thời đại và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khán giả, cả trong cách truyền tải câu chuyện và kỹ thuật chuyên môn. Các nhà sản xuất, đạo diễn và nhà làm phim luôn luôn tự đặt ra cho mình câu hỏi rằng “Những thứ gì khác có thể được sử dụng?”, hay “Chúng ta có thể dùng nó theo một cách khác được không?”. Theo hướng đi này, ngành điện ảnh đã tiến hóa không ngừng song vẫn giữ gìn được những yếu tố cốt lõi nhất.

Tiếp nối theo kỳ trước, dưới đây là phần còn lại của 10 phát minh quan trọng nhất trong lịch sử ngành điện ảnh:

6. VFX/CGI (bao gồm cả màn hình xanh)

VFX là mọi hiệu ứng hình ảnh được bổ sung trong giai đoạn hậu kỳ sản xuất, tức là một chuỗi những hình ảnh độc lập được tạo ra bên ngoài trường quay, trong đó thành phần quan trọng nhất là CGI (computer-generated imagery) – công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng vi tính. Những sản phẩm đáng chú ý đầu tiên ra đời theo công nghệ này là vào thập niên 70 khi mà vi tính đủ phát triển để tạo ra những hiệu ứng tương đối “thật”.

Đến thập niên 80, những “bom tấn” như “Tron” hay “Star Wars” đã mở ra một thế giới điện ảnh mới: tất cả mọi thứ đều có thể được tạo ra và thể hiện trên máy tính. Một trong những người tiên phong trong việc sử dụng VFX và CGI chính là đạo diễn James Cameron, ông đã đưa công nghệ này lên tầm cao mới với những tác phẩm đình đám của mình như “The Abyss” và “Terminator 2”.

Từ đó tới nay, CGI trở nên ngày càng phổ biến, đặc biệt hiệu quả trong thể loại phim hành động để tạo nên những cảnh quay hoành tráng, đã mắt mà ngoài đời khó có thể dựng nên được. Tuy nhiên, chính các bộ phim hoạt hình mới là chìa khóa đưa công nghệ CGI lên tới đỉnh cao, bắt đầu từ bộ phim kinh điển “Toy Story” của Pixar. Mọi thứ được tạo nên từ vi tính, song sự sống động và chi tiết mà chúng mang đến không kém gì thế giới thực của chúng ta.

Trong những năm gần đây, ngoài CGI thì còn có rất nhiều hiệu ứng hình ảnh được tạo nên từ công nghệ màn hình xanh và ghi nhận chuyển động (motion capture).

7. Camera kỹ thuật số

Từ thuở “sơ khai” cho tới gần một thế kỷ sau đó, các tác phẩm điện ảnh vẫn luôn được thực hiện trên phim cuộn. Ngày nay, công nghệ kỹ thuật số đã vươn lên nắm quyền kiểm soát hệ thống sản xuất phim quốc tế, là kỹ thuật chủ yếu được sử dụng trong cả quá trình quay và trình chiếu phim.

Camera kỹ thuật số quay lại hình ảnh thông qua pixel thay vì phim cuộn phải qua nhiều công đoạn phát triển và trình chiếu phức tạp; phim 35mm đã trở thành tiêu chuẩn cho các nhà làm phim trong suốt lịch sử của ngành điện ảnh. Những lợi thế của quay phim kỹ thuật số không được người trong ngành công nhận ngay lập tức, nhưng khi các công ty bắt đầu sản xuất ra những chiếc camera tiện lợi hơn, đồng thời cũng là lúc công nghệ vi tính trở nên phổ biến, “kỹ thuật số” trở thành lựa chọn được ưa thích hơn cả.

Bộ phim đầu tiên được quay hoàn toàn bằng công nghệ kỹ thuật số là “Star Wars EP. II – Attack of the Clones”. Dự án này của ông George Lucas nhận được những phản ứng trái chiều, song sự tiện lợi cũng như khả năng cắt giảm chi phí đáng kể của công nghệ quay phim mới này là không thể phủ nhận. Dù vậy, vẫn có nhiều đạo diễn từ chối chuyển sang kỹ thuật số, vì cho rằng nó sẽ làm mất chất “tự nhiên” của điện ảnh.

8. Dựng phim phi tuyến (Non-linear editing)

Dựng phim tuyến tính là hoạt động chỉnh sửa, cắt ghép phim dựa theo trình tự cố định của nguồn hình ảnh gốc, dù là phim cuộn hay băng. Đây là cách dựng phim duy nhất được biết đến trong ngành cho tới khi cuộc cách mạng kỹ thuật số cho phép chuyển những vật liệu thô lên một hệ thống vi tính.

Điều này có nghĩa là các nhà dựng phim có thể ngay lập tức tiếp cận tất cả các phần nguyên liệu thô và thực hiện điều chỉnh trực tiếp, “tuyến tính” không còn là một trở ngại của việc dựng phim nữa. Dựng phim phi tuyến giờ đây gần như là phương thức duy nhất được thực hiện và đã khiến công việc này trở nên hiệu quả hơn gấp nhiều lần.

Trước đây, kỹ thuật này có một nhược điểm là quá trình chuyển giao dữ liệu có thể khiến chất lượng hình ảnh bị giảm xuống. Nhưng với công nghệ ngày càng hiện đại, ngày nay đây đã không còn là một vấn đề đáng để bận tâm. Dựng phim phi tuyến đã giúp nâng cao số lượng hiệu ứng và chuyển đổi mà đạo diễn có thể thực hiện cho rất nhiều cảnh quay khác nhau, bởi có không ít những hiệu ứng phức tạp là “bất khả thi” với dựng phim tuyến tính.

9. 3D

Kể từ khi bom tấn “Avatar” gây nên hiện tượng toàn cầu vào năm 2009, công nghệ 3D đã trở thành một yếu tố không thể thiếu của những bộ phim điện ảnh thương mại. Bên cạnh đó cũng có nhiều bộ phim với kinh phí thấp áp dụng công nghệ này, không phải để “hoành tráng” mà chủ yếu là để có được một hướng tiếp cận “nghệ thuật” hơn. Trên thực tế, 3D đã tồn tại từ thập niên 50 khi những bộ phim đầu tiên với hình ảnh lập thể ra đời (như “Dial M for Murder” của Afred Hitchcock).

Trong thập kỷ tiếp theo, 3D trở thành yếu tố mới mẻ để thu hút khán giả đến xem phim như với “Jaws 3-D”, và thậm chí còn được sử dụng cho một số phim tài liệu nhất định. Cuối những năm 2000, công nghệ lập thể được tái sinh và khởi nguồn cho một dòng phim 3D mới. Đặc biệt chú ý rằng, có sự khác biệt khá lớn giữa những bộ phim được quay bằng công nghệ 3D, và những cái được quay 2D bình thường, nhưng bị “ép” chuyển sang 3D.

Tới nay, kể cả sau thành công rực rỡ của những dự án 3D như “Avatar”, công nghệ này vẫn đang phải “nhọc nhằn” chinh phục sự tín nhiệm từ các nhà sản xuất, rằng nó không phải chỉ có công dụng “quét sơn” bên ngoài. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều điểm trừ cần khắc phục như những chiếc kính xem phim kém dễ chịu, hình ảnh tối hơn, và hiệu ứng hình ảnh còn chưa thực sự thuyết phục.

10. IMAX

IMAX là viết tắt của Image Maximum – tức hình ảnh tối đa, được phát triển bởi Doanh nghiệp IMAX Canada. Nó là một định dạng phim tập trung cao nhất vào việc nâng cao độ phân giải của hình ảnh. Trong những năm gần đây, số lượng rạp phim IMAX đã tăng lên đáng kể, tính tới năm 2016 đã có 1,061 rạp ở 67 quốc gia trên toàn thế giới.

Cũng như 3D, IMAX mang tới một trải nghiệm xem phim mới lạ, và thường dùng để quảng bá cho những bộ phim “bom tấn” với ngân sách cực lớn. Một điểm chung khác là nhà sản xuất có thể chuyển đổi một bộ phim quay theo cách thông thường sang định dạng IMAX, mặc dù tất nhiên chất lượng sẽ không bằng một bộ phim được quay trực tiếp với công nghệ này.

Quay phim trên định dạng IMAX là một công việc tương đối khó khăn hơn, bởi máy quay nặng hơn so với bình thường, và cuộn phim cũng lớn hơn so với khổ 35mm bình thường (cụ thể là 65mm), như vậy mới thu về được những hình ảnh chất lượng tuyệt đối.

Suốt nhiều năm trời, IMAX được sử dụng chủ yếu cho các bộ phim tài liệu, chỉ cho tới cuối những năm 2000, chủ yếu nhờ vào đạo diễn Christopher Nolan và bộ ba phim “The Dark Knight”, IMAX mới lan rộng sang điện ảnh thương mại. Công nghệ này vẫn đang được phát triển, bị giới hạn trong một số cảnh quay nhất định của phim, song có lẽ chúng ta sẽ được xem một bộ phim được quay hoàn toàn bằng IMAX trong tương lai không xa.

Theo Taste of Cinema

15 bộ phim hoạt hình có doanh thu nội địa Mỹ cao nhất mọi thời đại