Một câu hỏi đặt ra là, khi mà bạn có thể chơi thoải mái những tựa game có đồ họa tiêu tốn tài nguyên nhất chỉ với một cái laptop văn phòng cùi bắp có cài Chrome thì nhu cầu nào dành cho việc mua bán linh kiện PC hoặc một cỗ máy console nữa?
10 năm sau, hãy nhớ đến ngày này, ngày ra đời của Stadia – Kẻ hủy diệt những cỗ máy chơi game cá nhân - Ảnh 1.

Bạn cần gì để chơi một tựa game nào đó? Câu trả lời chắc chắn đó là một chiếc console, một cái máy tính hay đơn giản chỉ là một chiếc điện thoại thông minh nhỏ xinh. Ấy nhưng có hàng tá những vấn đề ngay từ chính bước đầu tiên tưởng chừng đơn giản này: Bạn đã có sẵn một chiếc laptop văn phòng rồi, nhưng nó đâu đủ mạnh để chơi được những sản phẩm mới nhất có đồ họa tuyệt đỉnh; cái Xbox One hay Playstation 4 kia có giá hàng triệu đồng với mục đích duy nhất là giải trí; trong khi đó một chiếc smartphone thì chỉ đủ chơi những tựa game mobile hút máu mà thôi... Giải pháp để thay đổi tất cả những điều này là gì ?

10 năm sau, hãy nhớ đến ngày này, ngày ra đời của Stadia – Kẻ hủy diệt những cỗ máy chơi game cá nhân - Ảnh 2.
10 năm sau, hãy nhớ đến ngày này, ngày ra đời của Stadia – Kẻ hủy diệt những cỗ máy chơi game cá nhân - Ảnh 3.

Trừ khi bạn thi thoảng chỉ chơi game trên điện thoại khi không còn việc gì khác để làm, thì gaming chính xác là một sự đầu tư nghiêm túc, và cũng là một sự đầu tư khá lớn. Bạn sẽ phải tỉ mỉ lựa chọn phần cứng cho chiếc PC đủ sức chiến game của mình; nào là màn hình, CPU, card đồ họa,… và vị chi sơ sơ chắc chắn không dưới 10 triệu đồng. Hay đơn giản thì bạn có thể chọn lựa những hệ máy console rẻ hơn với cấu hình được định sẵn, nhưng chúng chỉ có một công năng là chơi game và phát phim thôi, đâu bằng được những PC hay laptop với đầy đủ tính năng làm việc kia.

Tựu chung là tất cả mọi thứ quá đắt! Chúng ta, những người đam mê game thông thường và không hẳn là dư dả về kinh tế, phân vân loạn đầu không chắc là sự đầu tư ấy có đáng không. Nhưng đừng lo, Cloud Gaming ở đây để giải quyết nỗi u sầu đó.

Câu hỏi đặt ra: Cloud Gaming là gì? Thông thường bạn sẽ cài đặt game lên máy tính, khởi chạy nó và để máy tính của bạn thực hiện công việc tính toán, render hình ảnh và các yếu tố khác; tựa game đó chạy có mượt và đẹp hay không phụ thuộc rất, rất, rất nhiều vào sức mạnh phần cứng máy tính của bạn. Cloud gaming thì tiếp cận theo một cách khác.

Dựa vào sức mạnh của Internet và công nghệ điện toán đám mây, các nhà phát triển đưa tới cho game thủ một sự lựa chọn khác thay cho việc chơi game truyền thống. Ấy là thay vì lưu trữ game trên máy tính của bạn, những sản phẩm đó sẽ được lưu trên phần cứng và server của nhà cung cấp. Sức mạnh xử lí không còn là vấn đề nữa vì giờ đây việc này sẽ được thử hiện trên những server này, stream dữ liệu lên thiết bị của người dùng. Ngược lại những điều khiển và tác động của họ lên game sẽ được gửi lại server kia để xử lí.

Điều này cơ bản có nghĩa rằng thiết bị của bạn chỉ cần có khả năng phát video là có thể dùng các dịch vụ cloud gaming được rồi. Điều này nghe có vẻ hơi phóng đại nhưng đây chính xác là mục đích và khả năng của công nghệ này: chơi game đỉnh ở mọi hoàn cảnh bất chấp cấu hình phần cứng không phù hợp.

10 năm sau, hãy nhớ đến ngày này, ngày ra đời của Stadia – Kẻ hủy diệt những cỗ máy chơi game cá nhân - Ảnh 4.

Cloud gaming chắc chắn không phải là công nghệ mới; việc lên ý tưởng và thực hiện nó đã được thực thi từ những năm chuyển giao giữa hai thế kỉ. Thậm chí cha đẻ của series game bắn súng nổi tiếng Crysis là Crytek từng tập trung nghiên cứu cloud gaming để ứng dụng cho các sản phẩm tương lai của hãng. Thế nhưng đường truyền Internet lúc đó chưa phát triển đủ để đảm bảo cho thành công của cloud gaming, vậy nên việc nghiên cứu của hãng game Đức chỉ kéo dài từ 2005 đến 2007.

Thế nhưng điều đó không ngăn cản được các nhà phát triển nhìn thấy được tiềm năng to lớn của công nghệ stream game. Bạn sẽ bất ngờ khi nhận ra có bao nhiêu dịch vụ cloud gaming đã được ra mắt chỉ trong hai mươi năm kể từ khi ý tưởng về nó được nhào nặn. Nào là PLAYCLOUD, GameCloud, GameFly Streaming, G-Cluster, Elastic Virtualization Engine, GLOUD, LOUDPLAY, Shadow, Gaming: Solved., Playcast Media System và hàng tá các dịch vụ khác.

Những cái tên nổi bật nhất chắc chắn phải kể đến GeForce NOW của Nvidia hoặc Playstation Now của Sony, hai dịch vụ stream game nổi tiếng nhất thời điểm hiện tại. Kho game của hai dịch vụ này đang ngày càng được mở rộng và tiếp nhận được sự ủng hộ ở một mức độ nhận định. Trong khi Playstation Now cho phép các tín đồ của hệ console đến từ Nhật Bản trải nghiệm các sản phẩm Playstation trên cả PC thì GeForce NOW có một thư viện game khổng lồ đủ mọi thể loại cho Nvidia Shield, PC và macOS.

10 năm sau, hãy nhớ đến ngày này, ngày ra đời của Stadia – Kẻ hủy diệt những cỗ máy chơi game cá nhân - Ảnh 5.

Bạn không cần phải lo lắng về chi phí mua game khi mà kho lưu trữ khổng lồ của những nền tảng Cloud Gaming luôn luôn sẵn sàng chỉ với một vài cú click.

Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Cloud gaming không phải là một công nghệ hoàn hảo; sự phụ thuộc quá nhiều vào mạng lưới Internet của nó chính là một con dao hai lưỡi khiến cho công nghệ này mất điểm. Một mặt nó cho phép bạn chơi game ở bất cứ đâu, nhưng mặt khác nó khiến cho trải nghiệm game mất đi sự mượt mà vốn có.

Cái gì cũng cần có thời gian, và việc truyền tải thông tin cũng vậy. Khi người chơi điều khiển nhân vật trong game, dữ liệu cần thời gian để được truyền lên máy chủ và ngược lại. Điều này tạo ra input lag, hay nói cách khác là một độ trễ nhất định khiến cho trải nghiệm game luôn trong tình trạng ‘chờ’. Đối với những game có nhịp độ chậm thì có lẽ không sao, nhưng sẽ thật ức chế nếu như đó là những sản phẩm bắn súng yêu cầu phản xạ cực nhanh, nhỉ?! Đây cũng là lí do mà hầu hết các dịch vụ cloud gaming khuyến cáo người dùng nên có một kết nối Internet ổn định ở hoặc lớn hơn 5MB/s.

10 năm sau, hãy nhớ đến ngày này, ngày ra đời của Stadia – Kẻ hủy diệt những cỗ máy chơi game cá nhân - Ảnh 6.

Thế nhưng tất cả những vấn đề sẽ được giải quyết một sớm một chiều, khi ta xét lấy tốc độ phát triển của kết nối mạng Internet của năm 2019. Sẽ chẳng bao lâu nữa cloud gaming sẽ không còn input lag, đặc biệt là khi những kẻ khổng lồ công nghệ nhảy vào cuộc chơi. Mới đây nhất đó chính là Stadia (vốn có tên ban đầu là Project Stream) đến từ Google.

Giống như các dịch vụ cloud gaming khác, Stadia cho phép người dùng stream game lên thiết bị của mình để chơi, nhưng là chơi qua trình duyệt Chrome. Độ phủ sóng của Chrome là không cần bàn cãi khiến cho việc tiếp cận Stadia không phải là một trở ngại. Giờ đây bạn có thể chơi game AAA trên điện thoại, máy tính bảng hay laptop làm việc có cài đặt Chrome. Những ấn tượng ban đầu từ các trang tin đánh giá uy tín cho thấy rằng việc chơi các tựa game Assassin’s Creed Odyssey và Doom Eternal qua Stadia mang lại trải nghiệm tương tự như việc chơi game thông thường.

Google Stadia

Thêm vào đó là việc không hack, cheat trong game do bản chất xử lí trên server của cloud gaming khiến cho Stadia trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. Và bạn có nhận thấy không, sự bùng nổ về cloud gaming gần đây khi ngoài Google Stadia, chúng ta còn có Project xCloud của Microsoft hay Project Atlas của Electronic Arts. Thời khắc để cloud gaming lên ngôi đang rất gần kề!

10 năm sau, hãy nhớ đến ngày này, ngày ra đời của Stadia – Kẻ hủy diệt những cỗ máy chơi game cá nhân - Ảnh 8.

Một câu hỏi đặt ra là, khi mà bạn có thể chơi thoải mái những tựa game có đồ họa tiêu tốn tài nguyên nhất chỉ với một cái laptop văn phòng cùi bắp có cài Chrome thì nhu cầu nào dành cho việc mua bán linh kiện PC hoặc một cỗ máy console nữa? Game thủ đơn giản chỉ cần một mức phí nhỏ hàng tháng là đã có thể trải nghiệm tất cả những sản phẩm game trên trời dưới biển thay vì đầu tư vài chục triệu vào một cỗ PC quái vật.

10 năm sau, hãy nhớ đến ngày này, ngày ra đời của Stadia – Kẻ hủy diệt những cỗ máy chơi game cá nhân - Ảnh 9.

Trong thời đại của Cloud Gaming, liệu có còn ai bỏ cả núi tiền để sắm một chiếc PC chơi game?

Input lag ư? Stadia có vẻ như đã và đang giải quyết việc đó một cách hiệu quả cộng với cơ sở hạ tầng cho hệ thống mạng của thế giới chỉ có đang tốt hơn chứ không có xấu đi được. Bạn có nhớ những cửa hàng cho thuê băng đĩa Blockbuster hay đầu đĩa Bluray từng rất nổi tiếng không? Sự phát triển của dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix đã góp phần không nhỏ vào việc giết chết Blockbuster khi mà người ta có thể nằm nhà thưởng môn nghệ thuật thứ bảy trên mạng thay vì tốn thời gian mua đầu và thuê đĩa. Các bộ phim và series truyền hình chất lượng cao vẫn xuất hiện đều đặn, chỉ có điều giờ đây người ta xem chúng trên Internet thôi.

Có khả năng rất cao điều tương tự sẽ xảy ra đối với video game; suy cho cùng thì người chơi hướng đến sự tiết kiệm và tiện lợi – hai thứ mà cloud gaming có thừa. Việc giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn đọng của dịch vụ stream game chỉ là vấn đề thời gian, nhất là khi những tập đoàn công nghệ khổng lồ đang tập trung vào cloud gaming. Và một khi điều đó đến (vốn sẽ rất gần thôi) thì những thiết bị chơi game truyền thống sẽ đi về đâu?

10 năm, quãng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để thay đổi cả một thế hệ. Với những người đang yêu thích hay bị mê đắm bởi những cỗ máy chơi game truyền thống như PC, PlayStation hay Xbox, hãy tận hưởng nốt những dư vị ngọt ngào ở hiện tại đi. Có lẽ sau 1 thập kỷ nữa, những cái tên này sẽ chỉ còn mang giá trị tinh thần hoặc sưu tập mà thôi.

Lê Minh Hưng - Khánh Cường
Dũng Bùi
Theo Helino28/3/2019


10 năm sau, hãy nhớ đến ngày này, ngày ra đời của Stadia – Kẻ hủy diệt những cỗ máy chơi game cá nhân - Ảnh 11.